Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 05/11/2024 15:15 (GMT +7)
Nông dân Quảng Ninh với phong trào trồng rừng gỗ lớn: Tạo sinh kế bền vững cho tương lai
Thứ 6, 15/04/2022 | 09:02:35 [GMT +7] A A
Thông qua việc tuyên truyền, vận động, hỗ trợ từ phía tổ chức HND, bước đầu, những mô hình trồng rừng gỗ lớn đã và đang được các hội viên, nông dân trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh triển khai, nhân rộng. Đây không chỉ là nguồn sinh kế bền vững cho các chủ rừng trong tương lai mà còn góp phần mở ra triển vọng sản xuất hàng hóa lâm sản có tính cạnh tranh cao trên thị trường trong nước và quốc tế.
Nhân lên những cánh rừng xanh
Với mục tiêu phát triển kinh tế rừng theo hướng trồng cây gỗ lớn, năm 2021, HND tỉnh và HND huyện Ba Chẽ đã tổ chức trao hàng nghìn cây giống cho các hội viên, nông dân trên địa bàn huyện. Cùng với đó, HND huyện Ba Chẽ đã phối hợp với các đơn vị chuyên môn, tổ chức hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc cây gỗ lớn cho những hộ dân có nhu cầu; đồng thời, phát huy kênh vốn vay ưu đãi từ Quỹ Hỗ trợ nông dân và ngân hàng, tạo điều kiện cho nhiều hội viên, nông dân phát huy lợi thế từ rừng, nâng cao thu nhập.
Theo lãnh đạo HND huyện Ba Chẽ, trồng rừng gỗ lớn đang là nhiệm vụ trọng tâm của HND huyện, nhằm cụ thể hóa mục tiêu trở thành trung tâm kinh tế lâm nghiệp và cây dược liệu của tỉnh. Chỉ tính riêng năm 2021, tổng diện tích rừng gỗ lớn được trồng mới trên địa bàn huyện là 939,4ha, trong đó, nông dân Ba Chẽ trồng 837,4ha. Với mục tiêu phấn đấu có thêm khoảng 1.200ha rừng trồng mới trong năm 2022, HND huyện sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân tham gia phát triển kinh tế rừng, trong đó, tập trung vào mục tiêu trồng rừng gỗ lớn.
Thực hiện chủ trương trồng rừng gỗ lớn của tỉnh, cuối tháng 3 vừa qua, HND tỉnh cũng vừa tổ chức chương trình phát động, ra quân trồng cây gỗ lớn, cây bản địa gắn với bảo tồn đa dạng sinh học và an ninh nguồn nước tại các xã, thị trấn của huyện Ba Chẽ, huyện Bình Liêu, TP Móng Cái. Ngay trong đợt ra quân này, đã có hơn 32.000 cây lim, quế, dổi đã được trồng trên diện tích 23,7ha đất rừng của các hộ hội viên, nông dân các địa phương trên.
Ông Lê Văn Độ, Phó Chủ tịch HND tỉnh cho biết: Tham gia mô hình trồng rừng gỗ lớn, các hội viên, nông dân sẽ được hỗ trợ cây giống một lần theo nhu cầu và được hướng dẫn, tập huấn kỹ thuật, đi tham quan, học tập kinh nghiệm thực tế mô hình trồng rừng gỗ lớn hiệu quả tại các địa phương khác trên địa bàn tỉnh. Qua khảo sát sơ bộ tại các cơ sở hội, nhiều hộ hội viên, nông dân đồng thuận, nhất trí cao và ủng hộ chủ trương chuyển đổi diện tích đất trồng keo sang trồng rừng gỗ lớn, cây bản địa. Đây là cơ sở quan trọng để sớm hiện thực hóa mục tiêu đến năm 2025 sẽ trồng được 5.000ha lim, lát, dổi của tỉnh.
Đồng hành cùng hội viên làm giàu từ rừng
Quảng Ninh là địa phương có diện tích rừng lớn, đứng thứ 18/63 tỉnh, thành phố trong cả nước với tỷ lệ che phủ rừng toàn tỉnh đạt trên 55%, sở hữu hơn 370.000ha đất có rừng. Xác định kinh tế rừng là một trong những hướng đi giúp hội viên, nông dân xóa đói, giảm nghèo hiệu quả, trong những năm qua, các cấp HND trong tỉnh đã cụ thể hóa Nghị quyết 19-NQ/TU của Tỉnh ủy về phát triển lâm nghiệp bền vững bằng nhiều hoạt động cụ thể, thiết thực.
Theo đó, HND các cấp đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động hội viên tích cực tham gia trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng; tổ chức trao hàng nghìn cây giống cho hội viên, nông dân; đồng thời, phối hợp với các đơn vị chuyên môn tổ chức hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc cây gỗ lớn cho những hộ dân có nhu cầu. Hằng năm, các cấp Hội đăng ký xây dựng mô hình điểm cộng đồng trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng cây gỗ lớn.
Bên cạnh đó, các cấp HND còn tổ chức những đợt ra quân trồng cây gây rừng nhân dịp đầu xuân năm mới; chủ động đề xuất với cấp ủy, UBND cùng cấp tạo điều kiện, kinh phí để Hội triển khai các mô hình, dự án phát triển sản xuất gắn với trồng, bảo vệ, phát triển rừng.
Cùng với đó, HND tỉnh cũng phát huy hiệu quả nguồn vốn của Quỹ Hỗ trợ nông dân và Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Ngân hàng Liên Việt để hỗ trợ hội viên, nông dân vay vốn phát triển các mô hình kinh tế trồng rừng, cây bản địa, ươm cây giống gắn với việc khoanh nuôi, bảo vệ, phát triển rừng. Hỗ trợ, hướng dẫn hội viên, nông dân liên kết, phát triển các mô hình HTX, tổ hợp tác, chi, tổ hội nghề nghiệp liên quan đến kinh tế rừng; tìm kiếm, giới thiệu, làm cầu nối để doanh nghiệp liên kết với nông dân trong cung ứng vật tư đầu vào, đầu ra theo chuỗi giá trị. Thông qua đó, nhiều diện tích đất rừng đã được phủ xanh, một mặt cải thiện môi trường sinh thái, mặt khác còn giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho hội viên, nông dân.
Cũng theo ông Lê Văn Độ, Phó Chủ tịch HND tỉnh: Từ nay đến cuối năm 2022, HND tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân có diện tích đất rừng tham gia mô hình trồng cây gỗ lớn, phấn đấu trồng thêm khoảng 2.500 cây gỗ lim, dổi, lát trên địa bàn tỉnh.
Cùng với đó, Hội sẽ phát động và đưa việc trồng, bảo vệ rừng, cây xanh trở thành phong trào thi đua rộng khắp của các cấp Hội; gắn việc trồng rừng, trồng cây xanh của cán bộ, hội viên nông dân với phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững, phong trào xây dựng nông thôn mới và thực hiện chương trình tổng thể phát triển bền vững KT – XH, đảm bảo vững chắc QP-AN ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào DTTS.
Nguyên Ngọc
Liên kết website
Ý kiến ()