Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 23/12/2024 18:45 (GMT +7)
Phát triển nông nghiệp xanh
Thứ 3, 02/05/2023 | 10:02:07 [GMT +7] A A
Ngành Nông nghiệp Quảng Ninh đang từng bước phát triển theo hướng hiện đại, thu hút mạnh mẽ các doanh nghiệp, dự án đầu tư vào nông thôn, nông nghiệp. Qua đó góp phần nâng cao đời sống người dân, phát triển bền vững của tỉnh.
Sản xuất an toàn
Đáp ứng yêu cầu tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, trong đó tập trung sản xuất nông nghiệp sạch, hữu cơ, góp phần duy trì hệ sinh thái tự nhiên, không gây hại đến sức khỏe người nông dân trực tiếp canh tác và người tiêu dùng, thời gian qua tỉnh đẩy mạnh thực hiện Đề án “Phát triển nông nghiệp hữu cơ tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.
Những phương thức canh tác mới, hiện đại, an toàn đã dần thay thế cho cách trồng trọt, chăn nuôi trước kia. Chất lượng nông sản được đặt lên hàng đầu để tạo giá trị bền vững lâu dài. Tại xã An Sinh (TX Đông Triều), một trong những vùng trồng na lớn của tỉnh, cây na được nông dân trồng và chăm sóc theo tiêu chuẩn VietGAP, tạo năng suất, chất lượng, giá trị cao cho sản phẩm na dai Đông Triều.
Ông Nguyễn Minh Sơn (thôn Đìa Mối, xã An Sinh) có gần 1,2ha trồng na, cho biết: Nhờ sự đồng hành của địa phương và HTX Na dai Đông Triều, gia đình canh tác theo quy trình VietGAP. Việc sử dụng phân bón, thuốc trừ sâu, đều được gia đình ghi lại trong nhật ký nông vụ, đảm bảo tính hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả và thân thiện môi trường. Trước đây cứ mỗi gốc na tốn 1 bao phân, để tự hoại, mục ngấm vào đất; nay theo quy trình VietGAP, đánh luống xung quanh gốc na, sau đó mới bón phân theo tỷ lệ và lấp đất. Áp dụng quy trình này giúp năng suất cao hơn 15-30%, quả na đẹp. Đặc biệt việc truy xuất nguồn gốc rất thuận lợi, đảm bảo tiêu chuẩn an toàn, có giá bán cao hơn.
Xã Tiền An là vùng chuyên canh sản xuất rau lớn của TX Quảng Yên với tổng diện tích 950ha, trong đó có 170ha trồng rau an toàn. Người dân và các doanh nghiệp tích cực áp dụng KHKT trong sản xuất để nâng cao giá trị và chất lượng sản phẩm. Một số mô hình, kỹ thuật mới trong sản xuất rau an toàn đang được áp dụng, bước đầu cho hiệu quả kinh tế cao. Bà Nguyễn Thị Hoàn, Giám đốc Công ty Song Hành (xã Tiền An), cho biết: Với tổng diện tích nhà xưởng trên 2.000m2, Công ty đầu tư hệ thống nhà màng, khu sơ chế, ươm giống, lọc nước để áp dụng trồng rau thủy canh... Phương pháp này giúp kiểm soát chặt chẽ các yếu tố ánh sáng, nhiệt độ, không khí, đặc biệt là dinh dưỡng, vừa đảm bảo VSATTP, vừa giữ lại hàm lượng vi chất cao hơn cho cây rau.
Hướng tới nền nông nghiệp xanh, thân thiện với môi trường, các mô hình sản xuất hữu cơ trên địa bàn tỉnh đã tích cực vận dụng nguyên tắc “6 không” (không thuốc trừ sâu; không phân bón hóa học; không kích thích tăng trưởng; không chất bảo quản; không sử dụng giống biến đổi gen; không làm đất ô nhiễm). Theo Sở NN&PTNT, toàn tỉnh hiện có trên 1.000ha sản xuất hàng hóa nông nghiệp theo tiêu chuẩn VietGAP; 28 cơ sở có chứng nhận VietGAP trong lĩnh vực chăn nuôi; trên 400 cơ sở áp dụng chương trình quản lý chất lượng tiên tiến (GMP, SSOP, HACCP...); 14 vùng trồng cây ăn quả, 5 cơ sở đóng gói quả tươi và 9 công ty xuất khẩu thủy sản đủ điều kiện xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc; duy trì 16 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn có xác nhận với 59 loại sản phẩm.
Một số vùng trồng cây quế ở huyện Đầm Hà và huyện Tiên Yên được Tổ chức Chứng nhận quốc tế toàn cầu độc lập trong quản lý và giám sát hàng hóa (Control Union Certifications) cấp chứng nhận đạt hữu cơ tiêu chuẩn châu Âu. Đã có gần 350ha với hơn 220 tấn quế hữu cơ đã được cấp visa xuất ngoại và có mặt ở những thị trường khắt khe nhất của châu Âu, giá bán từ 23.000-25.000 đồng/kg (cao hơn 20% so với quế thông thường). Mô hình nuôi rươi kết hợp với trồng lúa hữu cơ quy mô 5ha tại phường Trưng Vương (TP Uông Bí) cho thu hoạch hơn 2 tấn rươi thương phẩm (tăng gần 1 tấn so với nuôi tự nhiên như trước), năng suất lúa đạt 1,8-2 tấn/ha/vụ, lợi nhuận hơn 300 triệu đồng/ha. Sản xuất không sử dụng thuốc diệt cỏ, không sử dụng phân hóa học, thuốc bảo vệ thực vật đã mang lại nhiều lợi ích cho nông dân, giúp ổn định đầu ra của sản phẩm.
Mở những hướng đi mới
Cùng với sản xuất an toàn, để tạo đà phát triển bền vững, bắt nhịp với xu thế nông nghiệp hiện đại trên thế giới, nhiều mô hình nông nghiệp mới được triển khai trên địa bàn tỉnh; nổi bật là đẩy mạnh ứng dụng KHCN mới trong sản xuất.
TX Đông Triều với lợi thế là địa phương có các vùng sản xuất tập trung, từ đầu năm 2022 thị xã là địa phương đầu tiên của tỉnh chính thức đưa vào sử dụng trạm giám sát sâu rầy thông minh tại xã Hưng Đạo. Với tính năng tự động nhận diện, hệ thống này có thể thống kê số lượng, mật độ, các chủng loại sâu rầy, đồng thời tự động đưa ra các cảnh báo và dự báo sâu rầy thông qua phần mềm quản lý trung tâm SaaS. Từ đó giúp cơ quan quản lý kịp thời khuyến cáo các tổ chức, cá nhân phòng trừ sâu bệnh kịp thời. Thị xã cũng đưa vào sử dụng 2 thiết bị bay không người lái để phun thuốc trừ sâu; mỗi ngày có thể phun được 70-80ha cây trồng các loại, giúp nông dân tiết kiệm 20% chi phí cho thuốc trừ sâu, 90% lượng nước, quan trọng hơn là bảo vệ sức khỏe nông dân.
Trong thời kỳ chuyển đổi số hiện nay, với sự hỗ trợ của tỉnh, các ngành chức năng, các địa phương; nông dân tỉnh đã mạnh dạn đưa KHCN vào sản xuất, thực hiện chuyển đổi số, mang lại những kết quả hết sức khả quan. Nổi bật là các mô hình: Nuôi tôm công nghệ cao tại huyện Tiên Yên; trồng hoa lan trong nhà lưới tại TP Hạ Long; sản xuất giống thủy sản tại huyện Đầm Hà... Hàng loạt chương trình, phần mềm quản trị vườn trồng, nông nghiệp chính xác được áp dụng nhằm tối ưu hóa việc sử dụng tài nguyên (nước, phân bón…) để dần chuyển đổi từ nông nghiệp truyền thống sang nông nghiệp hiện đại, tạo ra nhiều cơ hội tăng năng suất lao động, giảm phụ thuộc vào điều kiện môi trường, thời tiết, kiểm soát dịch bệnh tốt hơn.
Nông nghiệp kết hợp với du lịch cũng đang là một hướng đi mới cho hiệu quả cao. Các địa phương trong tỉnh đã tạo ra các mô hình hấp dẫn: Du lịch trang trại đồng quê, trải nghiệm làm nông dân, trải nghiệm những sinh hoạt, lao động, ẩm thực thường ngày của người dân bản địa...; đáp ứng được phần nào nhu cầu của du khách, tạo ra các điểm đến, sản phẩm du lịch hấp dẫn, thu hút du khách.
Nhiều khu du lịch nông nghiệp được biết đến, như đồi chè xã Quảng Long (huyện Hải Hà); trang trại hoa lan Đồng Ho, khu trồng cây ăn quả chất lượng cao xã Dân Chủ, xã Thống Nhất, cánh đồng rau, hoa chất lượng cao xã Lê Lợi (TP Hạ Long); du lịch kết hợp nuôi trồng thuỷ sản tại HTX Nuôi trồng thủy sản Phất Cờ, xã Hạ Long (huyện Vân Đồn); lễ hội mùa vàng, lễ hội hoa sở (huyện Bình Liêu)...
Nông nghiệp tỉnh giai đoạn 2022-2025 đặt mục tiêu tập trung sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản theo hướng lựa chọn các sản phẩm có thế mạnh, phát triển thị trường, xây dựng chuỗi cung ứng - sản xuất - chế biến - tiêu thụ ứng dụng công nghệ, hình thành hệ sinh thái kinh tế nông nghiệp đồng bộ, bền vững (nông nghiệp hữu cơ, bền vững, sinh thái, thực phẩm xanh, ứng dụng công nghệ cao, bảo vệ môi trường, hiện đại hóa, ứng phó thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu...).
Nông nghiệp Quảng Ninh đã trở thành trụ cột quan trọng trong cơ cấu kinh tế, góp phần phát triển nông thôn văn minh, hiện đại; đồng bộ với tăng trưởng xanh, phát triển đô thị, công nghiệp dịch vụ hiện đại của tỉnh.
Nguyễn Thanh
Liên kết website
Ý kiến ()