Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 16:20 (GMT +7)
Nơi hình thắng của nước Nam ta
Thứ 6, 27/10/2023 | 10:42:37 [GMT +7] A A
Một thoáng sông Mang
Trên chuyến đò ngang dòng sông Mang mùa xuân 2018, có một chàng trai quốc tịch Mông Cổ. Anh đang là sinh viên Khoa Sử, Đại học Quốc gia Hà Nội. Có lẽ cảnh quan nơi đây đã thu hút sự chú ý của người khách ngoại quốc từ khi đặt chân tới bến đò. Anh lặng lẽ quan sát mặt sông, những rải rừng ngập mặn, đồi núi nhấp nhô hai bên dòng sông, cả bầu trời đang hửng nắng. Cho tới khi con đò ra tới giữa dòng sông, chàng trai mới điềm tĩnh lên tiếng. Ban đầu anh kể về dòng sông Or Khon, dòng sông dài nhất đất nước anh, tới 1.200km, rất ầm ào và hung dữ, không hiền hòa và xanh thẳm như sông Mang. Dừng một lát, anh có vẻ cởi mở hơn, trước những ánh mắt và cử chỉ thân thiện của mọi người xung quanh:
- Thế mà, vào mùa Xuân 1288, đoàn thuyền lương của tướng giặc Trương Văn Hổ lại bị đánh chìm trên dòng sông thơ mộng này. Thật không thể ngờ!
Bác lái đò người bản xứ, từ nãy đến giờ vừa lái đò, vừa bấm chí mấy bà đi chợ về, luôn ồn ào quanh bác. Nghe chàng trai Mông Cổ nói vậy, bác lấy lại vẻ nghiêm trang và thông thái của một người đàn ông Quan Lạn:
- Các mợ có biết không, Mông Cổ chính là xứ sở của đế quốc Nguyên Mông, một đế chế ra đời trên lưng ngựa. Cả châu Âu, châu Á phải đầu hàng. Cả lục địa Trung Hoa thành nô lệ. Nhưng khi đến Đại Việt ta thì bị đánh cho tơi tả, ôm đầu máu chạy về. Dưới đáy sông Mang này là cả một nghĩa địa, nhưng không có nấm mồ nào...
Con đò cập bến phía thôn Cái Làng. Chàng trai Mông Cổ tiến lại phía bác lái đò:
- Ông giỏi lắm. Đúng là 730 năm trước, cũng vào những ngày xuân thế này, sông Mang đã nổi sóng thần. Ngọn sóng thần ấy chính là Nhân huệ vương Trần Khánh Dư.
Bác lái đò đưa tay chào người khách ngoại quốc, vẫn không quên dặn theo một câu:
- Lát nữa vào làng Quan Lạn, nhớ thắp hương cho cụ Trần Khánh Dư nhé!
Sau 730 năm
Thomasl. Friedman là nhà kinh tế học người Mỹ. Ông đồng thời là phóng viên tờ The New York Times. Thomas đã 3 lần nhận giải thưởng danh giá nhất của làng báo thế giới và làng báo Hòa Kỳ - Giải thưởng Pulitzer. Ông cũng là khách mời khá thường xuyên của VTV vào những dịp đất nước ta chào đón năm mới.
Năm 2005, sau hành trình qua hơn 100 nước trên thế giới, bắt đầu từ Ấn Độ, Thomas cho ra mắt bạn đọc toàn cầu cuốn sách “Thế giới phẳng”, dày 818 trang, khổ 14x20cm (bản tiếng Việt). Liền sau đó, với sức ép khủng khiếp từ nhu cầu của bạn đọc toàn cầu, ông bổ sung và tái bản cuốn sách đầu năm 2006. Thomas kết thúc hành trình của mình tại Việt Nam với quần bò đã cũ, áo phông và một cái ba lô rẻ tiền, tòng teng sau lưng.
Trong cuốn sách này, với góc nhìn của mình, Thomas đã chỉ ra rằng, một quốc gia muốn phát triển được trong thế kỷ XXI cần hội đủ 3 yếu tố mang tính quyết định: Hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, hiện đại; Có nền giáo dục tiên tiến, nhằm đào tạo nguồn nhân lực cho sự phát triển; Quản trị Chính phủ khoa học, minh bạch. Chính phủ phải có tiền hỗ trợ doanh nghiệp và người dân phát triển kinh tế.
Tôi mạn phép bạn đọc dẫn ra cuốn sách này bởi mạo muội nghĩ rằng, Thomas từ cái năm 2005 đã viết về Quảng Ninh trong 2 thập kỷ đầu tiên của thế kỷ XXI. Đây là quãng thời gian là một đại công trường phát triển hạ tầng kỹ thuật của tỉnh ta. Qua lại giữa sự bộn bề ấy, có lúc tôi ngỡ như đang được xem lại những thước phim tư liệu về người Hàn, người Nhật, tái thiết đất nước sau chiến tranh.
Báo chí đã thông tin, hàng chục nghìn tỷ đồng được huy động cho hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội trong khoảng 10 năm trở lại đây. Có thể khái quát ngắn ngọn: Quảng Ninh chi ra 1 đồng từ ngân sách, thu hút được 7 đồng, 11 đồng vốn xã hội cho đầu tư. Tôi chưa nghe ai nói thấp hơn 7 đồng và cao hơn 11 đồng. Nếu thuần túy về toán học phổ thông, đã gọi là đẳng thức thì giá trị hai vế của đẳng thức phải bằng nhau. Nhưng Quảng Ninh có đẳng thức đầu tư của riêng mình: 1 = 7 : 11. Nhà nước chưa pháp lệnh hóa đẳng thức này của Quảng Ninh trong nền kinh tế quốc dân. Nhưng các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã nói rằng: Quảng Ninh đã gây hứng khởi cho cả nước.
Lại nhớ, khi bước vào thời kỳ đổi mới, Quảng Ninh là tỉnh có xuất phát điểm thấp nhất trong khu vực châu thổ sông Hồng. 100% ngân sách tỉnh, 80% lương thực, thực phẩm, hàng tiêu dùng đều do trung ương trợ cấp. Nhớ xa hơn chút nữa, nhà văn Lỗ Tấn (Trung Quốc) từng viết: Không ai có thể tự túm tóc mình để nhấc mình lên khỏi mặt đất.
Thế mà, các thế hệ lãnh đạo Quảng Ninh, 20 năm qua đã nhấc Quảng Ninh lên khỏi mặt đất, đặt vào tốp các tỉnh, thành phố trong nước có số thu ngân sách, có tốc độ tăng trưởng kinh tế, có đóng góp vào ngân sách quốc gia cao nhất. Nói như vậy, không có nghĩa xem thấp các thế hệ lãnh đạo, các nền tảng đã có trước đây. Trong học thuyết duy vật lịch sử của mình, Các Mác viết: Các thế hệ sau thường đứng cao hơn thế hệ trước, vì học được đứng trên đôi vai của những thế hệ đi trước.
Trong dòng chảy cuồn cuộn ấy, người và đất Vân Đồn đã được thụ hưởng những dự án thật hoành tráng: Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn, Cao tốc Hạ Long - Vân Đồn, Cao tốc Vân Đồn - Móng Cái, Khu đô thị Phương Đông, Khu đô thị Cái Rồng, Cảng tàu du lịch cao cấp Ao Tiên... Theo đó, những làng chài xưa đang trở thành một vùng đất trù phú, văn minh, hiện đại. Người Thái từng biến làng chài Pạt - Tay - A thành địa điểm du lịch, nghỉ dưỡng nổi tiếng thế giới. Biết bao quốc gia ven bờ Địa Trung Hải, ven bờ Đại Tây Dương đã biến các làng chài xơ xác thành thiên đường. Bởi vậy, Vân Đồn thành thiên đường chỉ là câu chuyện của thời gian và hành động của chúng ta.
Đẹp lắm Vân Đông ơi!
Sau vài tháng đưa vào khai thác, Cảng tàu du lịch cao cấp Ao Tiên đã đón hàng chục vạn lượt các chính khách, văn nghệ sĩ, du khách trong và ngoài nước qua lại. Mọi người đều ngỡ ngàng trước vẻ đẹp của công trình, bên mép sóng Bái Tử Long.
Ông Tạ Đức Quyết, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty TNHH Đầu tư Mai Quyền, doanh nghiệp đầu tư và khai thác dự án này chia sẻ: "Tạo hóa đã ưu ái cho Vân Đồn cảnh đẹp hiếm có. Bởi vậy, khi đầu tư dự án, chúng tôi xác định đã làm thì phải làm cho sang, cho đẹp, để hài hòa với cảnh sắc thiên nhiên".
Được biết, công trình này do một tổ chức tư vấn cộng hòa Pháp thiết kế. Dù vậy trên đỉnh nóc công trình là một tổ hợp bề thế, mềm mại, gợi mở cho chúng ta liên tưởng tới đôi cánh hải âu dang rộng, đang vỗ cánh về “phương mặt trời mọc”.
Ngày khánh thành cao tốc Vân Đồn - Móng Cái, tôi hòa trong dòng người cuồn cuộn đổ về phía thành phố biên cương. Rất muốn ở lại chứng kiến sự sôi động nơi đây, nhưng bất thành. Không còn nơi nghỉ, không còn chỗ ăn, tôi đành phải quay về.
Tôi không có ý phàn nàn Móng Cái chật chội, mà trong tôi là sự hài lòng tột đỉnh, trước sự ngưỡng mộ của du khách thập phương và những mỹ từ họ dành tặng con đường.
Bằng trí tuệ và sức lực, con người đã tác động tích cực vào tự nhiên, tạo ra thiên nhiên thứ hai, nhằm phục vụ trở lại chính con người. Đó là một trong những định nghĩa súc tích nhất về văn hóa.
Rất mừng, những dự án hạ tầng đang được triển khai trên địa bàn Vân Đồn, trên địa bàn Quảng Ninh đều mang trên mình những yếu tố văn hóa, yếu tố thẩm mỹ, mang trên mình sự hài hòa giữa thiên nhiên và con người, giữa truyền thống và hiện đại.
Bộ Bách khoa toàn thư đầu tiên của Việt Nam được nhà bác học Phan Huy Chú biên soạn trong 10 năm (1808-1818), nhận xét về Vân Đồn có đoạn: “Cũng là chốn phồn hoa ở trấn ngoài, mà thật là nơi hình thắng của nước Nam ta”.
Vân Đồn hôm nay, Vân Đồn ngày mai đã và sẽ phồn hoa, đã và sẽ đẹp hơn. Một thiên đường đã lộ diện trên mặt đất Vân Đồn.
Hải Chinh
Liên kết website
Ý kiến ()