Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 23/12/2024 23:07 (GMT +7)
Nỗ lực xóa nhà ở tạm, dột nát
Thứ 6, 30/06/2023 | 13:38:54 [GMT +7] A A
Với phương châm “Mọi người dân Quảng Ninh đều được hưởng thành quả phát triển, tăng trưởng bao trùm, không để ai bị bỏ lại phía sau”, đồng thời cụ thể hóa nội dung chủ đề công tác năm 2023 “Nâng cao chất lượng đời sống nhân dân”, toàn tỉnh đang nỗ lực huy động các nguồn lực, phấn đấu hoàn thành xóa nhà ở tạm, nhà ở dột nát vào dịp Quốc khánh 2/9 năm nay.
Nhiều năm qua, hỗ trợ xây mới, sửa nhà ở các cho hộ gia đình hoàn cảnh khó khăn đã được tỉnh quan tâm thực hiện bằng nhiều cách làm chủ động, linh hoạt. Nổi bật là thông qua hoạt động của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội hằng năm, đã giúp kêu gọi được sự quan tâm của cộng đồng xã hội đóng góp kinh phí, vật liệu, ngày công xây dựng được hàng nghìn “Nhà đại đoàn kết”, “Mái ấm tình thương”, “Nhà nghĩa tình đồng đội”, “Nhà khăn quàng đỏ”, “Mái ấm công đoàn”... Từ đó khuyến khích người nghèo, người dân ở vùng khó khăn phát triển sản xuất, vươn lên thoát nghèo, làm giàu, nâng cao khả năng tự bảo đảm an sinh. Đây là một trong những yếu tố quan trọng giúp Quảng Ninh hoàn thành trước 3 năm Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025.
Tuy nhiên qua rà soát cho thấy vẫn còn nhiều hoàn cảnh khó khăn về nhà ở tiếp tục cần sự quan tâm, hỗ trợ của cộng đồng. Với phương châm “Mọi người dân Quảng Ninh đều được hưởng thành quả phát triển, tăng trưởng bao trùm, không để ai bị bỏ lại phía sau”, đồng thời cụ thể hóa nội dung chủ đề công tác năm 2023 “Nâng cao chất lượng đời sống nhân dân”, toàn tỉnh đang nỗ lực phấn đấu hoàn thành xóa nhà ở tạm, nhà dột nát vào dịp Quốc khánh 2/9 năm nay. Từ đầu năm, Thường trực Tỉnh ủy yêu cầu Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh chỉ đạo UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành chức năng, địa phương tập trung thực hiện nội dung này. Về nguồn lực, huy động sức mạnh tổng hợp và sự vào cuộc của các cấp, ngành, cơ quan, địa phương, đơn vị, hệ thống chính trị toàn tỉnh tham gia hỗ trợ xóa nhà ở tạm, nhà ở dột nát. Đồng thời phát huy vai trò, nòng cốt, chủ thể của hộ gia đình được thụ hưởng hỗ trợ. Đặc biệt phát huy cao nhất vai trò của MTTQ các cấp; trong đó MTTQ tỉnh giữ vai trò nòng cốt, cấp ủy, chính quyền, MTTQ cấp huyện trực tiếp thực hiện.
Theo đó, UBND tỉnh đã yêu cầu Sở Xây dựng chủ trì, cùng các sở, ngành, địa phương tập trung phối hợp rà soát kỹ tiêu chí về nhà ở tạm, nhà ở dột nát trên địa bàn tỉnh, không phân biệt đối tượng, vùng miền. Qua rà soát cho thấy, toàn tỉnh có 266 nhà thuộc diện tiêu chí nhà tạm, nhà dột nát; trong đó có 160 nhà cần xây mới, 106 nhà cần sửa chữa. Chủ hộ đều thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn đa chiều giai đoạn 2021-2025, người khuyết tật, neo đơn không có sức lao động. Phương án hỗ trợ được nghiên cứu, tính toán kỹ cả về mẫu nhà, nhu cầu vật liệu xây dựng, gắn với trách nhiệm người đứng đầu là bí thư, chủ tịch UBND cấp huyện trong xác định đối tượng, tổ chức triển khai công việc, giám sát, kiểm tra, đánh giá mức độ hoàn thành.
Để có thêm nguồn lực, tất cả các địa phương trong tỉnh đều ra lời kêu gọi, tổ chức phát động ủng hộ thực hiện chương trình an sinh xã hội và xóa nhà ở tạm, nhà ở dột nát. Như tại lễ phát động của huyện Hải Hà (ngày 23/6) đã nhận được sự hưởng ứng đông đảo các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, các xã, thị trấn, nhà hảo tâm trên địa bàn huyện với số tiền hơn 4,6 tỷ đồng; đang tiếp tục được tiếp nhận qua đầu mối là Ủy ban MTTQ huyện, để tạo nguồn lực triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát ở phương. Hải Hà hiện có 34 hộ gia đình khó khăn về nhà ở, đủ điều kiện được hỗ trợ dịp này.
TP Cẩm Phả còn 180 hộ hoàn cảnh khó khăn, đang phải ở nhà tạm, nhà dột nát; trong đó có 109 hộ cần xây mới, 71 hộ cần sửa chữa nhà ở. Sau 2 tháng vận động kinh phí xã hội hóa, từ tháng 7/2023 TP Cẩm Phả sẽ đồng loạt triển khai công tác hỗ trợ, quyết tâm hoàn thành đúng kế hoạch đề ra.
Xoá nhà ở tạm, nhà ở dột nát là chủ trương lớn, mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, tạo niềm tin “an cư lạc nghiệp”, tiếp thêm động lực cho người nghèo vươn lên trong cuộc sống, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Nhờ lồng ghép các chương trình MTQG, chương trình phát triển kinh tế- xã hội và triển khai nhiều chính sách riêng có của tỉnh; đồng thời huy động sự tích cực tham gia của các tổ chức chính trị - xã hội, doanh nghiệp, cá nhân, cộng đồng..., đến cuối năm 2022, tỉnh đã cơ bản hoàn thành mục tiêu giảm nghèo kế hoạch giai đoạn 2021-2025 đề ra, chỉ còn 258 hộ nghèo (chiếm tỷ lệ 0,067%); 2.454 hộ cận nghèo (0,635%); trong đó các địa phương Hạ Long, Quảng Yên, Vân Đồn, Cô Tô không còn hộ nghèo.
Giai đoạn 2023-2025, Quảng Ninh chủ động xây dựng chuẩn nghèo áp dụng trên địa bàn tỉnh theo hướng cao hơn mức quy định của trung ương, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của tỉnh và mức sống của người dân. Tỉnh phấn đấu đến cuối năm 2025, tỷ lệ hộ nghèo xét theo chuẩn nghèo đa chiều riêng của tỉnh, chỉ còn dưới 0,05%.
|
Hoàng Giang
Liên kết website
Ý kiến ()