Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 12:11 (GMT +7)
Nỗ lực thực hiện bình đẳng giới
Thứ 6, 28/07/2023 | 07:33:54 [GMT +7] A A
Bất bình đẳng giới là nguyên nhân gây mất cân bằng giới tính khi sinh. Thời gian qua, nhiều giải pháp đã được tỉnh Quảng Ninh thực hiện nhằm phát huy hiệu quả công tác bình đẳng giới, góp phần ổn định mức sinh, nâng cao chất lượng dân số.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, năm 2022 tỷ số giới tính khi sinh ở nước ta là 112,1 trẻ em trai/100 trẻ em gái; có 21 tỉnh, thành có tỷ số giới tính khi sinh cao hơn mức trung bình cả nước. Nguyên nhân khiến chênh lệch giới tính khi sinh tăng, bên cạnh tâm lý ưa thích con trai, thì định kiến giới nằm ngay trong các hoạt động về DS-KHHGĐ và sức khỏe sinh sản (SKSS), sự tham gia của nam giới vào công tác dân số còn hạn chế.
Theo số liệu của Chi cục DS-KHHGĐ (Sở Y tế), năm 2022 tỷ số giới tính khi sinh của tỉnh là 111,12 bé trai/100 bé gái. Quảng Ninh thuộc vùng mức sinh thay thế. Mặc dù tỷ số giới tính khi sinh nằm ở mức ổn định, nhưng nếu không được kiểm soát rất có thể sẽ tăng trở lại, vì nhiều gia đình vẫn có tư tưởng muốn sinh con trai, nhiều gia đình có 2 con gái vẫn muốn có thêm con thứ 3 là con trai, nhờ vào sự can thiệp của khoa học kỹ thuật để lựa chọn giới tính khi sinh...
Thời gian qua, toàn tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp: Tăng cường các hoạt động về bình đẳng giới, nâng cao vị thế của phụ nữ và trẻ em gái, giúp kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh; các địa phương đưa công tác dân số vào chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; truyền thông nâng cao nhận thức, chuyển đổi hành vi về bình đẳng giới, không lựa chọn giới tính thai nhi; nêu cao vai trò, vị trí của phụ nữ trong gia đình và xã hội.
Các nội dung truyền thông cho người dân được thực hiện với nhiều hình thức, chủ đề: Các CLB “Tiền hôn nhân”, “Không sinh con thứ 3”; “Không tảo hôn và kết hôn cận huyết thống”; “Không lựa chọn giới tính thai nhi”...; lồng ghép tuyên truyền trong các cuộc họp của tổ, khu, các tổ chức đoàn thể; tư vấn trực tiếp của đội ngũ chuyên trách dân số xã, phường, thị trấn, cộng tác viên dân số.
Công tác phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới, bảo vệ phụ nữ và trẻ em được tăng cường thông qua phát triển hệ thống mạng lưới cung cấp dịch vụ và duy trì, nhân rộng mô hình phòng chống bạo lực giới ở các cấp; phát hiện, xử lý các vụ việc vi phạm pháp luật về bình đẳng giới và bạo lực giới được thực hiện nghiêm minh. Nhờ đó tình trạng bạo lực gia đình trên địa bàn tỉnh giảm đáng kể. Năm 2008 có 332 vụ bạo lực gia đình, năm 2021 chỉ còn 74 vụ. Từ năm 2008 đến nay toàn tỉnh xảy ra 3.006 vụ bạo lực gia đình; trong đó trên 80% số nạn nhân bị bạo lực gia đình được tư vấn, hỗ trợ và chăm sóc tại các cơ sở trợ giúp nạn bạo lực gia đình; 75,8% số người có hành vi gây ra các vụ bạo lực được tư vấn, giáo dục ở cơ sở tư vấn hoặc ở cộng đồng.
Tỉnh đã triển khai 11 mô hình về phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới giai đoạn 2021-2023; triển khai hiệu quả mô hình "Ngôi nhà Ánh Dương"; phát huy mô hình phát triển dịch vụ tư vấn, hỗ trợ về bình đẳng giới tại Trung tâm công tác xã hội (Sở LĐ-TB&XH) và duy trì, kết nối với hệ thống 16 văn phòng công tác xã hội cấp huyện, xã, trường học, bệnh viện; 793 CLB phòng chống bạo lực gia đình; 1.893 cộng tác viên tại thôn, bản, khu phố; 1.572 tổ hòa giải ở cơ sở; 1.349 cơ sở khám, chữa bệnh có nơi bố trí hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình; 266 cơ sở bảo trợ xã hội; 331 cơ sở hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình nhằm phát hiện, tư vấn, trợ giúp kịp thời nạn nhân bị bạo lực trên cơ sở giới...
Để công tác bình đẳng giới đi vào thực chất, hiệu quả, bên cạnh sự vào cuộc của các cấp, ngành, đơn vị đoàn thể, cần sự thay đổi trong nhận thức của mỗi người dân, xóa bỏ sự phân biệt giữa con trai và con gái, bảo đảm bình đẳng giữa nam và nữ, từ đó nâng cao chất lượng dân số, chất lượng cuộc sống của mỗi gia đình và của toàn xã hội.
Vân Anh
Liên kết website
Ý kiến ()