Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 05/11/2024 18:20 (GMT +7)
Nông sản Việt Nam trước cơ hội lớn xuất khẩu vào Anh
Thứ 4, 29/09/2021 | 16:00:41 [GMT +7] A A
Việt Nam đang đứng trước cơ hội lớn xuất khẩu gạo, hoa quả và các mặt hàng nông sản khác vào Vương quốc Anh - 1 trong 10 thị trường lớn nhất thế giới với kim ngạch nhập khẩu thực phẩm hằng năm lên tới 65,5 tỷ USD.
Đây là nhận định được các đại biểu đưa ra tại Hội thảo xúc tiến thương mại hàng nông sản giữa Việt Nam và Anh, do Đại sứ quán Việt Nam tại Vương quốc Anh tổ chức theo hình thức trực tuyến ngày 28/9. Hội thảo có sự tham dự của đại diện Hội đồng kinh doanh Anh-ASEAN (UKABC), tổ chức Hỗ trợ thương mại Đông Nam Á (SEATFO) và các doanh nghiệp phân phối tại Anh; cùng hơn 100 doanh nghiệp xuất khẩu nông sản Việt Nam.
Theo phóng viên TTXVN tại London, hội thảo với tên gọi "Khám phá đặc sản vùng nhiệt đới" đã thảo luận tiềm năng, cách tiếp cận, các yêu cầu và tiêu chuẩn của thị trường Anh đối với hàng nông sản nhập khẩu, đồng thời giới thiệu các mặt hàng nông sản Việt Nam thông qua video clip về sản xuất nông sản tại Việt Nam theo tiêu chuẩn GAP toàn cầu. Tại hội thảo, các chuyên gia và doanh nghiệp Anh cũng giải đáp những thắc mắc của doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam về thị trường Anh.
Phát biểu tại hội thảo, Đại sứ Việt Nam tại Anh Nguyễn Hoàng Long cho biết Việt Nam và Anh kỳ vọng thương mại song phương sẽ có bước phát triển vượt bậc sau khi hai nước ký Hiệp định thương mại tự do UKVFTA vào tháng 12/2020. Đại sứ nhận định do nông sản là một mặt hàng xuất khẩu thế mạnh của Việt Nam trong khi Anh là thị trường tiêu thụ lớn mặt hàng này, nên thương mại nông sản giữa hai nước có tiềm năng phát triển lớn, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam đang hướng tới xuất khẩu nông sản chất lượng thay vì số lượng và xây dựng thương hiệu nông sản trên toàn cầu.
Đưa ra lời khuyên đối với doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam, ông Ian Gibbons, Giám đốc điều hành UKABC, cho biết yếu tố quan trọng để xuất khẩu vào Anh là doanh nghiệp cần nghiên cứu thị trường kỹ lưỡng để đảm bảo sản phẩm của họ phù hợp và có khả năng cạnh tranh trên thị trường. Ông cũng chỉ ra tầm quan trọng của việc xây dựng niềm tin với các đối tác Anh thông qua việc phát triển mối quan hệ lâu dài và bền vững. Ngoài ra, các nhà xuất khẩu vào Anh cần đảm bảo tính minh bạch của doanh nghiệp cũng như sản phẩm, thông qua việc xây dựng website, cung cấp thông tin về sản phẩm, dây chuyền sản xuất, sản lượng, các đối tác thương mại... Ông Gibbons cho rằng khi đã tạo dựng được niềm tin và uy tín với các đối tác Anh thì việc xuất khẩu vào thị trường này sẽ thuận lợi.
Trong khi đó, ông John Gavin, Giám đốc tổ chức Hỗ trợ Thương mại Đông Nam Á (SEATFO), chỉ ra rằng các doanh nghiệp nhập khẩu và người tiêu dùng Anh coi trọng giá trị hàng hóa theo triết lý không phải lúc nào giá rẻ nhất cũng là tối ưu nhất. Điều quan trọng là doanh nghiệp phải đảm bảo sản phẩm có chất lượng tốt đáp ứng yêu cầu thị trường; phải cung cấp dịch vụ khách hàng tốt và giao hàng đúng hạn; đồng thời đảm bảo tính minh bạch với khách hàng. Ngoài ra, các doanh nghiệp Anh cũng coi trọng các đối tác đề cao việc bảo vệ môi trường, tham gia hoạt động xã hội và có khả năng quản trị tốt.
Theo Tham tán Thương mại Việt Nam tại Anh Nguyễn Cảnh Cường, một thách thức không nhỏ đối với các doanh nghiệp Việt Nam khi tiếp cận được thị trường Anh là do chưa đạt tiêu chuẩn GAP toàn cầu, đồng thời thiếu chiến lược tiếp thị đáp ứng được kỳ vọng của nhà phân phối và người tiêu dùng Anh.
Trong giai đoạn 2010-2019, thương mại song phương giữa Việt Nam và Anh đã tăng gấp 3 lần, từ 2,19 tỷ USD trong năm 2010 lên 6,61 tỷ USD trong năm 2019. Năm 2020, trong bối cảnh dịch COVID-19 bùng phát gây gián đoạn hệ thống thương mại toàn cầu, giá trị xuất khẩu hàng hóa từ Việt Nam sang Anh vẫn đạt gần 5 tỷ USD.
Trong 6 tháng đầu năm nay sau khi Hiệp định UKVFTA có hiệu lực, kim ngạch thương mại song phương Việt-Anh đã có sự bứt phá ngoạn mục với tổng giá trị 3,3 tỷ USD, tăng 28% so cùng kỳ năm ngoái, trong đó xuất khẩu từ Việt Nam đạt gần 2,9 tỷ USD, tăng 29%, bất chấp dịch COVID 19 diễn biến khó lường.
Có thể nói, dư địa hợp tác trong lĩnh vực thương mại giữa hai nước còn rất lớn. Việt Nam có tiềm năng lớn về sản xuất nông sản và hoa quả nhiệt đới. Ba năm gần đây, tổng giá trị xuất khẩu nông sản của Việt Nam luôn đạt trên 40 tỷ USD/năm, trong đó đã xuất khẩu sang nhiều thị tường tiêu chuẩn chất lượng cao như Anh, EU, Mỹ, Nhật Bản,...Việt Nam đã vượt Thái Lan để giữ vị trí thứ 2 về xuất khẩu gạo, sau Ấn Độ, đồng thời là nước xuất khẩu hạt tiêu, hạt điều lớn nhất thế giới và xuất khẩu cà phê lớn thứ hai thế giới.
Với 94% trong tổng số 547 dòng thuế các sản phẩm nông nghiệp được xóa bỏ khi UKVFTA có hiệu lực, nông sản Việt Nam đang đứng trước cơ hội lớn xuất khẩu vào thị trường Anh, trong đó có các sản phẩm có thế mạnh như gạo, chuối, xoài, vải, nhãn, chôm chôm, thanh long.
Theo baotintuc.vn
Liên kết website
Ý kiến ()