Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 11:30 (GMT +7)
Nỗ lực phủ xanh những cánh rừng
Thứ 2, 11/07/2022 | 08:44:59 [GMT +7] A A
Trước năm 2021, diện tích rừng gỗ lớn lim, giổi, lát trên địa bàn tỉnh không nhiều, chỉ có khoảng 36ha được trồng rải rác trên các cánh rừng tại một số địa bàn như Ba Chẽ, Tiên Yên. Ngày 25/11/2021, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh ban hành Nghị quyết số 08-NQ/TU về phương hướng, nhiệm vụ năm 2022, trong đó có mục tiêu phấn đấu toàn tỉnh trồng tối thiểu 2.000ha rừng cây bản địa; các loài lim, giổi, lát. Tính đến hết tháng 6, toàn tỉnh trồng được gần 1.500ha lim, giổi, lát (đạt trên 71% mục tiêu Nghị quyết). Kết quả này khẳng định những chủ trương của tỉnh đã thực sự đi vào cuộc sống, mang lại hiệu quả tích cực.
Theo đánh giá của Sở NN&PTNT, có được kết quả trên nhờ sự vào cuộc tích cực của các địa phương, doanh nghiệp, sự hưởng ứng, đồng lòng của người dân trong thực hiện chủ trương của tỉnh. Ngay từ đầu năm nay, các địa phương đã tập trung tuyên truyền, tiến hành các mô hình trồng rừng phù hợp, chủ động huy động nguồn lực hỗ trợ tại chỗ, phát huy vai trò cấp xã trong nắm bắt hiện trạng đất trồng rừng; thường xuyên đánh giá và tháo gỡ vướng mắc phát sinh trong quá trình triển khai trồng rừng, nhất là những vướng mắc liên quan đến chính sách hỗ trợ phát triển trồng rừng gỗ lớn, cây bản địa, tập trung nhiều ở địa bàn huyện Ba Chẽ và TP Hạ Long.
Bên cạnh đó, việc triển khai trồng lim, giổi, lát còn ghi nhận sự quyết tâm triển khai thực hiện nhiệm vụ của Sở NN&PTNT, một số sở, ban, ngành trong tỉnh, đặc biệt là Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh đã rất chủ động, trách nhiệm trong triển khai vận động các doanh nghiệp trong khu công nghiệp, khu kinh tế hỗ trợ trồng hàng trăm ha rừng; đồng thời có sự đồng hành hỗ trợ của doanh nghiệp tỉnh, trong đó điển hình là Tập đoàn Sungroup đã hỗ trợ cây giống trị giá 5 tỷ đồng. Với sự hưởng ứng của gần 50 doanh nghiệp, đơn vị đăng ký ủng hộ kinh phí để trồng rừng lim, giổi, lát, trong gần 1.500ha lim, giổi, lát được trồng thì có tới hơn 1.000ha được trồng từ nguồn xã hội hóa, vốn của các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân. Điều này cho thấy, mục tiêu trồng tối thiểu 2.000ha rừng cây lim, giổi, lát của tỉnh đang được từng bước rút ngắn.
Chính nhờ cách làm bài bản, khoa học và đồng bộ các nội dung, giải pháp từ xây dựng, triển khai phân bổ chỉ tiêu, kế hoạch trồng rừng, phát triển trồng rừng gỗ lớn, các loài cây bản địa, lim, giổi, lát từ tỉnh đến huyện, từ huyện đến xã, đến người dân, doanh nghiệp, đến nay, một số địa phương đã đạt kết quả cao và thực hiện vượt kế hoạch UBND tỉnh giao trồng rừng, điển hình: TP Móng Cái đạt 115%, huyện Ba Chẽ đạt 85%, huyện Vân Đồn đạt 82%, huyện Tiên Yên đạt 73,43%.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực đạt được, hiện vẫn còn một số địa phương có kết quả trồng rừng chưa cao, còn chậm so với kế hoạch được giao, đơn cử như huyện Đầm Hà (đạt 6,92%), TP Hạ Long (đạt 29%)... Nguyên nhân chính là những địa phương này chưa thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động người dân tham gia trồng rừng; công tác kiểm tra, hướng dẫn trồng rừng của các địa phương chưa khoa học, sát địa bàn; công tác chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra, hướng dẫn trồng rừng chưa quyết liệt; chưa chủ động về mặt bằng trồng rừng; chưa phát huy được vai trò của người dân, cộng đồng dân cư, doanh nghiệp, tổ chức tham gia trồng và phát triển rừng...
Vì vậy, các địa phương cần quyết liệt hơn nữa để đảm bảo tiến độ và không làm ảnh hưởng đến mục tiêu trồng tối thiểu 2.000ha rừng mà Nghị quyết 08 đã đặt ra. Vụ hè thu còn 3 tháng nữa (tháng 7 đến hết tháng 9) - đây là thời gian trong vụ trồng rừng cuối cùng của năm, thời điểm then chốt, quyết định để hoàn thành mục tiêu kế hoạch của năm 2022.
Ông Vũ Duy Văn, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, cho biết: Việc gia tăng diện tích những cánh rừng gỗ lớn, rừng cây bản địa có giá trị kinh tế cao không chỉ giúp duy trì độ che phủ rừng 55% của tỉnh mà góp phần nâng cao chất lượng, giá trị rừng, giữ vững môi trường sinh thái. Bởi việc phủ xanh những cánh rừng tại Quảng Ninh cũng chính là cách để "ươm mầm" cho hàng loạt những lợi ích to lớn về môi trường, khí hậu, cảnh quan, nguồn sinh kế ổn định... trước mắt cũng như lâu dài. Do đó, Sở NN&PTNT tiếp tục tập trung tham mưu UBND tỉnh báo cáo, trình HĐND tỉnh mở rộng điều chỉnh phạm vi, đối tượng áp dụng Nghị quyết số 337/2021/NQ-HĐND theo hướng: Hỗ trợ kinh phí mua cây giống cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư, rừng do UBND cấp xã quản lý (rừng chưa giao) trên phạm vi toàn tỉnh; trình UBND tỉnh xem xét quyết định khai thác rừng trồng của các Ban Quản lý rừng phòng hộ Móng Cái, hồ Trúc Bài Sơn Đầm Hà và Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Tiên Yên; trình UBND tỉnh phê duyệt kế hoạch trồng rừng thay thế đợt 2 năm 2022 của các đơn vị, địa phương; bám sát Bộ NN&PTNT liên quan đến thủ tục thanh lý rừng để hướng dẫn các địa phương, chủ rừng triển khai thực hiện và tiếp tục tập trung vận động các đơn vị ủng hộ cây giống thực hiện trồng rừng kịp thời vụ hè thu từ tháng 7 đến tháng 9/2022.
Về phía các địa phương, để hoàn thành mục tiêu cần tập trung chỉ đạo, hằng tháng kiểm điểm tiến độ thực hiện, tiếp tục huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, của nhân dân trên địa bàn triển khai trồng rừng: Lim, giổi, lát. Đồng thời, chủ động liên hệ, tranh thủ sự ủng hộ, chung tay của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và tổ chức trồng rừng đối với nguồn kinh phí, cây giống của các đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp hỗ trợ các địa phương đảm bảo hiệu quả, cây sinh trưởng tốt, thành rừng. Đối với những địa phương có kết quả thực hiện thấp, cần nỗ lực hơn nữa triển khai mọi giải pháp thực hiện đảm bảo đạt kế hoạch trồng rừng tỉnh giao; khẩn trương rà soát qũy đất để xây dựng kế hoạch thực hiện trồng rừng gỗ lớn cây bản địa lim, giổi, lát năm 2023 nhằm sớm hoàn thành mục tiêu đến năm 2025 trồng 5.000 ha lim, giổi, lát trên địa bàn tỉnh.
Hoàng Nga
Liên kết website
Ý kiến ()