Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 05/11/2024 13:25 (GMT +7)
Nỗ lực phục hồi và phát triển kinh tế
Thứ 3, 16/11/2021 | 17:28:18 [GMT +7] A A
Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ về quy định tạm thời thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 đã giúp các địa phương linh hoạt trong công tác chỉ đạo phòng, chống dịch; đồng thời chủ động trong sản xuất, kinh doanh để phục hồi và phát triển kinh tế.
Đến nay, tỉnh Quảng Ninh đã nỗ lực kiểm soát được dịch Covid-19, từng bước tạo nền tảng căn bản để chuyển hướng thực hiện chiến lược "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19" trong tình hình mới. Tỉnh chủ động, linh hoạt đưa ra nhiều giải pháp quyết liệt, đột phá trong thu hút đầu tư cũng như tích cực tổ chức nhiều hội nghị gặp mặt, đối thoại nhằm tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19; đồng thời chủ động thành lập, ban hành quy chế hoạt động của Tổ công tác đặc biệt ở cấp tỉnh do Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh làm tổ trưởng, có trách nhiệm hướng dẫn, phối hợp, đôn đốc, giám sát các chủ đầu tư triển khai nhanh, hiệu quả các dự án trọng điểm. Giám đốc Sở Kế hoạch và Ðầu tư Nguyễn Hồng Dương cho biết, tổ công tác đặc biệt có nhiệm vụ phối hợp với các cơ quan, địa phương, định kỳ thứ sáu hằng tuần tổng hợp, báo cáo chi tiết tiến độ thực hiện và giải ngân, khó khăn, vướng mắc của các dự án; xây dựng kế hoạch, lịch làm việc trực tiếp với các chủ đầu tư, địa phương liên quan...
Mới đây, tỉnh Quảng Ninh khởi động bốn dự án trọng điểm gồm: Bến cảng tổng hợp Vạn Ninh (giai đoạn 1) ở TP Móng Cái; nhà máy điện khí LNG Quảng Ninh tại khu công nghiệp Cẩm Thịnh, TP Cẩm Phả; khu đô thị phức hợp Hạ Long xanh tại phường Hà Khẩu, TP Hạ Long và thị xã Quảng Yên; sân golf Ðông Triều ở xã An Sinh, thị xã Ðông Triều. Với việc đồng loạt triển khai chuỗi các dự án trọng điểm, chiến lược của năm 2021, tỉnh Quảng Ninh đang từng bước nỗ lực hoàn thiện kết cấu hạ tầng kỹ thuật, dịch vụ đồng bộ, hiện đại, quyết tâm tạo ra những dư địa phát triển mới cả lâu dài và bền vững.
Thành ủy Hải Phòng phân công các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy có trách nhiệm chỉ đạo công tác phòng, chống dịch cũng như phát triển kinh tế - xã hội và giải quyết các vấn đề nảy sinh trên địa bàn từng quận, huyện. Việc gắn với trách nhiệm của từng cá nhân lãnh đạo cụ thể với kết quả thực hiện mục tiêu kép của từng địa bàn đã mang lại hiệu quả thiết thực. Hiện TP Hải Phòng tích cực triển khai kế hoạch thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19; trong đó, các hoạt động vận tải đường bộ, đường sắt, đường thủy và đường hàng không đã trở lại gắn với việc kiểm soát hiệu quả dịch bệnh. Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Văn Tùng cho biết: "Ðảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố Cảng kiên trì thực hiện quan điểm vừa tăng cường, kiểm soát nghiêm ngặt, hiệu quả phòng, chống dịch, vừa tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh phát triển. Nhờ kiên định thực hiện quan điểm đó mà hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn thành phố vẫn duy trì ổn định và có bước tăng trưởng mạnh mẽ".
Ngay từ giữa tháng 7/2021, UBND tỉnh Bắc Ninh đã khẩn trương thành lập Tổ phản ứng nhanh hỗ trợ doanh nghiệp (Tổ ba nhất) do Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Vương Quốc Tuấn làm tổ trưởng. Tổ ba nhất hoạt động với phương châm "tư vấn hiệu quả nhất, giải quyết nhanh nhất, chống dịch an toàn nhất". Ðồng chí Vương Quốc Tuấn cho biết, ngay sau khi Tổ ba nhất thành lập, tỉnh Bắc Ninh xây dựng ngay kênh Zalo Official Account "Tổ phản ứng nhanh ba nhất tỉnh Bắc Ninh" để kịp thời nắm bắt, giải quyết dứt điểm những khó khăn, vướng mắc của nhân dân; kịp thời hỗ trợ, giảm tác động của dịch Covid-19, bảo vệ hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, hộ kinh doanh trên địa bàn tỉnh. Tổ đã tiếp nhận và xử lý 72 lượt ý kiến, phản ánh của doanh nghiệp, hộ kinh doanh và người dân. Việc giải quyết vướng mắc kiến nghị của doanh nghiệp được giải quyết công tâm, không phân biệt doanh nghiệp lớn, nhỏ, trong nước hay nước ngoài, không đùn đẩy trách nhiệm theo tinh thần chỉ đạo của các đồng chí lãnh đạo tỉnh. Công tác phối hợp giữa thường trực tổ phản ứng nhanh và tổ phản ứng nhanh của các sở, ngành, địa phương rất chặt chẽ, linh hoạt, hiệu quả, đưa ra nhiều giải pháp, nhằm hỗ trợ tốt nhất, nhanh nhất cho người dân, doanh nghiệp.
"Chống dịch để sản xuất, sản xuất để chống dịch" đã trở thành khẩu hiệu quen thuộc tại Bắc Giang từ tháng 6/2021, khi tỉnh quyết định nối lại hoạt động trong các khu công nghiệp do trước đó phải tạm dừng để triển khai chống dịch Covid-19. Tỉnh Bắc Giang nhanh chóng thành lập Tổ công tác hỗ trợ khôi phục sản xuất, trong đó đặt trọng tâm là hướng dẫn doanh nghiệp xây dựng mô hình sản xuất an toàn trong điều kiện có dịch Covid-19. Nhờ đó, các doanh nghiệp triển khai mô hình "ba cùng" tổ chức công nhân ăn, ở, làm việc tập trung tại nhà máy, duy trì sản xuất các đơn hàng cần thiết không để xảy ra tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng. Chỉ sau hai tháng, các khu công nghiệp đã quay trở lại hoạt động nhộn nhịp, ổn định hơn so với thời điểm dịch bùng phát.
Theo Tổng cục Thống kê, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã nỗ lực, quyết tâm cao và đạt được kết quả quan trọng trong phòng, chống dịch bệnh, ổn định đời sống của nhân dân, từng bước phục hồi và phát triển kinh tế. Tiến độ tiêm vắc-xin phòng Covid-19 đạt kết quả khả quan. Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ được ban hành kịp thời đã bảo đảm việc tiếp tục thực hiện mục tiêu kép "vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế - xã hội". Tình hình kinh tế - xã hội tháng 10 và 10 tháng năm 2021 của nước ta đã có nhiều khởi sắc. 10 tháng năm 2021, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 3,3%, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tăng 17,3% so với cùng kỳ năm 2020.
Nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp thích ứng linh hoạt với dịch Covid-19, giá trị sản xuất công nghiệp (IIP) của các tỉnh, thành phố phía bắc trong 10 tháng năm 2021 đạt ở mức cao: Quảng Ninh tăng 9,68%; Hải Phòng tăng 19,22%; Bắc Giang tăng 13,1%; Bắc Ninh tăng 10,48% so cùng kỳ năm 2020. Hải Phòng đang nỗ lực đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội trong những tháng cuối năm, phấn đấu đạt mức tăng trưởng kinh tế (GRDP) tăng 12,5% so với năm 2020; trong đó, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 18,5%; tổng thu ngân sách trên địa bàn phấn đấu đạt hơn 90 nghìn tỷ đồng, tăng 17% dự toán Trung ương giao; kim ngạch xuất khẩu phấn đấu đạt 25 tỷ USD, tăng hơn 13% so kế hoạch... Tỉnh Quảng Ninh phấn đấu năm 2021 có tốc độ tăng trưởng kinh tế tăng 10,01% so năm 2020; tổng thu ngân sách đạt hơn 51 nghìn tỷ đồng, bằng 115% dự toán Trung ương giao, bằng 104% cùng kỳ năm 2020...
Ðể thực hiện hiệu quả Nghị quyết 128 của Chính phủ, UBND tỉnh Bắc Ninh đã ban hành các văn bản chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện bảo đảm phù hợp tình hình của địa phương. Bí thư Tỉnh ủy Ðào Hồng Lan cho biết: Từ nay đến cuối năm, tỉnh sẽ tập trung vào việc thực hiện đồng bộ các giải pháp để phấn đấu hoàn thành thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 đã đề ra. Trong đó, tỉnh thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trong tình hình mới; bảo đảm triển khai tiêm vắc-xin cho các đối tượng theo kế hoạch; tăng cường công tác quản lý, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư, nhất là đầu tư công; thực hiện quyết liệt giải pháp để giải ngân 100% vốn đầu tư công phân bổ đầu năm; tập trung tháo gỡ vướng mắc khó khăn cho doanh nghiệp để khôi phục sản xuất; đẩy mạnh thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp; tập trung thu hút các tập đoàn lớn đầu tư vào khu du lịch sinh thái, khu đô thị lớn...
Theo Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký, nhiệm vụ trọng tâm từ nay đến cuối năm là tỉnh ưu tiên tập trung cao nhất cho công tác phòng, chống dịch và phục hồi, phát triển kinh tế. Theo đó, những trụ cột tăng trưởng vẫn được xác định là các ngành, lĩnh vực: Công nghiệp than, công nghiệp chế biến, chế tạo, thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, xây dựng; dịch vụ, du lịch trên cơ sở tận dụng thị trường, giao thông; phát triển kinh tế biển, vận tải đa phương thức, logistics; đồng thời tiếp tục thực hiện hiệu quả ba đột phá chiến lược về nguồn nhân lực chất lượng cao và lao động có kỹ năng gắn với tăng nhanh quy mô và nâng cao chất lượng dân số; chú trọng vấn đề nhà ở công nhân, lao động, chuyên gia để tạo đột phá trong thu hút nguồn nhân lực. Cùng với đó, tỉnh tập trung cho công tác giải phóng mặt bằng, quy hoạch các dự án trọng điểm, các khu công nghiệp mới, tạo đòn bẩy khôi phục, lấy lại đà tăng trưởng kinh tế cho các năm tiếp theo.
Theo nhandan.vn
- Chính phủ thảo luận về dự thảo Chiến lược tổng thể phòng, chống dịch và Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội
- Quốc hội khoá XV: Gợi mở nhiều giải pháp phục hồi, phát triển kinh tế
- Trợ lực cho phụ nữ phát triển kinh tế
- Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc: Tạo điều kiện thuận lợi phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã
- Vân Đồn: Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số
Liên kết website
Ý kiến ()