Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 24/12/2024 10:05 (GMT +7)
NSND Doãn Hoàng Giang qua đời: Khoảng trống khó khỏa lấp
Thứ 4, 18/01/2023 | 14:10:00 [GMT +7] A A
Đồng nghiệp, hậu bối của NSND Doãn Hoàng Giang nhớ đến ông như một tượng đài sân khấu Việt Nam, người tiên phong cách tân chèo (chèo cải biên). Vẻ ngoài bụi bặm nhưng bên trong con người của NSND Doãn Hoàng Giang là sự vui vẻ, hoà đồng, nhiệt huyết với nghề.
Người góp nên thời hoàng kim
NSND Doãn Châu, nguyên Giám đốc Nhà kịch Việt Nam ví đạo diễn NSND Doãn Hoàng Giang như tượng đài sân khấu Việt Nam trong những thập niên cuối của thế kỷ 20. Chỉ đến khi sức khoẻ của NSND Doãn Hoàng Giang yếu đi, ông mới vơi dần công việc.
NSND Doãn Hoàng Giang là diễn viên khóa I của Trường Sân khấu và điện ảnh Hà Nội, cùng thời với các nghệ sĩ sân khấu nổi tiếng như NSND Trọng Khôi, Doãn Châu, Phạm Thị Thành, nghệ sĩ Văn Hiệp... Tuy nhiên, sau những năm tháng làm diễn viên, ông nhận ra đạo diễn mới thực sự là nghề ông yêu thích.
Chia sẻ với PV Tiền Phong, NSND Doãn Châu nhớ lại, từ khi còn là diễn viên, Doãn Hoàng Giang đã bộc lộ tài năng ở mảng đạo diễn. Từ một tiểu phẩm nhỏ thời đi học, Vỡ đất trở thành tác phẩm đầu tay của NSND Doãn Hoàng Giang và được công diễn khắp nơi, phục vụ quân đội, công chúng cả nước trong những năm đầu tiên sau thập niên 60 của thế kỷ 20.
“Sau khi tốt nghiệp, Doãn Hoàng Giang về Nhà hát kịch Việt Nam và đóng góp cho nhà hát khối lượng tác phẩm, thành tích đồ sộ như Đôi mắt (tác giả Vũ Dũng Minh), Nhân danh công lý, Hà Mi của tôi, Bài ca Điện Biên... Đặc biệt tác phẩm Nhân danh công lý (tác giả: Võ Khắc Nghiêm) đạt nhiều giải lớn”, nguyên Giám đốc Nhà hát kịch Việt Nam kể.
Không chỉ dàn dựng hầu hết các tác phẩm của Nhà hát Kịch Việt Nam, NSND Doãn Hoàng Giang tham gia dàn dựng cho nhiều nhà hát trên cả nước. NSND Doãn Châu cho rằng, dấu ấn của NSND Doãn Hoàng Giang hiện hữu khắp các đoàn kịch, sân khấu lớn trong cả nước như Nhà hát Kịch Hà Nội, Đoàn chèo Tổng cục Hậu cần (nay là Nhà hát chèo Quân đội), Đoàn kịch nói Nam Định, Đoàn kịch Cửu Long Giang... NSND Doãn Châu không thể quên hình ảnh mỗi mùa hội diễn, trước cửa nhà NSND Doãn Hoàng Giang liên tục có người của các đoàn đến mời ông dựng vở.
Bên cạnh niềm đam mê dàn dựng, NSND Doãn Hoàng Giang tham gia sáng tác nhiều kịch bản sân khấu. Những kịch bản của ông được lấy cảm hứng từ thực tế cuộc sống, những câu chuyện, con người xung quanh bởi: “Nghệ thuật luôn bắt đầu từ cuộc sống. Cảm hứng sáng tạo của nghệ sĩ cũng đến từ chính cuộc sống, bắt nguồn từ muôn chuyện vụn vặt thường ngày”.
NSƯT Lê Chức, nguyên Phó Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam (NSSKVN) còn nhớ rất rõ những dấu ấn lớn của NSND Doãn Hoàng Giang trong việc đổi mới cho sân khấu Việt Nam đương đại. “Vở Đôi mắt, Nhân danh công lý, Hà Mi của tôi cho thấy bước ngoặt về mặt đề tài. Trước đây, chủ nghĩa thực thể có phần lấn át đi số phận con người, nhưng mỗi vở của Doãn Hoàng Giang vẫn có những quan điểm rất riêng của ông về giá trị, tiêu chuẩn nhân văn”, đạo diễn Lê Chức khẳng định.
Sếp không mặc com-lê
Bề ngoài NSND Doãn Hoàng Giang rất bụi bặm, áo quần lụng thụng nhiều túi hộp, tóc để dài buộc túm cùng với mũ lưỡi trai trông ông càng “ngầu”. Thế nhưng, khi làm việc chung, không ít người bất ngờ với tính cách của một nghệ sĩ tài hoa.
NSƯT Lê Chức nhớ mãi chuyện vui về phong cách ăn mặc đặc trưng của NSND Doãn Hoàng Giang khi ông làm Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật của Hội NSSKVN.
“Trong một sự kiện, người ta chờ đợi ông Chủ tịch Hội đồng ra phát biểu tổng kết. NSND Doãn Hoàng Giang nằng nặc không chịu thay trang phục. Ông bước ra sân khấu trong bộ quần áo phủi quen thuộc, nghệ sĩ và khán giả nước ngoài bỗng phá lên cười sung sướng. Đó mới đúng là nghệ sĩ. Đó mới là Doãn Hoàng Giang”, NSƯT Lê Chức kể. Mái tóc dài và sự nồng nhiệt trong nghề, tính cách chan hòa, nhân ái với anh em đồng nghiệp là điều mà những người bạn, người em cùng lứa nhớ về ông.
NSND Doãn Hoàng Giang hiền lành, chân chất và vô tư nên được nhiều đồng nghiệp, thế hệ đàn em quý mến. NSND Trung Anh khẳng định, NSND Doãn Hoàng Giang là người tài hoa, một nhân cách lớn. “Trong làng sân khấu, diễn viên chúng tôi từ trẻ đến già đều gọi NSND Doãn Hoàng Giang là sếp, mặc dù chú chưa bao giờ làm sếp. Chú nghiêm khắc trong công việc nhưng cách ứng xử, cách làm việc tạo cho diễn viên cảm giác thoải mái. Làm việc với NSND Doãn Hoàng Giang rất vui và hiệu quả”, anh kể.
NSND Doãn Hoàng Giang nổi tiếng phong độ, “đa tình”. Ông tếu táo và rất “chiều” các diễn viên trẻ. Diễn viên Huy Hùng (Nhà hát Kịch nói Quân đội) còn được NSND Doãn Hoàng Giang lo cho từ tấm áo, chiếc khăn khi lên sân khấu.
“Khi đóng vở Người Hà Nội, tôi vào vai đại tá phe Ngụy. Chú không chỉ dạy tôi cách diễn, cách đi đứng mà còn để ý tới phục trang. Vai diễn của tôi yêu cầu một số trang phục khá đặc thù, khó kiếm. Chú Giang thấy thế nên về nhà chuẩn bị cho tôi từ áo gi-lê cho tới khăn quàng”, Huy Hùng kể.
Anh còn được NSND Doãn Hoàng Giang đặt biệt danh. Trong ký ức của Huy Hùng, đạo diễn Doãn Hoàng Giang luôn nhẹ nhàng, hiếm khi nào nghe thấy ông cáu gắt. Khi bắt tay dựng vở, ông nghiên cứu kịch bản rất kỹ, sửa đi sửa lại nhiều lần.
Diễn viên Thanh Hương nhớ những lần được NSND Doãn Hoàng Giang mời đi ăn. “Thầy mời chúng tôi đi ăn, chẳng bao giờ để chúng tôi gửi lại tiền. Có hôm thầy lôi ra tấm ảnh khoe thầy hồi trẻ đấy: - đẹp trai, phong độ… Những ký ức về thầy trong chúng tôi lúc nào cũng đẹp, cũng tình”, Thanh Hương kể. Cô cho rằng những vở diễn của NSND Doãn Hoàng Giang lúc nào cũng “chát chúa như cuộc đời ông”, nghệ sĩ trẻ còn “non” nên khó lòng thấu hết.
NSND Doãn Hoàng Giang nổi tiếng là người đam mê bóng đá. NSND Doãn Châu nhớ lại, thời điểm diễn ra World Cup, ông đã dán tấm biển: “Bóng đá thì vào còn công việc mời về”.
Những người từng làm việc, chơi cùng NSND Doãn Hoàng Giang đều cho rằng ông hoà đồng, vui vẻ, nhiệt tình nhưng đời tư lại lận đận. Ông chỉ có một đời vợ chính thức là nữ diễn viên Nguyệt Ánh và một người con trai Doãn Hoàng Lâm. Sau cuộc hôn nhân đổ vỡ, NSND Doãn Hoàng Giang không tiến tới với ai mà chỉ chuyên tâm làm sân khấu và nuôi con.
Thời kỳ rực rỡ của Doãn Hoàng Giang NSƯT Thu Hà là một trong những người em thân thiết với NSND Doãn Hoàng Giang ở Nhà hát Kịch Việt Nam. Một tiếng trước khi đạo diễn về cõi, chị vẫn trò chuyện với con trai của ông - họa sĩ Doãn Hoàng Lâm. Bác sỹ vẫn tới nhà thăm bệnh, tiên lượng sức khỏe của ông vẫn ổn, nhưng chỉ ít phút sau ông lặng lẽ trút hơi thở cuối cùng khi con trai có việc rời khỏi nhà. “Ông như trốn con trốn cháu để ra đi vậy”, NSƯT Thu Hà rưng rưng. Nhìn lại sân khấu kịch thời kỳ hoàng kim, NSƯT Thu Hà nhận định không bao giờ sân khấu Việt Nam có lại được không khí tưng bừng như thời các NSND Trọng Khôi, Doãn Hoàng Giang, Lê Hùng... từng làm được. Hai vở ấn tượng nhất của đạo diễn Doãn Hoàng Giang dàn dựng cho Nhà hát Kịch Việt Nam phải kể tới Bài ca Điện Biên, Giấc mộng đêm hè - vở diễn hợp tác với chuyên gia, diễn viên Mỹ. “Vở diễn tưng bừng nhất là Bài ca Điện Biên, huy động tới 300 diễn viên biểu diễn từ dọc đường đi, hành lang Nhà hát Lớn cho tới sân khấu với những màn hò kéo pháo hoành tráng. Đó mới là sân khấu cách mạng hừng hực khí thế, chỉ có sân khấu nhà nước mới huy động được số lượng nghệ sĩ, tinh thần và thái độ như thế”, NSƯT Thu Hà kể. Dấu ấn của đạo diễn Doãn Hoàng Giang không thể thiếu Nhân danh công lý. “Đó là vở diễn mà Nhà hát Kịch Việt Nam diễn ngày diễn đêm, chia đoàn vào miền Nam biểu diễn ngày hai suất. Chúng tôi cứ gọi là diễn mịt mờ khói lửa. Có những nhân vật bốn diễn viên cùng đóng mới xuể để chia kíp biểu diễn”, chị nhớ lại. NGUYÊN KHÁNH |
Theo Tienphong.vn
Liên kết website
Ý kiến ()