Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 23/11/2024 17:21 (GMT +7)
Nỗ lực của Bình Liêu
Chủ nhật, 03/12/2023 | 07:40:11 [GMT +7] A A
Với trên 96% là đồng bào dân tộc thiểu số, Bình Liêu sở hữu nhiều giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể truyền thống, được xác định là nguồn lực nội sinh quan trọng cho phát triển kinh tế, xã hội bền vững. Kiên định với quan điểm đó, trong những năm qua, Bình Liêu đã đặc biệt quan tâm, dành nhiều nguồn lực cho công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa nói chung và di sản văn hóa phi vật thể nói riêng.
Theo thống kê, các di sản văn hóa phi vật thể huyện Bình Liêu còn giữ gìn đến nay gồm: Các loại hình trình diễn dân gian (hát then, nghi lễ then của người Tày, hát sán cố, hát pả dung của dân tộc Dao (nhóm Dao Thanh Phán, nhóm Dao Thanh Y), hát soóng cọ của dân tộc Sán Chay (nhóm Sán Chỉ), thổi kèn đồng người Dao, thổi kèn lá dân tộc Sán Chay; Loại hình tiếng nói (tiếng nói dân tộc Tày, Dao, Sán Chay); Loại hình chữ viết (chữ viết của dân tộc Tày, Dao, Sán Chay); Loại hình ngữ văn dân gian (ca dao, dân ca của dân tộc Tày, Dao, Sán Chay); Lễ hội truyền thống (lễ hội đình Lục Nà, hội Kiêng Gió, hội Soóng Cọ); Nghề thủ công truyền thống (nghề trồng dâu, nuôi tằm, chạm khắc bạc); Tri thức dân gian (ẩm thực của người Tày, Dao, Sán Chay); lá tắm truyền thống của người Dao, Sán Chỉ; Các tập quán xã hội (đám cưới, đám ma của dân tộc Tày, Dao, Sán Chỉ; nghi lễ vòng đời, các lễ tết truyền thống trong năm của các dân tộc trên địa bàn).
Nhằm thực hiện công tác bảo tồn những di sản văn hóa phi vật thể này một cách bài bản, từ năm 2016, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện đã ban hành Nghị quyết số 06-NQ/HU “Về bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của cộng đồng các dân tộc huyện Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2016-2021”. Ngày 27/12/2018, UBND huyện Bình Liêu ban hành Quyết định số 3536/QĐ-UBND về việc phê duyệt “Đề án bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa các dân tộc huyện Bình Liêu đến năm 2020, định hướng đến năm 2030” và ngày 15/4/2021 tiếp tục ban hành Kế hoạch số 1220/KH-UBND của UBND huyện “Về việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa các dân tộc huyện Bình Liêu giai đoạn 2021-2025”...
Bám sát nghị quyết, kế hoạch đề ra, đến nay, huyện Bình Liêu đã hoàn thành “Đề án bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa tiêu biểu tộc người Tày Bình Liêu phục vụ phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, tiếp tục xây dựng “Đề án bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa người Dao gắn với phát triển du lịch cộng đồng tại bản Sông Moóc, xã Đồng Văn giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030” và “Đề án bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa người Sán Chỉ gắn với phát triển du lịch cộng đồng tại bản Lục Ngù, xã Húc Động giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030”. Từ đây, nhằm bảo tồn, trao truyền văn hóa truyền thống như kiến trúc nhà ở, không gian sống, trang phục truyền thống, ẩm thực, dân ca, dân vũ, các phong tục tập quán... tạo các sản phẩm văn hóa đáp ứng phát triển du lịch văn hóa, du lịch cộng đồng địa phương.
Cùng với đó, huyện Bình Liêu làm tốt công tác tổ chức các lễ hội, ngày hội thường niên như: Lễ hội đình Lục Nà; liên hoan hát then - đàn tính gắn với không gian văn hóa dân tộc Tày; hội Soóng Cọ gắn với không gian văn hóa dân tộc Sán Chỉ, hội Kiêng Gió gắn với hát pả dung và không gian văn hóa người Dao. Bên cạnh đó, hội Hoa sở, hội Mùa vàng, Ngày hội văn hóa - thể thao các dân tộc được tổ chức với các hoạt động văn hóa văn nghệ như: Hát các làn điệu dân ca truyền thống, các trò chơi dân gian, môn thể thao dân tộc, khôi phục, phục dựng các phong tục tập quán như nghi lễ cầu may của đồng bào Sán Chỉ, nghi lễ then của người Tày, đám cưới của người Dao, người Sán Chỉ... không chỉ đáp ứng nguyện vọng sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng bảo tồn phong tục tập quán, di sản văn hóa của đồng bào mà tạo nên những sản phẩm du lịch độc đáo, hấp dẫn. Trong giai đoạn 2018-2023, toàn huyện đã tổ chức 10 lớp truyền dạy hát then - đàn tính, hát soóng cọ, hát pả dung thu hút đông đảo nhân dân, thanh thiếu nhi tham gia.
Ông Mạc Ngọc Điệp, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Bình Liêu, cho biết: Năm 2019, UNESCO chính thức ghi nhận Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại (mà then Tày Bình Liêu - Quảng Ninh là đại diện). Mới đây, nghệ thuật trình diễn dân gian hát soóng cọ của người Sán Chỉ tỉnh Quảng Ninh được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đây chính là động lực quan trọng để các làn điệu dân ca của dân tộc Tày, Dao, Sán Chỉ của huyện Bình Liêu ngày càng được lan tỏa, phát huy. Hiện nay, huyện Bình Liêu đang phối hợp với các sở, ngành liên quan triển khai lập hồ sơ di sản đề nghị công nhận di sản văn hóa phi vật thể đối với nghi lễ mừng cơm mới và hội Kiêng Gió của người Dao ở Bình Liêu; triển khai nghiên cứu không gian văn hóa tín ngưỡng của các đồng bào dân tộc Tày, Dao, Sán Chỉ trên địa bàn huyện Bình Liêu nhằm phục vụ hiệu quả công tác bảo tồn, lưu giữ, phát huy giá trị di sản.
Duy Khoa
Liên kết website
Ý kiến ()