Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 24/12/2024 01:55 (GMT +7)
"Sự hỗ trợ của địa phương là động lực để tôi gắn bó với Đông Triều"
Chủ nhật, 23/04/2023 | 07:39:19 [GMT +7] A A
Từ đất nước Hàn Quốc xa xôi, anh Heo Su Yeong (SN 1984) đã đến công tác và gắn bó với vùng đất Đông Triều gần chục năm qua, với việc đầu tư cho sản xuất nông nghiệp khi đưa nhiều giống rau màu của Hàn Quốc vào trồng thử nghiệm trên đồng đất địa phương và áp dụng mô hình sản xuất theo chuỗi. Giờ đây, Heo Su Yeong lại ấp ủ và đang từng bước hiện thực hoá ý tưởng mở rộng sang mô hình du lịch nông nghiệp tại thôn Tân Thành, xã Việt Dân, TX Đông Triều…
- Từng là Giám đốc Văn phòng đại diện Công ty Hạt giống châu Á của Hàn Quốc thực hiện dự án thử nghiệm các loại giống cây ở Đông Triều từ năm 2016, rồi sau đó quyết định ở lại Việt Nam lập Công ty TNHH Han Nong, có trang trại tại Đông Triều, anh có thể chia sẻ về lý do dẫn đến quyết định ở lại và đầu tư tại Đông Triều của mình?
+ Khi công ty trước đây rút đi cũng là thời điểm dịch Covid-19 ảnh hưởng rất nặng nề. Người làm nông nghiệp ở Hàn Quốc từ trước tới giờ vốn đã ít, khi có dịch bệnh lại càng giảm đi. Hàn Quốc gần như nhập nông sản từ Trung Quốc, nhưng khi có dịch thì Trung Quốc đóng cửa. Khi đó, những người làm nông nghiệp trên thế giới nghiêng về Việt Nam nhiều hơn vì môi trường đầu tư mở rộng hơn, không cấm cản nhiều. Các nhà máy chế biến nông sản ở Hàn Quốc đầu tư vào Việt Nam rất nhiều trong thời gian đó. Tôi cũng là người làm nông nghiệp, chính vì lý do đấy nên tôi tiếp tục thành lập công ty ở đây để phát triển nông nghiệp.
- Đông Triều thực tế không phải vùng nông nghiệp trọng điểm của Việt Nam, vậy vì sao anh lại chọn nơi đây chứ không phải một nơi nào khác?
+ Đúng là như vậy, nhưng tới thời điểm đó đây là nơi tôi đã gắn bó 6 năm, tôi hiểu được thổ nhưỡng, thời tiết, khí hậu, con người Đông Triều. Vùng đất này cũng rất gần với Hải Dương và một số vùng nông nghiệp khác ở phía Bắc. Quanh đây cũng có nhiều nhà máy chế biến nông sản, nơi có thể là đầu ra tiêu thụ nông sản của tôi. Thêm nữa, đặc tính của giống rau màu Hàn Quốc khi sang Việt Nam thử nghiệm, tôi thấy phù hợp với thời tiết miền Bắc là mùa thu, mùa đông và mùa xuân khá mát mẻ. Vì vậy, tôi đã quyết định chọn Đông Triều làm nơi phát triển.
- Vậy anh đã đưa những giống rau gì vào Đông Triều và quy mô ra sao?
+ Trong quá trình thử nghiệm, tôi nhận thấy có 4 loại rau màu Hàn Quốc phù hợp với đồng đất Đông Triều, gồm rau cải bó xôi (rau chân vịt), cải, ớt xanh Hàn Quốc, hành Baro hiện đang trồng thử nghiệm ở đây. Một loại nữa cũng phù hợp là súp lơ xanh.
Hiện tại, tôi làm nông nghiệp theo chuỗi, từ cung cấp hạt giống, hướng dẫn kỹ thuật, trực tiếp trồng trọt, sau cùng là thu mua lại sản phẩm của bà con nông dân và xuất bán cho các nhà máy chế biến ở tỉnh Hải Dương, Mộc Châu (Sơn La), nhà máy chế biến F-ONE tại phường Đức Chính (TX Đông Triều). Hằng năm, sản lượng tôi thu mua lại cho bà con nông dân vào khoảng 100 tấn nông sản các loại. Nông trại tôi thuê đất hiện có diện tích 1,7ha, ngoài ra tôi còn liên kết sản xuất với bà con ở xã Việt Dân, Bình Khê, Tràng Lương, An Sinh, liên kết trực tiếp với HTX Dịch vụ chất lượng cao Hoa Phong. Việc liên kết mở rộng dần ra như thế, bà con cũng khá bắt với những giống rau được thử nghiệm.
- Đầu tư cho sản xuất nông nghiệp ở một vùng đất mới, anh đã gặp khó khăn gì?
+ Sản xuất nông nghiệp vốn rất khó khăn và cần nhiều thời gian. Tới thời điểm này, tôi vẫn thấy còn khó khăn, nhưng bản thân tôi yêu nông nghiệp và tôi nhận thấy nông dân Đông Triều cũng rất yêu nông nghiệp. Họ bắt với những giống mới, có thể vụ này làm không được thì vẫn đăng ký làm vụ sau. Chính vì tình yêu nông nghiệp như vậy nên công việc vẫn trôi chảy, mỗi năm diện tích bà con đăng ký lại nhiều thêm. Đối với tôi, công việc trước mắt như vậy đã là thành công rồi.
Từ đầu tới giờ, chính quyền địa phương đã hỗ trợ chúng tôi rất là tốt. Bản thân chúng tôi khi đến đây không thể trực tiếp làm việc với nông dân được, đều phải thông qua chính quyền. Cán bộ chính quyền rất cởi mở, hỗ trợ về mọi mặt, giới thiệu các đầu mối để làm việc với nông dân, các nhóm, HTX nông nghiệp, từ đó tôi mới liên kết được với nông dân. Đó cũng chính là một trong những động lực rất lớn để thúc đẩy tôi làm việc và gắn bó với đồng đất Đông Triều.
- Vì sao từ sản xuất nông nghiệp anh lại muốn mở rộng sang lĩnh vực du lịch nông nghiệp?
+ Tôi làm nông nghiệp ở Đông Triều đã gần 10 năm. Công việc này đòi hỏi phải đi nhiều, nhìn nhiều, nhìn rộng, nhìn xa để xem có phát triển được cái gì hơn nữa. Quá trình đó, tôi nhận thấy xã Việt Dân ở Đông Triều là xã nông thôn mới, từ đường sá tới vườn trái cây rất đẹp, đồi núi trập trùng, các điểm du lịch xung quanh nhiều. Đặc biệt, người Hàn Quốc rất quan tâm tới du lịch Việt Nam nói chung, Quảng Ninh nói riêng, với Vịnh Hạ Long, du lịch tâm linh ở Yên Tử... Vậy nên tôi nghĩ đây sẽ là một kế hoạch phát triển khả quan của bản thân.
Làm nông nghiệp thì đương nhiên là rất yêu nông nghiệp, song với du lịch, tôi có một người bạn Hàn Quốc đã ở Việt Nam khoảng 20 năm. Tôi đã gợi mở rằng ở Việt Dân có thể xây dựng mô hình du lịch nông nghiệp với các loại cây nhiệt đới. Trùng hợp là người bạn này cũng đang rất cần phát triển một mô hình trải nghiệm vườn trái cây ở Quảng Ninh. Vậy là tôi đã cùng anh ấy đi khảo sát và lựa chọn sẽ làm ở thôn Tân Thành, xã Việt Dân.
- Mô hình này có dự kiến kết hợp với các điểm đến khác của Quảng Ninh không?
+ Quảng Ninh là tỉnh phát triển du lịch. Chính vì có các tour du lịch rồi, tôi mới muốn xây dựng ở đây một điểm dừng chân. Khách Hàn Quốc sang đây, sẽ được các công ty tour xây dựng lịch trình Hà Nội - Hạ Long - Yên Tử - Việt Dân. Trước đây, khi chưa có trạm dừng chân ở Việt Dân thì họ từ Yên Tử sẽ về trạm dừng chân tại Hải Dương, sau đó về Hà Nội hoặc đi từ Hà Nội tới trạm dừng nghỉ sau đó đến Yên Tử, Hạ Long rồi đi cao tốc về Hà Nội. Chuỗi du lịch đấy đã hoạt động rất mạnh, giờ chúng tôi liên kết vào chuỗi đó bằng cách xây dựng khu du lịch tại Việt Dân để khách dừng chân tham quan, trải nghiệm khu vườn trái cây ở đây.
- Vậy du khách sẽ được trải nghiệm những gì tại điểm đến Việt Dân?
+ Chúng tôi muốn xây dựng một mô hình trải nghiệm miệt vườn thật đơn giản, thuận theo tự nhiên. Trước hết là công ty liên kết với 4 hộ gia đình, hiện đang trồng khoảng 10 loại cây ăn quả nhiệt đới trên diện tích 5ha tại thôn Tân Thành. Trong tour du lịch đó, điểm dừng chân ở Việt Dân chỉ có khoảng thời gian 40-45 phút, nhưng du khách có thể tham quan được nông trại mà nông dân đang lao động trực tiếp. Bà con vẫn thực hiện tất cả các công việc hằng ngày, chúng tôi chỉ liên kết bằng cách mời du khách tham quan khu vườn đang được canh tác, xem các loại cây trái nhiệt đới ở Hàn Quốc không có trồng, chỉ được thấy qua các chương trình truyền hình, qua báo chí mà thôi.
Khi đến đây, du khách có thể xem trực tiếp, có những cảm nhận thực về các loại cây, thăm vườn trồng thực tế, thăm luôn cả địa phương, cũng như tập tục canh tác nông nghiệp của người dân. Sau đó, du khách sẽ về sảnh nghỉ, thưởng thức các loại trái cây trong vườn theo mùa... Công ty mua các loại trái cây trong vườn của bà con để phục vụ trải nghiệm của du khách là chính, gần như không kinh doanh thương mại những sản phẩm này. Đó là mục tiêu mà tới đây chúng tôi sẽ thực hiện tại xã Việt Dân.
- Cách thức làm du lịch mà anh đang lên ý tưởng và thực hiện ở Việt Dân có giống với cách làm du lịch nông nghiệp ở Hàn Quốc không?
+ Ở Hàn Quốc kinh tế phát triển, đô thị hóa rất nhiều, vì vậy nhiều người dân Hàn Quốc muốn quay lại và dạy cho con cái mình đi theo hướng tự nhiên nhất, bắt đầu từ nông thôn, nông nghiệp là lĩnh vực sản xuất nuôi sống con người. Du lịch trải nghiệm miệt vườn ở Hàn Quốc vì thế phát triển rất mạnh. Ý tưởng làm du lịch nông nghiệp tại Việt Dân của tôi cũng bắt nguồn từ xu hướng du lịch miệt vườn ở Hàn Quốc, nhất là khi Đông Triều hội tụ cả về “địa lợi, nhân hòa” như thế.
- Cảm ơn anh đã trả lời phỏng vấn!
Phan Hằng (Thực hiện)
- Hướng phát triển của những mô hình nông nghiệp kết hợp du lịch
- Chiêm ngưỡng con đường hoa, khu trải nghiệm nông nghiệp sinh thái giữa lòng thành phố Hà Tĩnh
- Hiệu quả vượt trội từ sản xuất nông nghiệp quy mô lớn
- Đa dạng hình thức tổ chức sản xuất nông nghiệp
- Thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp
- Đưa ngành nông nghiệp phát triển theo hướng bền vững
Liên kết website
Ý kiến ()