Tất cả chuyên mục

Thực phẩm chức năng ngày càng trở nên quen thuộc trong cuộc sống, với mục tiêu ban đầu là hỗ trợ nâng cao sức khoẻ, nhưng không thể thay thế thuốc điều trị. Song, thời gian qua, xu hướng sản xuất, buôn bán hàng giả, gian lận thương mại nói chung, trong đó có các mặt hàng là thuốc tân dược, thực phẩm bảo vệ sức khỏe không ngừng gia tăng, với mức độ vi phạm ngày càng nghiêm trọng.
Tại Việt Nam, theo Hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam, số người sử dụng thực phẩm chức năng ngày càng tăng, chiếm 1/5 dân số, với tốc độ tăng trưởng khoảng 15% mỗi năm nhờ nhu cầu chăm sóc sức khỏe. Tuy nhiên, thị trường này vẫn đối mặt với thách thức lớn về quản lý chất lượng và kiểm soát hàng giả, hàng kém chất lượng.
Từ các nền tảng mạng xã hội đến sàn thương mại điện tử, người tiêu dùng liên tục bị lọt vào ma trận những lời quảng cáo có cánh như "giảm cân thần tốc", "đẹp da tức thì", "tăng cường sinh lực". Các KOL, KOC và Influencer... liên tục xuất hiện với những lời quảng bá hấp dẫn. Không ít người tiêu dùng vì tin vào quảng cáo mà mua về sử dụng, nhưng kết quả không như mong đợi, thậm chí ảnh hưởng đến sức khỏe.
Chị N.T.D, trú tại TP Hạ Long, đã từng là một nạn nhân của thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc xuất xứ. Với mong muốn giảm cân nhanh chóng, đầu năm nay, chị đã lên mạng và mua một sản phẩm có tên Cốt bí xanh Detox trên TikTok. Tuy nhiên, chỉ sau vài ngày sử dụng, chị N.T.D đã phải từ bỏ vì những tác dụng phụ như đi ngoài nhiều lần, mệt lả, choáng váng. May mắn cho chị, các sản phẩm Cốt bí xanh Detox nói trên sau này đã bị các cơ quan chức năng phát hiện chứa chất cấm sibutramine. Cũng sử dụng sản phẩm này, một cô gái 27 tuổi tại Thanh Hoá cũng đã phải nhập viện trong tình trạng hôn mê, co giật, tổn thương não.
Mới đây, Quang Linh Vlogs, Hằng Du Mục đã bị cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an khởi tố, bắt tạm giam về tội Sản xuất hàng giả tại Công ty Asia Life và Công ty Chị Em Rọt ở TPHCM và Đắk Lắk về sản phẩm Kẹo rau củ Kera của công ty này. Quá trình điều tra, Bộ Công an xác định các bị can có dấu hiệu tội phạm Sản xuất hàng giả là thực phẩm và Lừa dối khách hàng. Kết quả kiểm nghiệm tại Viện Đo lường chất lượng quốc gia cho thấy, 30 viên (tương đương một hộp) chỉ có hàm lượng chất xơ là 0,51 gram, trong khi quảng cáo của công ty này khẳng định chỉ “một viên rau củ cũng có giá trị tương đương một đĩa rau”.
Song, đáng nói, đây cũng không phải vụ việc đầu tiên và duy nhất liên quan tới những sản phẩm thực phẩm chức năng bị thổi phồng công dụng, thậm chí không đảm bảo an toàn cho sức khoẻ người sử dụng. Trong năm 2024, Bộ Y tế đã xử phạt hơn 11 tỷ đồng đối với các đơn vị quảng cáo thực phẩm chức năng sai sự thật.
Ngành Y tế cũng khuyến cáo thực phẩm chức năng chỉ có tác dụng hỗ trợ sức khỏe, không thể thay thế thuốc chữa bệnh. Những cụm từ như "khỏi bệnh hoàn toàn", "tác dụng nhanh chỉ sau vài ngày" hay "bài thuốc gia truyền 100% tự nhiên" đều là dấu hiệu của quảng cáo, chưa được kiểm chứng khoa học.
Bác sỹ Dương Đức Mạnh, Phó Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí cho biết, đơn vị này cũng từng tiếp nhận nhiều trường hợp bệnh nhân phải đến viện do những biến chứng tự điều trị bằng các bài thuốc “gia truyền” của các “lương y” mạng xã hội. Đặc biệt nguy hiểm là đối với những bệnh nhân mắc sẵn các bệnh mạn tính như tiểu đường, gan, thận, thay vì điều trị theo các phác đồ được các y bác sỹ hướng dẫn, lại lựa chọn đặt niềm tin vào các sản phẩm không được kiểm chứng, không rõ kết quả. Gần như tất cả các trường hợp này đều phải quay trở lại bệnh viện với tình trạng bệnh chuyển nặng, thậm chí nguy kịch, và rất vất vả trong việc điều trị.
Bên cạnh những loại thực phẩm chức năng nội địa được quảng cáo thổi phồng, thì thị trường thực phẩm chức năng còn có vô vàn các loại khác với xuất xứ từ nước ngoài, thâm nhập vào nội địa theo con đường “xách tay”, không được các cơ quan y tế của Việt Nam kiểm định hay đánh giá chất lượng, giá thành cao, nhưng vẫn được nhiều người tiêu dùng yêu thích lựa chọn bởi là… “hàng ngoại”.
Trên thực tế, hiện nay, việc kiểm soát thị trường thực phẩm còn nhiều khó khăn, nguyên nhân chính là do lợi nhuận kinh doanh lĩnh vực này rất cao, trong khi mức xử phạt các vi phạm lại chưa đủ sức răn đe. Hệ thống mạng lưới phân phối online rộng khắp cũng là rào cản trong việc phát hiện và xử lý kịp thời.
Song, để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, thời gian tới, cần phải có sự kiện toàn về lực lượng quản lý thị trường chuyên ngành có kiến thức sâu về thực phẩm chức năng. Cùng với đó, cần tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức của người tiêu dùng; không tự ý mua thực phẩm chức năng không qua tư vấn của cơ quan, đơn vị có chuyên môn; mua theo trào lưu hoặc mua trên mạng. Người tiêu dùng phát hiện hàng giả, kém chất lượng cần phản ánh đến lực lượng quản lý thị trường để có biện pháp xử lý kịp thời.
Ý kiến ()