Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 23/11/2024 06:38 (GMT +7)
Nỗ lực phòng, chống tác hại của thuốc lá
Thứ 5, 18/04/2024 | 13:35:53 [GMT +7] A A
Thời gian qua, Quảng Ninh đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và người dân trên địa bàn tỉnh về tác hại của thuốc lá.
Hàng năm, UBND tỉnh, Ban chỉ đạo phòng, chống tác hại của thuốc lá tỉnh kịp thời ban hành các văn bản chỉ đạo và kế hoạch tổ chức hoạt động phòng, chống tác hại của thuốc lá (PCTHTL), chỉ đạo các hoạt động tăng cường tuyên truyền Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá, các Nghị định, văn bản hướng dẫn thực hiện Luật, truyền thông hưởng ứng Ngày Thế giới không hút thuốc lá, Tuần lễ Quốc gia không khói thuốc…
Các sở, ban, ngành, địa phương căn cứ vào kế hoạch của tỉnh và hướng dẫn của bộ, ngành về triển khai Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá, Nghị định số 77/2013/NĐ-CP của Chính phủ, tổ chức, triển khai các hoạt động phòng, chống tác hại của thuốc lá; ban hành các quy chế làm việc, quy chế văn hóa công sở, trong đó quy định việc thực hiện nghiêm túc các quy định về PCTHTL; tăng cường công tác đấu tranh chống buôn lậu, kinh doanh trái phép thuốc lá, tăng cường truyền thông nhân các ngày chiến dịch thực hiện Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá…
Nhất quán quan điểm công tác tuyên truyền, phổ biến, thi hành Luật, Nghị định giữ vị trí, vai trò quan trọng trong công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá, nhằm đưa pháp luật vào cuộc sống, nâng cao hiểu biết pháp luật, ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân, góp phần nâng cao nhận thức, tăng cường công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân trên địa bàn tỉnh. Để kịp thời triển khai thực hiện công tác tuyên truyền phổ biến nghị định, tỉnh đã chỉ đạo Sở Y tế phối hợp với các sở, ban, ngành, đoàn thể trên địa bàn toàn tỉnh tăng cường triển khai công tác tuyên truyền, kết quả đã có sự vào cuộc, tham gia tích cực của các cơ quan đơn vị, cơ quan truyền thông, đoàn thể các cấp cũng như người dân trên địa bàn tỉnh.
Từ năm 2013 đến nay, tỉnh đã tổ chức 08 cuộc mít tinh tuyên truyền phòng chống tác hại của thuốc lá, phát sóng hàng nghìn tin, bài, phóng sự lan tỏa thông điệp PCTHTL trên các hạ tầng của Trung tâm Truyền thông tỉnh, cổng thông tin điện tử các ngành, địa phương; các đơn vị tổ chức nhiều cuộc thi tìm hiểu tác hại của thuốc lá, tuyên truyền PCTHTL; in phát trên 1,2 triệu tờ rơi, 149.000 áp phích, 698 đĩa hình, đĩa tiếng, in ấn thông điệp truyền thông trên 4.400 lịch, 60.000 thời khóa biểu…
Các cơ quan, đơn vị, địa phương đã chủ động xây dựng kế hoạch định kỳ kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá, các văn bản liên quan hoặc lồng ghép vào các hoạt động kiểm tra giám sát thường kỳ của đơn vị. Toàn tỉnh kiểm tra, giám sát 74 đợt, trên 2000 lượt đơn vị về thực hiện Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá, các văn bản liên quan. Qua kiểm tra cho thấy các đơn vị thực hiện tương đối tốt Luật PCTHTL, chấp hành việc cấm hút thuốc tại các địa điểm đúng theo quy định. Đối với hoạt động thi hành Luật, qua kiểm tra phát hiện và xử phạt một số trường hợp vi phạm, còn lại chủ yếu tuyên truyền nhắc nhở, hướng dẫn các đơn vị thực hiện các quy định Luật. Toàn tỉnh trong thời gian qua đã kiểm tra 90 cơ sở, phạt tiền 11 cơ sở với số tiền phạt là 11,25 triệu đồng.
Việc nói không với thuốc lá trong CBCCVC, người lao động trong các cơ quan, đơn vị hành chính sự nghiệp đã có chuyển biến tích cực và đạt kết quả tốt. Các công sở, đơn vị đã tổ chức gắn biển, pano “không hút thuốc lá” tại cổng, hành lang, phòng làm việc. Cùng với đó, các cơ quan, đơn vị đề cao trách nhiệm cá nhân, vai trò gương mẫu của người đứng đầu trong việc phòng, chống tác hại của thuốc lá…
Mặc dù có nhiều chuyển biến tích cực, song vẫn còn không ít tồn tại, vướng mắc. Thực tế cho thấy, vi phạm hút thuốc lá nơi công cộng vẫn rất phổ biến, việc hút thuốc chỉ diễn ra trong thời gian ngắn và bất chợt. Trong khi đó, việc bố trí nguồn lực để thực hiện nhiệm vụ này còn hạn chế, vì vậy không đủ lực lượng giám sát, nhắc nhở và không có thẩm quyền xử phạt.
Trên thị trường xuất hiện nhiều sản phẩm thuốc lá thế hệ mới (thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng,…), nhưng Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá chưa có quy định cụ thể, việc kiểm soát hoạt động kinh doanh các mặt hàng này gặp nhiều khó khăn. Mặt khác, với giá thành tương đối rẻ, thiết kế ấn tượng tạo trào lưu, hương vị hấp dẫn, đa dạng, thu hút càng nhiều đối tượng sử dụng, đặc biệt là thanh thiếu niên. Khó khăn trong việc quản lý điểm bán lẻ thuốc lá, giá thuốc lá rất rẻ, người dân rất dễ tiếp cận để mua bán rộng rãi, công khai; việc vi phạm hút thuốc lá nơi công cộng vẫn còn phổ biến. Công tác kiểm tra, giám sát vẫn còn nhiều hạn chế do số lượng còn ít, lực lượng kiểm tra còn mỏng, trong khi đó chế tài xử phạt quy định chưa rõ ràng.
Ngoài ra, hoạt động cai nghiện thuốc lá còn khó khăn về cơ chế thực hiện, hạn chế về nhận thức của người dân về lợi ích của cai nghiện thuốc lá; nhân lực tham gia chủ yếu là cán bộ y tế kiêm nhiệm, do đó khó khăn trong theo dõi hỗ trợ bệnh nhân trong quá trình cai nghiện thuốc lá; chưa có chính sách phụ cấp, tiền công cho nhân viên tư vấn và cán bộ y tế kiêm nhiệm…
Nhằm giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá, tỷ lệ tiếp xúc thụ động với khói thuốc lá nhằm giảm bệnh tật và tử vong do sử dụng các sản phẩm thuốc lá gây ra, ngày 21/3/2024, tỉnh cũng ban hành kế hoạch thực hiện Chiến lược phòng, chống tác hại của thuốc lá trên địa bàn tỉnh đến năm 2030. Kế hoạch đã đề ra các mục tiêu cụ thể, xây dựng các nhóm giải pháp trọng tâm, giao nhiệm vụ cụ thể tới từng sở, ngành, địa phương để thực hiện.
Để khắc phục tồn tại, khó khăn, vướng mắc trong thi hành Luật và các văn bản liên quan, Quảng Ninh cũng đề xuất, kiến nghị với các bộ, ngành sửa đổi, bổ sung một số quy định tại Nghị định số 77/2013/NĐ-CP; quy định về điều chỉnh mức thuế, mức giá bán tối thiểu; đồng thời, kiến nghị, đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả cho việc thi hành.
Thanh Hoa
Liên kết website
Ý kiến ()