Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 13:21 (GMT +7)
Nỗ lực giảm thiểu tảo hôn
Thứ 6, 08/01/2021 | 09:11:48 [GMT +7] A A
Với nhiều giải pháp trong công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân ở vùng cao, tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trên địa bàn tỉnh, nhất là ở các xã vùng sâu, vùng xa có nhiều chuyển biến tích cực.
Ban Dân tộc tỉnh tổ chức hội nghị tuyên truyền thực hiện Đề án Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số tại xã Đại Dực (huyện Tiên Yên) tháng 12/2020. |
Theo luật pháp, nếu chưa đủ tuổi kết hôn sẽ không được đăng ký kết hôn và không được tách hộ khẩu, nên các cặp tảo hôn hầu hết sống chung với cha mẹ, làm tăng thêm gánh nặng cho gia đình. Song song với đó là ở độ tuổi dưới 18, cơ thể của nữ giới chưa phát triển toàn diện nên khi mang thai sẽ ảnh hưởng lớn đến tâm sinh lý và sức khỏe...
Thông qua nhiều cuộc khảo sát thực tế, các ngành, đơn vị liên quan đã xác định vẫn còn tình trạng tảo hôn và chỉ ra nguyên nhân dẫn đến thực trạng này là do những hủ tục còn “ăn sâu, bám rễ” trong tư duy của một số bà con vùng DTTS; những hạn chế trong tiếp cận thông tin, đời sống kinh tế khó khăn…
Theo đó, các địa phương trong tỉnh đã tích cực triển khai câu lạc bộ can thiệp giảm tảo hôn, hôn nhân cận huyết, chủ yếu tập trung ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS như: Bình Liêu và Ba Chẽ với 8 CLB, Tiên Yên 12 CLB, Đầm Hà 10 CLB...
Cán bộ xã Đồng Tâm (huyện Bình Liêu) tuyên truyền, vận động người dân thôn Ngàn Phe xóa bỏ hủ tục. Ảnh: Hoàng Gái (Trung tâm TT-VH Bình Liêu) |
Các CLB này, duy trì sinh hoạt đều đặn, tổ chức tuyên truyền, nói chuyện chuyên đề tại cộng đồng với các nhóm đối tượng là thanh niên, vị thành niên, phụ huynh, học sinh, cha mẹ vị thành niên; tổ chức tọa đàm giao lưu tìm hiểu pháp luật về hôn nhân và gia đình, về tảo hôn và hôn nhân cận huyết… Các hoạt động truyền thông lồng ghép được thực hiện hiệu quả, gắn với công tác tuyên truyền cho người dân thông qua các CLB tiền hôn nhân, tuổi trẻ với hôn nhân; tư vấn sức khỏe sinh sản; mô hình không sinh con thứ ba…
Sau 5 năm triển khai thực hiện Đề án 498 của Thủ tướng Chính phủ về “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống giai đoạn 2015-2020”; từ năm 2015 đến tháng 3/2020, tại 11/13 địa phương (trừ huyện Cô Tô và TX Quảng Yên chỉ có 0,03% dân số DTTS), tổng số cặp tảo hôn là 236 cặp; không có trường hợp hôn nhân cận huyết thống. Tỷ lệ tảo hôn trong vùng đồng bào DTTS và miền núi giảm rõ rệt. Từ năm 2015 đến nay, tỷ lệ tảo hôn còn 1,2% trên tổng số cặp kết hôn trong giai đoạn này.
Ban Dân tộc tổ chức các hội nghị tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ và nhân dân về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trên địa bàn tỉnh. |
Với vai trò chủ trì, Ban Dân tộc tỉnh luôn chủ động công tác tham mưu và tổ chức thực hiện các hoạt động cụ thể của Đề án 498, đảm bảo phù hợp với từng đối tượng và từng địa phương trong tỉnh. Tại các hội nghị, diễn đàn, Ban tích cực trao đổi, nắm thông tin từ người dân, cán bộ cơ sở để đánh giá chính xác sự hiểu biết và chấp hành các quy định của pháp luật nói chung về tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống.
Trong 5 năm, Ban đã biên soạn, in và phát hành 30.000 tờ gấp tuyên truyền có tiêu đề “Nói không với tảo hôn”, “Nói không với hôn nhân cận huyết thống”; đặt gần 1.000 cuốn sách tuyên truyền về pháp luật, trong đó có Luật Hôn nhân và Gia đình, cấp phát đến các xã vùng khó khăn huyện miền núi, vùng DTTS…
Có thể thấy, công tác tuyên truyền đóng vai trò quan trọng để bà con hiểu rõ, nắm chắc kiến thức về tảo hôn và hôn nhân cận huyết. Cùng với đó, là sự vào cuộc tích cực của các cấp, ngành trong hỗ trợ người dân vay vốn phát triển sản xuất, phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần...
Vân Anh
Liên kết website
Ý kiến ()