Tất cả chuyên mục
Thứ Năm, 28/11/2024 15:49 (GMT +7)
Nông thôn mới với việc bảo tồn... “cái cũ”
Chủ nhật, 26/05/2013 | 05:42:46 [GMT +7] A A
Xây dựng nông thôn mới không có nghĩa là xoá bỏ tất cả những “cái cũ”, để thay thế vào đó những cái mới hoàn toàn - Điều này thì chắc ai cũng hiểu. Và trong các tiêu chí xác định một xã nông thôn mới, cùng với các tiêu chí về quy hoạch, về cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội, như giao thông, thuỷ lợi, điện, trường học, trạm y tế… có cả các tiêu chí về văn hoá, môi trường; chẳng hạn như tỷ lệ phổ cập giáo dục bậc trung học, tỷ lệ người được bảo hiểm y tế, tỷ lệ người dân được sử dụng nước sạch, tỷ lệ gia đình đạt danh hiệu “Gia đình văn hoá” v.v..
Tuy nhiên, trên thực tế, việc xác định “cái mới” với “cái cũ” đôi khi rất khó! Một con đường bê tông mới làm, một nhà văn hoá thôn mới xây; một trạm xá xã mới nâng cấp; thậm chí ngay cả về mức sống của người dân hay tỷ lệ trình độ cán bộ thôn, xã đạt chuẩn v.v.. năm sau so với năm trước; đó đều là những “cái mới” có thể xác định được một cách cụ thể, bằng những con số cụ thể!
Nhưng cũng có những cái không phải lúc nào cũng xác định được để đem ra so sánh! Trong những cái “khó xác định” như vậy, có lẽ khó nhất là việc xác định tiêu chuẩn về việc bảo tồn nét đẹp văn hoá truyền thống của làng xã mình! Một làng quê vốn có truyền thống dân ca chèo chẳng hạn, nhưng lại xây một nhà văn hoá thôn theo kiến trúc hiện đại, liệu đã phải là “nông thôn mới” hay chưa? Một làng quê với những luỹ tre xanh mát rượi, nay phá đi, “bê tông hoá” theo kiểu “ô bàn cờ” chắc gì đã đẹp? Và đâu đó không phải không có những làng quê vì muốn thành “nông thôn mới”(!) thật nhanh mà coi những nét văn hoá truyền thống của làng quê mình là “cái cũ” rồi bỏ đi hoặc ít quan tâm bảo tồn, nuôi dưỡng nó phát triển v.v.. và v.v..
Nông thôn Quảng Ninh vốn giàu truyền thống văn hoá; mỗi nơi, mỗi cộng đồng dân cư lại mang một bản sắc riêng độc đáo. Vấn đề đặt ra là làm sao để khi xây dựng nông thôn mới, mỗi làng quê vẫn giữ được những “cái cũ” tốt đẹp của mình. Để làm được điều này, ngoài cơ quan chức năng là ngành văn hoá, rất cần sự quan tâm thực sự của cấp uỷ, chính quyền, các tổ chức, đoàn thể v.v.. ở cơ sở trong việc xác định nét bản sắc văn hoá truyền thống của địa phương mình, thậm chí đến từng làng xã… Những “cái cũ” nào cần loại bỏ, những “cái cũ” nào cần trân trọng, gìn giữ v.v.. Trên cơ sở đó có định hướng bảo tồn, phát huy giá trị của nó trong đời sống cộng đồng một cách hợp lý, bền vững. Xây dựng nông thôn mới không có nghĩa là tạo ra những mô hình làng quê theo một “khuôn mẫu” chung, cố định; mà phải tạo ra sự đa dạng, với những “nét khác biệt” về bản sắc văn hoá của làng xã mình. Đây là điều rất quan trọng! Và nó càng quan trọng hơn trong thực tế hiện nay, khi mà “cơn bão” đô thị hoá đang có nguy cơ “thổi bay”, làm mai một, xoá nhoà những nét văn hoá riêng truyền thống...
Trung Luận
Liên kết website
Ý kiến ()