Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 04:08 (GMT +7)
Nỗ lực thu hẹp khoảng cách phát triển
Chủ nhật, 27/10/2024 | 14:06:03 [GMT +7] A A
Thời gian qua, tỉnh Quảng Ninh đã dành sự quan tâm, tạo điều kiện về chính sách, nguồn lực, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, từng bước thu hẹp khoảng cách phát triển vùng dân tộc thiểu số trên địa bàn.
Những năm qua, tỉnh Quảng Ninh đã dành nhiều sự quan tâm, thông qua các chính sách đã hỗ trợ thiết thực bà con dân tộc thiểu số. Đơn cử, như với xã Bằng Cả (TP Hạ Long) có 92% là người Dao Thanh Y, gần đây bà con được tiếp sức bằng hỗ trợ giống, vốn; ưu tiên phát triển hạ tầng, phát huy tiềm năng lợi thế địa phương qua phát triển các mô hình du lịch, trồng dược liệu, chăn nuôi. Xã được TP Hạ Long quan tâm đầu tư đường, trường, tạo thêm công ăn việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân.
Không chỉ hỗ trợ nguồn lực tới các địa phương, tỉnh đã tổ chức triển khai các chương trình, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với vùng dân tộc thiểu số và miền núi, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Hiện Quảng Ninh có hơn 40 dân tộc thiểu số, chiếm 12,31% dân số cả tỉnh. Các dân tộc thiểu số sinh sống thành cộng đồng và đan xen ở 13 địa phương trong tỉnh, chủ yếu ở miền núi, biên giới. Vì thế, từ sau Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số lần thứ III (năm 2019) tới nay, cả hệ thống chính trị đã nỗ lực, quyết tâm đưa vùng đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên, thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các vùng miền.
Trước hết, công tác này đã được sự quan tâm toàn diện của cấp ủy, chính quyền các cấp qua việc ban hành nhiều quyết sách, văn bản chỉ đạo thực hiện chính sách dân tộc; nhiều cơ chế chính sách phát triển kinh tế - xã hội ở vùng dân tộc thiểu số. Tỉnh ủy đã ban hành các nghị quyết về phát triển bền vững kinh tế xã hội gắn với đảm bảo vững chắc quốc phòng an ninh vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
HĐND tỉnh cũng ban hành các nghị quyết về cơ chế, chính sách; UBND tỉnh cũng có sự chỉ đạo cụ thể gắn Nghị quyết 06-NQ/TU với các chương trình mục tiêu quốc gia. Ở địa phương, cấp ủy, chính quyền cũng kịp thời, sáng tạo, đổi mới trong tổ chức thực hiện, phát huy mọi nguồn lực, khai thác tiềm năng, lợi thế để phát triển bền vững kinh tế - xã hội vùng đồng bào. Tỉnh đã giao các địa phương tập trung triển khai thực hiện 414 dự án đầu tư hạ tầng thiết yếu do ngân sách tỉnh hỗ trợ đầu tư, trong đó có 121 dự án thuộc Chương trình tổng thể dân tộc thiểu số và 293 dự án thuộc chương trình xây dựng nông thôn mới.
Qua đó, đã góp phần thay đổi, khơi dậy ý chí tự lực, khát vọng đổi mới phát triển của bà con, tạo ra nguồn lực nội sinh làm thay đổi nhanh chóng diện mạo nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân. Bà con các dân tộc mạnh dạn tham gia phát triển sản xuất, năng động, cần cù, không ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước, không ngại thử nghiệm các mô hình sinh kế mới, mang lại giá trị kinh tế cao tăng thu nhập.
Nhờ những nỗ lực trên, diện mạo, đời sống kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đã có nhiều đổi thay. 100% xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới được nhựa hoá hoặc bê tông hoá đường giao thông; 100% các tuyến đường từ trung tâm xã đến các thôn, bản được bê tông hóa theo tiêu chí nông thôn mới; 64/64 xã có trạm y tế đạt chuẩn theo bộ tiêu chí quốc gia về y tế; 100% số hộ dân ở các xã, thôn được sử dụng điện lưới quốc gia.
Một số địa phương đã bước đầu phát triển các vùng sản xuất nông, lâm nghiệp hàng hóa có giá trị gia tăng cao như cây dược liệu, cây lấy gỗ và sản phẩm ngoài gỗ, các cây trồng, vật nuôi gắn với chương trình OCOP. Thu nhập bình quân đầu người vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi đạt mức cao so với vùng dân tộc thiểu số của cả nước, tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo giảm nhanh và bền vững.
Hà Phong
Liên kết website
Ý kiến ()