Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 12:35 (GMT +7)
Nông dân dạy nông dân
Thứ 4, 13/03/2024 | 11:12:40 [GMT +7] A A
Với quan điểm, người đi trước hỗ trợ người đi sau, những mô hình “nông dân dạy nông dân” đã được triển khai rộng khắp tại các cơ sở Hội Nông dân (HND) trên địa bàn Quảng Ninh. Qua đó, lôi cuốn và khích lệ nhiều hộ dân cùng nhau phát huy tinh thần lao động cần cù, sáng tạo, phát triển KT-XH, giảm nghèo bền vững.
Cuối tháng 2 vừa qua, hơn 40 hội viên, nông dân của huyện Hải Hà được HND huyện tổ chức tham gia học tập kinh nghiệm về mô hình làm phân bón hữu cơ từ nuôi giun quế của HTX Nông nghiệp hữu cơ Hạ Long Xanh (TX Quảng Yên). Đây đang là hướng đi mới trong sản xuất nông nghiệp sạch, vừa có thể tận dụng phế, phụ phẩm nông nghiệp để phục vụ trồng trọt, chăn nuôi an toàn, lại có thể kinh doanh, mang lại thu nhập khá cho các hộ tham gia.
Trong chuyến đi này, các hội viên nông dân Hải Hà đã được chia sẻ nhiều kiến thức liên quan đến kỹ thuật, quy trình sản xuất phân hữu cơ, từ quy cách chuồng nuôi, con giống, nguyên liệu, đến môi trường, nhiệt độ, độ ẩm, thu hoạch… Qua đó, người dân có thể nghiên cứu, áp dụng tại hộ gia đình. Anh Nguyễn Thế Khánh, hội viên nông dân xã Quảng Long (huyện Hải Hà) cho biết: Chương trình này rất ý nghĩa. Được tận mắt chứng kiến quy trình sản xuất phân hữu cơ và được trao đổi, giải đáp những quan tâm liên quan, chúng tôi hiểu rõ hơn về mô hình này, từ đó có thể triển khai ngay tại gia đình mình.
Không chỉ riêng HND Hải Hà, việc tổ chức các hội nghị “nông dân dạy nông dân” hay “nông dân học nông dân” đã và đang được HND nhiều địa phương trong toàn tỉnh nhân rộng và coi đó là phong trào khơi dậy tinh thần tương trợ, giúp nhau vượt khó, phát triển kinh tế trong hội viên nông dân.
Tại huyện Cô Tô, hằng năm HND huyện cũng tổ chức các chuyến học tập kinh nghiệm làm giàu cho hội viên, nông dân trên địa bàn. Tiêu biểu như tổ chức cho hội viên, nông dân tham quan, học tập mô hình sản xuất rau an toàn tại Quảng Yên, Đông Triều; học tập mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng, trồng cây ăn quả, cây cảnh, chăn nuôi lợn… của các hộ sản xuất kinh doanh giỏi. Hay như HND TP Cẩm Phả tổ chức hội nghị cho những hội viên có thâm niên, quy mô nuôi trồng lớn hướng dẫn, chia sẻ kinh nghiệm trong lĩnh vực NTTS đến các hội viên mới.
Mô hình "nông dân dạy nông dân" đã thôi thúc, lôi cuốn, khích lệ hàng nghìn hộ thi đua sản xuất. Trung bình mỗi năm Quảng Ninh có khoảng 60.000 hội viên nông dân đăng ký thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi ở các cấp. Đặc biệt, mô hình này cũng góp phần thúc đẩy sự hình thành và liên kết giữa các hộ dân và giữa nông dân với doanh nghiệp. Nhiều nông hộ đã không còn sản xuất theo kiểu “đèn nhà ai người ấy rạng”, mà chủ động thành lập các nhóm hộ, CLB, tổ hợp tác, HTX để chia sẻ kinh nghiệm, giúp nhau cùng làm giàu. Qua đó, góp phần đưa ngành nông nghiệp Quảng Ninh phát triển bền vững, xây dựng quê hương Quảng Ninh ngày càng giàu, đẹp.
Theo ông Nguyễn Văn Đường, Phó Chủ tịch HND tỉnh: Các mô hình “nông dân dạy nông dân” thời gian qua được đánh giá là mang lại hiệu quả trong đào tạo, chuyển giao kiến thức sản xuất nông nghiệp, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, nâng cao thu nhập cho nông dân. Năm 2024 này, HND tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo các cơ sở hội đẩy mạnh nhân rộng mô hình “nông dân dạy nông dân”, coi đây là một trong những giải pháp cốt cán để tạo việc làm, tăng thu nhập bền vững cho hội viên, nông dân. Trong đó, phát huy tốt vai trò cốt cán của đội ngũ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi trong hướng dẫn, chia sẻ kinh nghiệm bằng phương thức “cầm tay chỉ việc” để mô hình tiếp tục phát huy hiệu quả và ngày càng được nhân rộng.
Nguyên Ngọc
Liên kết website
Ý kiến ()