Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 05:05 (GMT +7)
Giải pháp nào để Ba Chẽ hoàn thành trồng hơn 500ha rừng gỗ lớn?
Thứ 2, 11/04/2022 | 09:09:34 [GMT +7] A A
Là địa phương chiếm 1/3 diện tích rừng toàn tỉnh, đời sống, thu nhập của người dân chủ yếu phụ thuộc vào rừng. Trong câu chuyện trồng rừng gỗ lớn, Ba Chẽ hiện đang vấp phải không ít khó khăn, khi thực tế, cả người dân và các doanh nghiệp trồng rừng đều chưa thực sự mặn mà. Vì vậy, để thực hiện mục tiêu trồng 510ha rừng theo đăng ký của huyện cũng như kế hoạch tỉnh giao, huyện đã có nhiều giải pháp, quyết tâm hoàn thành đúng tiến độ.
Xây dựng lộ trình thích hợp
Năm 2022, Ba Chẽ được giao trồng mới 1.170ha rừng gỗ lớn và cây bản địa. Trong đó, huyện đăng ký trồng mới 510ha trồng lim, giổi, lát, sồi. Để hoàn thành mục tiêu này, huyện đã xây dựng lộ trình thích hợp, xuyên suốt.
Ngay từ tháng 10/2021, UBND huyện đã ban hành Quyết định số 3818/QĐ-UBND về thành lập Tổ công tác tuyên truyền, vận động triển khai, thực hiện Nghị quyết số 337/2021/NQ-HĐND ngày 24/3/2021 của HĐND tỉnh. Tổ công tác liên ngành có nhiệm vụ tuyên truyền, vận động các hộ gia đình, cá nhân đăng ký thực hiện hỗ trợ trồng rừng gỗ lớn, trồng cây bản địa năm 2022 tại các thôn trên địa bàn huyện. Nhờ vậy, người dân huyện Ba Chẽ đã nhanh chóng thay thế cây keo sang nhiều loại cây có giá trị kinh tế cao, như quế, hồi, giổi, lim.
Theo Nghị quyết số 337/2021/NQ-HĐND về việc quy định một số chính sách đặc thù để khuyến khích phát triển lâm nghiệp bền vững trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, để hỗ trợ phát triển rừng trồng sản xuất cây gỗ lớn, cây bản địa, UBND tỉnh sẽ hỗ trợ 100% kinh phí mua cây giống, tối đa 15 triệu đồng/ha. Ngoài ra, hỗ trợ vay vốn lãi suất thấp không quá 20 triệu đồng/ha.
Đề án trồng rừng gỗ lớn thành công chắc chắn sẽ làm thay đổi cơ cấu cây trồng trong ngành lâm nghiệp theo hướng tích cực, đó là tăng diện tích cây bản địa, cây gỗ lớn góp phần nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị của rừng, xã hội hóa nghề rừng được đẩy mạnh, nhất là việc thu hút nguồn lực đầu tư vào trồng rừng.
Vấp phải không ít khó khăn
Từ thực tế, Ba Chẽ đăng ký trồng mới 510ha rừng gỗ lớn, trong đó, người dân 140ha, 370ha còn lại giao về doanh nghiệp, các chủ rừng. Tuy nhiên, đến hết quý I/2022, tỷ lệ trồng mới đạt 24,4%.
Lý giải về sự chậm trễ này, ông Vi Thanh Vinh, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Ba Chẽ cho biết: Phần lớn diện tích trồng rừng tập trung vào khối doanh nghiệp, tổ chức trồng rừng. Thế nhưng, các doanh nghiệp chưa thực sự hưởng ứng. Có doanh nghiệp được giao, nhưng chưa thực hiện trồng được ha nào.
Khi được hỏi về nội dung này, ông Chìu Văn Quỳnh, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Ba Chẽ cho rằng: Khó khăn nhất khi đầu tư trồng rừng gỗ lớn chính là nguồn vốn, chu kỳ kinh doanh quá dài, hiệu suất đầu tư lớn. Công ty chúng tôi được giao trồng mới 60ha rừng gỗ lớn, theo tính toán, sẽ phải bỏ vốn khoảng 1,2 tỷ đồng. Do đó, để trồng được, đòi hỏi doanh nghiệp và người trồng rừng phải mạnh về kinh tế. Ví dụ, như cây giổi, theo lý thuyết thì khoảng 7, 8 năm có thể cho thu quả, nhưng chưa biết tình hình tiêu thụ như thế nào.
Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Ba Chẽ được giao trồng mới 60ha rừng gỗ lớn. Cho đến nay, Công ty mới chuẩn bị xong hiện trường cho toàn bộ diện tích 60ha. Theo dự kiến trước ngày 25/5 sẽ hoàn thành trồng rừng gỗ lớn theo chỉ tiêu kế hoạch được giao.
Ghi nhận tại xã Đồn Đạc, một trong những xã có tỷ lệ hoàn thành trồng rừng gỗ lớn lớn nhất trên địa bàn huyện, với 16/18ha, đạt 80% kế hoạch huyện giao. Thế nhưng, trong quá trình vận động, cũng đã vấp phải không ít khó khăn.
Ông Lưu Minh Thắng, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Đồn Đạc, huyện Ba Chẽ chia sẻ: Các loại giống cây gỗ lớn có giá 13.000 đồng/cây, trong khi các loại khác chỉ 7.500 đồng/cây. Người dân băn khoăn câu chuyện thu nhập thường xuyên. Vậy nên xã đã phải vận động cán bộ, đảng viên tham gia trồng để làm gương cho người dân. Đồng thời, cũng đang đề xuất để người dân trồng cây dược liệu dưới tán rừng gỗ lớn. Có như vậy, họ mới yên tâm canh tác trên mảnh rừng của mình.
Là một trong những gia đình như thế, có 20ha rừng, chủ yếu trồng quế (15ha) và keo, thế nhưng, ông Ty Sỹ Sằn, thôn Làng Mô, xã Đồn Đạc năm nay chỉ đăng ký trồng 0,5ha giổi, một tỷ lệ khá nhỏ so với tổng diện tích rừng của gia đình.
Theo ông Sằn, quế sau 12 năm có thể thu hoạch 600 triệu đồng/ha, trong khi đó, chỉ mất chi phí đầu tư và công sức trong chu kỳ đầu. Còn cây gỗ lớn như cây lim, lát... phải mất 60-70 năm mới có thể cho thu hoạch, vậy những gia đình không có điều kiện, hoặc không có nhiều rừng sẽ không thể có nguồn thu thường xuyên, trang trải cuộc sống gia đình. Đây cũng là nguyên nhân, người dân chưa thực sự mặn mà với cây gỗ lớn.
Để chính sách thực sự đi vào thực tiễn
Ông Vi Thanh Vinh, Trưởng phòng NN&PTNT huyện, cho biết: Năm 2022, huyện tiếp tục đề xuất với tỉnh bổ sung thêm một số chính sách đặc thù để khuyến khích, phát triển lâm nghiệp bền vững theo Nghị quyết số 337/2021/NQ-HĐND ngày 24/3/2021 của HĐND tỉnh. Đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền; tham quan học tập kinh nghiệm các mô hình trồng rừng gỗ lớn, trồng cây dược liệu đã thành công; tăng cường công tác chỉ đạo thực hiện Đề án phát triển rừng trồng gỗ lớn của huyện.
Để chủ động nguồn giống cây trồng, huyện đã phối hợp cùng 15 đơn vị doanh nghiệp, chủ vườn ươm đảm bảo cung ứng giống cây trồng chất lượng cao, phục vụ nhu cầu trồng rừng tập trung, trồng rừng gỗ lớn của người dân trên địa bàn toàn huyện.
Là một trong những vườn ươm lớn nhất trên địa bàn huyện Ba Chẽ, HTX Lâm nghiệp Bền Vững Ba Chẽ hiện đang ươm khoảng 4 triệu cây giống, trong đó, có 130.000 cây gỗ lớn. Ông Đặng Văn Đạt, Giám đốc HTX cho biết: Vườn có khả năng cung ứng giống cho khoảng 120ha rừng. Từ đầu năm đến nay, HTX đã xuất được khoảng 70ha cây giống gỗ lớn, trong đó chủ yếu là tại huyện Ba Chẽ.
Hiện tại, các vườn ươm trên địa bàn đã có thể chủ động được 50% nguồn giống. Ngoài ra, huyện sẽ liên hệ các nơi khác để cung ứng đủ nguồn giống phục vụ bà con.
Ông Khiếu Anh Tú, Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Chẽ, cho biết: Huyện đã chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn đôn đốc các xã, thị trấn hoàn thành công tác kiểm tra sơ bộ hiện trường trồng rừng, lập phương án hỗ trợ và thanh quyết toán kinh phí hỗ trợ kịp thời cho người dân theo đúng quy định hiện hành. Đồng thời, để tăng hiệu quả kinh tế thu được trên một đơn vị diện tích, huyện sẽ nhân rộng mô hình trồng ba kích tím, trà hoa vàng, cát sâm dưới tán cây gỗ lớn.
Thái Cảnh - Hằng Ngần
Liên kết website
Ý kiến ()