Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 23/11/2024 03:02 (GMT +7)
Nỗi lo "bà hoả" ở các chợ truyền thống
Thứ 6, 13/05/2022 | 09:42:57 [GMT +7] A A
Mặc dù thời gian gần đây, trên địa bàn Quảng Ninh đã xảy ra một số vụ cháy chợ, đe dọa đến tính mạng, tài sản của hộ kinh doanh, tuy nhiên công tác PCCC tại các chợ vẫn còn nhiều bất cập, đa số tiểu thương còn chủ quan. Đáng chú ý, hiện hầu hết các chợ được xây dựng từ lâu, cơ sở vật chất xuống cấp, vì vậy tiềm ẩn nguy cơ cháy, nổ cao.
Nguy cơ rình rập tại nhiều chợ
Khoảng 20h ngày 11/4/2022, tại khu vực kinh doanh đá đông lạnh và hải sản chợ Hạ Long I (TP Hạ Long) đã xảy ra vụ cháy lớn thiêu rụi trên 20 ki-ốt của 17 hộ tiểu thương và khoảng 75 điểm kinh doanh hải sản lưu động bị ảnh hưởng. Theo một số chủ có ki-ốt bị cháy, thời điểm đám cháy phát ra, chợ đã đóng cửa, không có người, tuy nhiên trong các gian hàng chứa nhiều vật dụng dễ cháy, như: Thùng xốp, điều hòa, tủ lạnh, điện, các thiết bị sục oxy… phục vụ cho việc kinh doanh thủy sản, do vậy khi có cháy, đám cháy lan nhanh. Vụ cháy gây hư hỏng mái tôn, hệ thống điện của các hộ kinh doanh nước đá và hải sản lưu động.
Nguyên nhân dẫn đến vụ cháy được xác định do ổ điện nóng chảy nhựa, gây cháy tại ki-ốt kinh doanh đá đông lạnh. Rất may vụ cháy không thiệt hại về người, tuy nhiên tài sản thiệt hại ước tính khoảng 200 triệu đồng. Đây là vụ cháy chợ Hạ Long I lớn nhất tính từ năm 2003 đến nay. Trước đó, năm 2021, chợ Hạ Long I đã từng xảy ra vụ cháy quy mô nhỏ tại ki-ốt đang sửa chữa, tuy nhiên lực lượng chức năng và các tiểu thương đã khống chế, chữa cháy kịp thời.
Sau hơn 2 tuần xảy ra vụ cháy, với các tiểu thương bị ảnh hưởng hẳn chưa thể quên và hết bàng hoàng, tuy nhiên theo ghi nhận của phóng viên Trung tâm Truyền thông tỉnh, tại chính các điểm kinh doanh hải sản lưu động, công tác PCCC của các tiểu thương còn khá chủ quan, thờ ơ. Dù mới được lắp đặt, thay mới hệ thống dây điện sau vụ cháy, nhưng tình trạng dây điện mắc khá chằng chịt. Nhiều đồ có nguy cơ cháy như túi bóng được treo lơ lửng sát các đường dây, bảng điện.
Theo quy định của Ban Quản lý chợ Hạ Long I, trước giờ đóng cửa chợ (khoảng 18h30) hằng ngày, tất cả cầu dao điện sẽ được ngắt, các quầy không được sử dụng bất cứ nguồn điện nào. Quy định là vậy, song một số hộ kinh doanh hải sản lưu động vẫn phớt lờ thông báo, tự ý mang bình ắc quy phát điện để bảo quản hải sản tươi sống. Điều này dễ tiềm ẩn nguy cơ chập cháy điện xảy ra vào ban đêm.
Tương tự, tại khu vực kinh doanh thực phẩm, ăn uống chợ Tiên Yên, các quầy hàng được sắp xếp sát nhau, lối đi chung bị lấn chiếm một cách tối đa. Không những thế, các chủ quầy hàng còn tự ý chăng mắc dây điện như "ma trận". Hệ thống dây, ổ điện ở đây hầu hết do tiểu thương tự đấu nối với các thiết bị sử dụng khác.
Ngoài những thiết bị thông thường như bóng điện, quạt, còn có cả tủ bảo ôn, tủ lạnh sử dụng phổ biến vào giờ cao điểm, nguy cơ dễ xảy ra quá tải gây chập cháy điện. Cách đó không xa, tại khu vực kinh doanh mặt hàng rau, củ quả, hầu hết tiểu thương ở đây tận dụng tối đa khoảng không diện tích sát mái tôn để dự trữ, chứa các thùng xốp đựng hàng.
Bất chấp nguy hiểm, nhiều tiểu thương còn xếp cả thùng xốp đè lên đường điện. Khi được hỏi về các biện pháp phòng cháy, cũng như những thao tác xử lý tình huống cháy nổ, hầu hết các chủ cửa hàng buôn bán ở chợ Tiên Yên đều mù mờ cho biết thỉnh thoảng (1-2 năm) Ban Quản lý chợ tổ chức tập huấn bồi dưỡng kỹ năng PCCC, hay hướng dẫn sử dụng các công cụ chữa cháy thông dụng nhất như bình bọt, vòi phun nước, cách sử dụng chăn dập lửa, nhưng những thao tác này lâu ngày không sử dụng dễ quên nếu gặp sự cố xảy ra.
Hiện nay, tại một số chợ xây dựng lâu năm đã xuống cấp trầm trọng chưa bảo đảm công tác PCCC theo quy định. Một số tiểu thương còn chứa hàng trong các thùng sắt, thùng gỗ che chắn ngay cửa các ki-ốt, nên khó khăn cho công tác chữa cháy khi có sự cố. Bên cạnh đó, nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật về PCCC của một bộ phận tiểu thương chưa cao, ảnh hưởng chung đến an toàn về cháy, nổ.
Giải pháp phòng ngừa
Theo thống kê của Sở Công Thương, trên địa bàn tỉnh hiện có 133 chợ. Thực tế tại các chợ trung tâm, như: Hạ Long, Cẩm Phả, Uông Bí, Móng Cái... còn tương đối mới, các thiết bị an toàn PCCC cơ bản được trang bị đầy đủ. Tuy nhiên, đối với các chợ cũ, chợ tạm, do thiếu sự quản lý, thiết bị PCCC thiếu sự đồng bộ, không còn đảm bảo an toàn. Đặc biệt, tại nhiều chợ, việc trang bị bình cứu hoả cho các tiểu thương để có thể ứng cứu tại chỗ khi có hoả hoạn rất hạn chế, nhiều chợ chỉ thực hiện mang tính chất đối phó. Tình trạng hệ thống điện tại các chợ chằng chịt, công tơ, bảng điện, bóng đèn được lắp đặt ngay sát đồ, hàng dễ cháy… Nguy cơ cháy nổ tại các chợ có thể xảy ra vào bất cứ lúc nào.
Giải pháp tối ưu để loại bỏ những sự cố cháy nổ cũng được các chợ đưa ra kế hoạch và hành động cụ thể. Điển hình như chợ Mạo Khê (TX Đông Triều) được đưa vào hoạt động năm 1992. Quy mô chợ rộng 2,4ha với hơn 1.250 ki-ốt, ô hàng kinh doanh, là chợ cấp I có quy mô lớn nhất của TX Đông Triều. Để nâng cao công tác PCCC, Ban Quản lý chợ Mạo Khê thường xuyên xây dựng kế hoạch, tuyên truyền PCCN đến các tiểu thương buôn bán trong chợ. Đơn vị đã bố trí hơn 100 bình cứu hỏa tại các cửa ra vào, những điểm có nguy cơ cao dễ xảy ra cháy nổ. Ngoài ra, tại các quầy hàng kinh doanh, nhiều tiểu thương cũng tự trang bị bình cứu hỏa.
Ông Vũ Mạnh Hùng, Phó trưởng Ban Quản lý chợ Mạo Khê, cho biết: Chợ đã thành lập Đội PCCC và thường xuyên cử các thành viên tham gia huấn luyện biện pháp PCCC. Định kỳ hằng tháng, Ban Quản lý chợ tiến hành kiểm tra các trang thiết bị PCCC như máy bơm nước, họng lắp đặt vòi phun nước…
Đối với các khu vực tập trung lượng lớn hàng hóa dễ bắt lửa, dễ cháy như quần áo, đồ nhựa, giấy hàng mã, Ban Quản lý chợ tăng cường hướng dẫn, tuyên truyền nhắc nhở, đôn đốc các tiểu thương, hộ gia đình vừa ở, vừa kinh doanh về những biện pháp đảm bảo an toàn khi sử dụng nguồn điện, sắp xếp hàng hóa, không thắp nhang, đốt vàng mã và tổ chức ký cam kết về đảm bảo an toàn PCCC.
Để phòng chống cháy, hiện nay một số chợ mới được đầu tư xây dựng, sửa chữa trên địa bàn tỉnh đã và đang được đầu tư hệ thống báo cháy tự động, thay mới hệ thống điện. Đồng thời, Ban Quản lý các chợ đã đưa ra kế hoạch và hành động cụ thể nhằm chấn chỉnh, sắp xếp lại hàng hóa của những tiểu thương lấn chiếm lối đi, lối thoát nạn.
Mới đây (ngày 19/4), Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH (Công an tỉnh) đã xây dựng kế hoạch tuyên truyền, kiểm tra về PCCC&CNCH tại các chợ, trung tâm thương mại, siêu thị, chung cư trên địa bàn tỉnh. Theo kế hoạch từ nay đến hết tháng 5, lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH phối hợp với chính quyền địa phương, thường xuyên tuyên truyền, phổ biến kiến thức, huấn luyện nghiệp vụ về PCCC đến Ban Quản lý chợ và các tiểu thương, để nâng cao ý thức, biện pháp bảo đảm an toàn trong sử dụng điện, nguồn nhiệt, hướng dẫn cách sử dụng, bảo trì hệ thống chữa cháy, bình chữa cháy và kỹ năng thoát hiểm an toàn khi có sự cố cháy, nổ.
Quá trình kiểm tra, lực lượng chức năng yêu cầu các chợ bố trí đảm bảo người thường trực, phương tiện PCCC&CNCH để xử lý kịp thời, có hiệu quả các vụ cháy, nổ xảy ra, không để bị động, bất ngờ; chủ động xây dựng phương án và phối hợp thực tập các tình huống cháy, nổ tại các chợ trên địa bàn tỉnh; việc bố trí, sắp xếp và lưu trữ hàng hóa, kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm các quy định về PCCC.
Bên cạnh đó, lực lượng chức năng cũng yêu cầu hoàn thiện để hệ thống PCCC tại các chợ và trung tâm thương mại có thể vận hành hiệu quả khi có tình huống; chủ động tổ chức thực tập phương án chữa cháy theo các tình huống giả định. Đồng thời, yêu cầu tiểu thương kinh doanh các loại hàng hóa dễ cháy chủ động trang bị phương tiện chữa cháy tại chỗ theo quy định của Luật PCCC; kịp thời chấn chỉnh sai sót và xử lý nghiêm vi phạm liên quan đến công tác PCCC tại các chợ.
Tuy nhiên, ngoài sự chủ động của lực lượng chức năng, các tiểu thương và người dân cần nâng cao hơn nữa ý thức PCCC nhằm giảm thiểu tối đa những thiệt hại do cháy nổ gây ra.
Phạm Tăng
Liên kết website
Ý kiến ()