Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 24/12/2024 09:23 (GMT +7)
Đưa ngành nông nghiệp phát triển theo hướng bền vững
Thứ 7, 25/03/2023 | 07:34:27 [GMT +7] A A
Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, nhiệm kỳ 2020-2025, ngành nông nghiệp tỉnh Quảng Ninh tích cực triển khai các giải pháp để trở thành trụ cột vững chắc, điểm tựa hỗ trợ cho các ngành, lĩnh vực khác phát triển. Yêu cầu được đặt ra là cần phải chuyển đổi sang phương thức sản xuất nông nghiệp bền vững, gắn với bảo vệ môi trường sinh thái và nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm, cải thiện đời sống cho người dân.
Thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới, sản xuất nông nghiệp của tỉnh Quảng Ninh đã có những bước phát triển đáng ghi nhận với tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2015-2022 đạt trên 4%/năm. Để có được kết quả này, ngành nông nghiệp và các tổ chức hội, đoàn thể, địa phương đã tập trung, quyết tâm thực hiện các giải pháp trọng tâm, đột phá để trở thành trụ cột vững chắc, điểm tựa hỗ trợ các ngành, lĩnh vực khác phát triển. Việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong phát triển nông nghiệp, đặc biệt là khâu tiêu thụ sản phẩm được đặc biệt quan tâm.
Chị Vũ Thị Xoa, Chủ tịch Hội Nông dân xã Quảng Tân, huyện Đầm Hà cho biết: Hội vừa tổ chức buổi tập huấn chuyển đổi số về hướng dẫn, tạo điều kiện hỗ trợ cho trên 20 hộ nông dân có sản phẩm nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử. Tại đây, các hộ sản xuất đã được hướng dẫn, đào tạo kỹ năng số, kỹ năng tham gia hoạt động trong môi trường số; cách thức đăng ký tài khoản bán hàng, tài khoản gian hàng, hoạt động tác nghiệp trên sàn thương mại điện tử, đăng ký tài khoản thanh toán trực tuyến phục vụ giao dịch. Tác động của dịch Covid-19 đã gây rất nhiều khó khăn trong khâu tiêu thụ sản phẩm của người dân địa phương thời gian qua. Việc tích cực đưa nông sản, nhất là sản phẩm OCOP lên sàn thương mại điện tử, mở rộng thị trường tiêu thụ, thúc đẩy sản xuất hàng hóa được cho là rất cần thiết đối với các hộ sản xuất nông nghiệp nơi đây.
Bên cạnh việc hỗ trợ bà con tham gia chuyển đổi số trong nông nghiệp, Hội Nông dân xã Quảng Tân, huyện Đầm Hà chú trọng công tác tuyên truyền, làm tốt việc định hướng để người dân biết đến những mô hình sản xuất hiệu quả, bền vững, phù hợp với đặc tính, đặc trưng ở địa phương.
Bà Đặng Thị Dung, xã Quảng Tân, huyện Đầm Hà chia sẻ: Trước đây, kinh tế gia đình tôi gặp rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, từ năm 2019, khi bắt tay vào chăn nuôi con gà bản Đầm Hà, cuộc sống của gia đình tôi đã đổi thay rất nhiều. Nhà tôi hiện có 2 chuồng gà, quy mô 1 lứa khoảng 1.000 con. Giống gà bản Đầm Hà tôi nuôi có đặc trưng cựa dài, da vàng, có râu hoặc có mũ, được chăn thả tự nhiên, cho ăn ngô nên thịt chắc và ngọt. Mô hình nuôi gà này, đã đem về cho gia đình tôi thu nhập ổn định. Được sự hướng dẫn của Hội Nông dân xã, tôi cũng chú trọng hơn đến công tác tiêm vắc xin cho gà nên không xảy ra dịch bệnh.
Bên cạnh xã Quảng Tân, ở nhiều vùng nông nghiệp trọng điểm của tỉnh cũng đã và đang đẩy mạnh ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, sử dụng giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng cao phù hợp quy định về sản xuất hữu cơ, thích ứng biến đổi khí hậu. Đồng thời, bảo tồn, phục tráng phát triển các giống cây trồng, vật nuôi bản địa, đặc hữu, có lợi thế, giá trị kinh tế cao, tích cực cơ giới hóa và phát triển theo hướng tập trung, gia tăng giá trị nông sản.
Chị Từ Thị Cúc, thôn Nà Bấc, xã Đông Hải, huyện Tiên Yên cho biết: Vụ Đông vừa qua, chúng tôi đã thử nghiệm trồng cây khoai tây Atlantic theo chương trình liên kết 4 nhà. Giống cây trồng này chỉ trong 3 tháng đã cho thu hoạch và giá thu mua 8,2 nghìn đồng/kg. Cây khoai tây Atlantic trồng ở vụ đông tại xã đã khai thác hiệu quả nguồn lực đất đai trong tăng vụ sản xuất và cải thiện thêm thu nhập cho nông dân chúng tôi.
Nhờ những quyết sách đúng, trúng, hiệu quả, những năm gần đây, sản xuất nông nghiệp của tỉnh đã có bước phát triển theo hướng toàn diện, hiện đại, ứng dụng công nghệ cao, thân thiện với môi trường. Năm 2022, tốc độ tăng trưởng của ngành nông nghiệp tỉnh ước đạt 4,51%, cao hơn 1,21 điểm % so với năm trước, chiếm tỷ trọng 5,3% trong GRDP của tỉnh.
Phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững góp phần hiện thực hóa ý chí khát vọng đưa Quảng Ninh trở thành tỉnh kiểu mẫu, giàu đẹp, văn minh, hiện đại, phát triển nhanh, bền vững gắn với bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh và thuộc nhóm các địa phương đi đầu cả nước về thực hiện các mục tiêu tăng trưởng xanh quốc gia.
Lan Anh
Liên kết website
Ý kiến ()