Tất cả chuyên mục
Thứ Tư, 13/11/2024 02:43 (GMT +7)
Nỗ lực giảm nghèo bền vững
Thứ 3, 16/01/2024 | 16:08:51 [GMT +7] A A
Năm 2023, với sự nỗ lực của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể xã hội từ tỉnh đến cơ sở, cùng sự phấn đấu vươn lên của các hộ nghèo, hộ cận nghèo, chương trình giảm nghèo bền vững của tỉnh tiếp tục đạt nhiều kết quả tích cực.
Tết Giáp Thìn 2024 sẽ là cái Tết đáng nhớ và trọn vẹn niềm vui đối với gia đình bà Ngô Thị Xịch, thôn Đồng Mơ, xã Vũ Oai, TP Hạ Long. Sau bao năm mơ ước, căn nhà cấp 4 xập xệ, cũ nát của gia đình đã được sửa chữa. Căn nhà có diện tích hơn 50m2, trị giá gần 150 triệu đồng, trong đó, TP Hạ Long và xã Vũ Oai hỗ trợ 40 triệu đồng từ các nguồn xã hội hóa, phần còn lại do gia đình đối ứng và người thân giúp đỡ.
Bà Xịch cho biết, do chồng bà bị bệnh hiểm nghèo từ nhiều năm nay, các con đều có gia đình riêng và hoàn cảnh kinh tế khó khăn nên việc sửa chữa nhà ở của gia đình không thể thực hiện được. Nay có nhà ở khang trang, kiên cố rồi, vợ chồng bà vui lắm vì từ nay không phải chịu cảnh mưa dột, gió lùa rét buốt nữa. Tết này, các con cháu của ông bà sẽ về sum họp đầy đủ để cùng tận hưởng không khí đoàn viên vào ngày Tết.
Gia đình bà Xịch chỉ là một trong số 258 hộ dân được thụ hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở từ chương trình xóa nhà ở tạm, nhà ở dột nát cho người dân nghèo, có hoàn cảnh khó khăn của tỉnh với tổng kinh phí huy động gần 21 tỷ đồng. Chương trình đã giúp người dân nâng cao chất lượng cuộc sống và vươn lên thoát nghèo bền vững.
Với phương châm “không để ai bị bỏ lại phía sau”, Quảng Ninh đang bước vào giai đoạn thực hiện các mục tiêu của chuẩn nghèo đa chiều mới theo hướng cao hơn mức chuẩn nghèo của Chính phủ. Để tạo động lực cho các hộ cận nghèo vươn lên, trong năm 2023, tỉnh đã phân bổ hơn 25 tỷ đồng từ ngân sách cho Ngân hàng CSXH chi nhánh Quảng Ninh triển khai cho vay. Nhờ nguồn vốn này, các hộ nghèo, hộ cận nghèo có thêm nguồn vốn phát triển sản xuất, tạo thêm thu nhập, thoát nghèo bền vững.
Chị Nguyễn Thị Thúy, thôn Nà Ếch, xã Húc Động, huyện Bình Liêu cho biết, gia đình chị thuộc diện hộ cận nghèo. Từ nguồn vốn vay ưu đãi của tỉnh, gia đình chị có thêm nguồn lực để mở rộng diện tích trồng quế, đưa kinh tế gia đình phát triển vững chắc.
Theo ông Vi Hữu Ngạn, Phó Giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Bình Liêu, nguồn vốn do tỉnh phân bổ đã cơ bản đáp ứng được nhu cầu của người dân, giúp người dân có điều kiện phát triển kinh tế rừng, chăn nuôi, dịch vụ tổng hợp, từ đó nâng cao thu nhập.
Ngoài ra, chính sách hỗ trợ khác dành cho hộ nghèo, cận nghèo như: Cấp thẻ BHYT, hỗ trợ cước thuê bao điện thoại di động, khám chữa bệnh, học phí, điện sinh hoạt... cũng được tỉnh quan tâm, thực hiện đầy đủ.
Theo chuẩn nghèo đa chiều áp dụng trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023-2025, đầu năm 2023, Quảng Ninh còn 246 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 0,064%; 3.066 hộ cận nghèo, chiếm 0,797% tổng số hộ dân toàn tỉnh. Với nhiều giải pháp đồng bộ, hiệu quả, đến cuối năm 2023, toàn tỉnh đã giảm được 165 hộ nghèo (giảm 0,046%) và 1.142 hộ cận nghèo (giảm 0,313%).
Ông Lê Minh Sơn, Phó Giám đốc sở LĐ-TB&XH cho biết, năm 2024, Quảng Ninh đặt mục tiêu không còn hộ nghèo, giảm sâu hộ cận nghèo. Thực hiện mục tiêu này, Sở sẽ tiếp tục tham mưu cho tỉnh ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện các chế độ chính sách đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo, đảm bảo đồng bộ, kịp thời, phù hợp với văn bản quy định của Chính phủ và của tỉnh; thực hiện việc giao chỉ tiêu giảm nghèo đối với các địa phương ngay từ đầu năm; triển khai tốt công tác rà soát, xác định hộ nghèo, hộ cận nghèo, phân loại đối tượng thụ hưởng chính sách giảm nghèo và an sinh xã hội cuối năm tại các địa phương; tăng cường các nguồn huy động, đóng góp hợp pháp của doanh nghiệp; nguồn tài trợ của các tổ chức, cá nhân; vốn đối ứng tham gia của người dân, đối tượng thụ hưởng để đầu tư, hỗ trợ thực hiện có hiệu quả các mục tiêu thuộc Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững...
Minh Yến
Liên kết website
Ý kiến ()