Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 09/09/2024 18:50 (GMT +7)
Quan tâm điều kiện thiết yếu phát triển vùng đồng bào DTTS
Thứ 5, 22/08/2024 | 14:14:33 [GMT +7] A A
Những năm qua, Quảng Ninh luôn quan tâm chăm lo đời sống đồng bào vùng DTTS, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo thông qua nhiều chương trình, chính sách đầu tư nhằm phát triển KT-XH, giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống. Do vậy, đời sống vật chất, tinh thần của người dân nơi đây ngày càng được cải thiện rõ rệt.
Nhằm tạo động lực quan trọng thu hẹp khoảng cách giàu nghèo, chênh lệch vùng miền và nâng cao đời sống nhân dân, tỉnh ưu tiên dành nguồn lực lớn từ ngân sách tập trung đầu tư phát triển hạ tầng KT-XH vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo. Trong giai đoạn 2016-2024, tỉnh đã hoàn thành dự án cải tạo, nâng cấp đường tỉnh 341 (QL18C) từ KKT cửa khẩu Móng Cái đến KKT cửa khẩu Bắc Phong Sinh (giai đoạn 2); thực hiện dự án cải tạo, nâng cấp đường tỉnh 342, đoạn thuộc địa phận TP Hạ Long; dự án cải tạo đường tỉnh 342 đoạn thuộc địa phận Ba Chẽ cùng 6 dự án hạ tầng giao thông động lực trên địa bàn vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo.
Tỉnh cũng hoàn thành nhiều dự án giao thông động lực, kết nối vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo, như: Đường giao thông nối từ trung tâm xã Đại Dực sang Đại Thành cũ (huyện Tiên Yên); cải tạo đường nối QL18 đến trung tâm thị trấn Ba Chẽ (huyện Ba Chẽ); đường nối QL18 đi qua xã Quảng Lâm vào bản Sán Cáy Coọc, xã Quảng Sơn (huyện Hải Hà); cải tạo, nâng cấp hệ thống ngầm tràn vượt lũ, cống hộp tại nhiều địa bàn miền núi, vùng đồng bào DTTS trong tỉnh…
Đặc biệt, tỉnh đã hoàn thành, đưa vào sử dụng tuyến cao tốc Vân Đồn - Móng Cái trong năm 2022, đây là “mảnh ghép” cuối cùng của tuyến cao tốc Hải Phòng - Hạ Long - Vân Đồn - Móng Cái, kết nối các KKT, KCN, cảng biển, sân bay trên địa bàn với cửa khẩu quốc tế Móng Cái… Ông Lương Đức Long, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Pắc Pò, xã Đồng Tâm (huyện Bình Liêu), cho biết: Từ đầu năm 2024 đến nay, nhiều hệ thống đường tràn vượt lũ, cống hộp trên địa bàn huyện được đầu tư và hoàn thành. Bà con địa phương rất phấn khởi, đồng thuận với những quyết sách của tỉnh và địa phương đã giúp an dân, đảm bảo phát triển KT-XH của địa phương.
Cùng với hạ tầng giao thông, hạ tầng giáo dục cũng được tỉnh dành nhiều ưu tiên. Nhằm tiếp tục thực hiện Đề án cải tạo, sửa chữa, nâng cấp, hoàn thiện cơ sở vật chất ngành Giáo dục tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2022-2025, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 99/NQ-HĐND (ngày 31/5/2023), phấn đấu đến năm 2025, mỗi huyện có một trường học công lập theo tiêu chí chất lượng cao ở mỗi cấp học giáo dục phổ thông; mỗi thành phố, thị xã có một trường THPT công lập theo tiêu chí chất lượng cao; lộ trình đến năm 2025 có 22 trường tiểu học, THCS, THPT được đầu tư xây dựng theo tiêu chí chất lượng cao.
Đến nay, ở vùng đồng bào DTTS và miền núi, tỉnh đã hoàn thành, đưa vào sử dụng Trường THPT Bình Liêu (huyện Bình Liêu); Trường THCS&THPT Quảng La (TP Hạ Long). Giai đoạn 2021-2024, toàn tỉnh đầu tư cho giáo dục tổng số tiền 1.433 tỷ đồng. Các đơn vị thuộc UBND cấp huyện đầu tư xây mới, bổ sung các phòng học, phòng chức năng cho 30 trường, kinh phí trên 552 tỷ đồng từ nguồn chi đầu tư phát triển ngân sách cấp tỉnh và ngân sách cấp huyện, trong đó đầu tư xây dựng được 4 trường chất lượng cao, gồm: Tiểu học Đông Ngũ (huyện Tiên Yên), Tiểu học Hạ Long (huyện Vân Đồn), Tiểu học Đồng Tiến (huyện Cô Tô) và Trường THCS thị trấn Ba Chẽ (huyện Ba Chẽ).
Chuẩn bị cho năm học mới, các trường học trên địa bàn, nhất là ở vùng sâu, vùng xa của tỉnh đang tất bật chuẩn bị cơ sở vật chất, trường lớp khang trang sẵn sàng cho ngày tựu trường. Năm học 2023-2024 các đơn vị trực thuộc Sở GD&ĐT bảo dưỡng, sửa chữa 6 công trình; các đơn vị thuộc UBND cấp huyện bảo dưỡng, sửa chữa 206 công trình.
Điển hình tại Bình Liêu, năm 2024, tỉnh và huyện đã quan tâm đầu tư xây mới, nâng cấp, sửa chữa một số công trình trường học trên địa bàn huyện và bắt đầu đưa vào sử dụng từ năm học 2024-2025. Cụ thể là Trường chất lượng cao Tiểu học Tình Húc, Tiểu học Lục Hồn; cải tạo, nâng cấp các trường mầm non Lục Hồn, Tình Húc, Vô Ngại…
Bên cạnh đó, tỉnh cũng quan tâm đầu tư hạ tầng về y tế vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo. Theo đó, tỉnh tiếp tục hoàn thiện Đề án nâng cao năng lực hệ thống y tế dự phòng và y tế điều trị; chất lượng chăm sóc bảo vệ sức khỏe nhân dân giai đoạn 2021-2025; tiếp tục hoàn thiện Đề án nâng cao năng lực trạm y tế xã, phường, thị trấn, nhất là tại các địa bàn vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo để tăng cường chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân. Tập trung củng cố, đầu tư hoàn thiện hạ tầng, trang thiết bị đồng bộ hiện đại cho hệ thống y tế dự phòng, hệ thống khám chữa bệnh và hệ thống cấp cứu với các dự án như Bệnh viện Phổi, Bệnh viện Lão khoa - Phục hồi chức năng, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh...
Đồng thời, chỉ đạo thực hiện quyết định của UBND tỉnh về phê duyệt Đề án tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị nâng cao năng lực cơ sở y tế tỉnh Quảng Ninh năm 2023 (giai đoạn 1) với tổng kinh phí thực hiện 245 tỷ đồng; tiếp tục chỉ đạo hoàn thiện thủ tục triển khai một số đề án, dự án y tế trọng điểm, như: Cải tạo, xây mới trụ sở các trạm y tế trên địa bàn, giai đoạn 2023-2025 (giai đoạn 1); tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị để nâng cao năng lực cơ sở y tế toàn tỉnh năm 2024 (giai đoạn 1) và mới đây là khởi công xây dựng Bệnh viện Đa khoa tỉnh (cơ sở 2) tại phường Hồng Hà và Hà Tu (TP Hạ Long).
Ngoài ra, hạ tầng văn hóa, thương mại, viễn thông, điện, nước… cũng được quan tâm đầu tư tại vùng đồng bào DTTS, miền múi, biên giới, hải đảo. Công ty Điện lực Quảng Ninh đã xây dựng kế hoạch đầu tư, nâng cấp, cải tạo, sửa chữa hệ thống lưới điện tại các địa phương: Vân Đồn, Tiên Yên, Bình Liêu, Ba Chẽ, Đầm Hà, Hải Hà, Móng Cái, với tổng mức đầu tư 207,430 tỷ đồng để đảm bảo mục tiêu duy trì 100% số hộ dân trên địa bàn vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo của tỉnh được sử dụng điện an toàn và nâng cao chất lượng điện. Đối với hạ tầng nước, đến nay đảm bảo tỷ lệ hộ gia đình nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 99,9%, trong đó tỷ lệ hộ gia đình được sử dụng nước sạch đáp ứng quy chuẩn hiện hành đạt trên 70%.
Nguyễn Huế
Liên kết website
Ý kiến ()