Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 29/11/2024 01:49 (GMT +7)
Nỗi lo an toàn thực phẩm dịp cuối năm
Chủ nhật, 22/12/2013 | 07:46:09 [GMT +7] A A
Trong thời buổi hiện nay, nỗi lo vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) không chỉ ngày một ngày hai mà đã trở thành nỗi ám ảnh thường trực trong cuộc sống hàng ngày của mỗi người. Hầu như không ngày nào đọc báo, nghe đài, xem ti vi v.v. lại không nghe nói đến chuyện ở đâu đó, ai đó... bị ngộ độc thực phẩm!
Vụ ngộ độc Rượu nếp 29 Hà Nội làm 6 người trên địa bàn tỉnh tử vong dịp đầu tháng 12 vừa qua khiến người dân bàng hoàng, nhưng đó chỉ là “phần nổi của tảng băng”, còn những vụ ngộ độc khác gây ảnh hưởng đến sức khoẻ con người nhưng không gây hậu quả tức thời, thì thật khó biết, khó thống kê được. Hay nói cách khác, mối lo về thực phẩm không an toàn lúc nào cũng “treo lơ lửng” trên đầu người tiêu dùng. Chẳng thế mà trong khi hàng hoá nói chung, thực phẩm nói riêng, trên thị trường rất phong phú, luôn đáp ứng đủ nhu cầu người tiêu dùng, nhưng xu hướng “tự cung, tự cấp”, từ việc trồng rau trong hộp xốp, trên sân thượng v.v. đến việc nuôi gà nhốt, vịt nhốt v.v. ở phố, vẫn đang được nhiều người dân sống trong các khu đô thị lựa chọn...
Những ngày thường đã vậy, những ngày cuối năm, mối lo về thực phẩm không đảm bảo an toàn cho sức khoẻ lại càng nặng nề hơn. Bởi đây là thời điểm các cơ sở sản xuất, buôn bán thực phẩm dồn hàng chuẩn bị tung ra thị trường phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong dịp Tết Nguyên đán. Và “té nước theo mưa”, những kẻ sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng v.v.. chắc chắn cũng sẽ “tuồn” ra thị trường nhiều hơn các loại sản phẩm độc hại, sản phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ v.v.. Theo số liệu từ các cơ quan chức năng, toàn tỉnh hiện chỉ có 4 lò giết mổ gia súc, gia cầm tập trung; trong khi đó có tới 486 điểm giết mổ nhỏ lẻ trong khu dân cư mà việc vệ sinh thú y gần như là không thể kiểm soát được. Ấy là chưa nói tới các loại thực phẩm khác như rượu, bánh kẹo, thuỷ hải sản v.v. kém chất lượng được nhập lậu từ Trung Quốc vào nội địa trong những ngày cuối năm cũng gia tăng, khiến cho nguy cơ ngộ độc do dùng thực phẩm độc hại càng trở nên khó lường hơn. Đây là một thực tế mà không dễ ngày một ngày hai có thể thay đổi được. Và để không trở thành “nạn nhân”, không còn cách nào tốt hơn là người tiêu dùng phải có ý thức tự bảo vệ mình, có ý thức chủ động tẩy chay, đồng thời phối hợp với các cơ quan chức năng trong việc phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm về an toàn vệ sinh thực phẩm. Có một thực tế là lâu nay người tiêu dùng hầu như rất ít khi quan tâm đến quyền của mình, theo kiểu “lụt lút cả làng”... Thậm chí, ngay cả khi Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã có hiệu lực từ hai năm nay, nhưng không phải ai cũng biết quyền của mình. Từ đó, một vấn đề đặt ra là bên cạnh việc tăng cường phòng chống hàng giả, hàng kém chất lượng v.v. của các cơ quan chức năng, cần phải tăng cường tuyên truyền, tư vấn để Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thực sự đi vào cuộc sống, phát huy tác dụng trong cuộc sống. Nhưng để đạt được điều đó, cần có những cơ chế, chính sách thoả đáng, tạo điều kiện thuận lợi nhất để người tiêu dùng phát huy vai trò của mình trong việc phòng chống hàng giả, hàng kém chất lượng v.v.. Nếu không có sự hợp tác tích cực, hết mình của người tiêu dùng, chắc chắn việc ngăn chặn, phòng chống hàng giả, hàng kém chất lượng v.v.. nói chung, các loại thực phẩm không an toàn nói riêng, sẽ không thể có hiệu quả được! Đặc biệt, trong những ngày cuối năm, điều này lại càng cần thiết hơn…
Trung Luận
Liên kết website
Ý kiến ()