Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 23:46 (GMT +7)
NSND Lê Khanh: Làm nghệ thuật không được ảo giác về vinh quang
Chủ nhật, 12/03/2023 | 17:00:54 [GMT +7] A A
NSND Lê Khanh được mệnh danh là bà hoàng của sân khấu kịch một thời. Chị đảm nhận những vai kinh điển như Đan Thiềm (vở Vũ Như Tô), Lý Chiêu Hoàng (vở Rừng trúc)... Rời sân khấu, Lê Khanh trở thành nhan sắc trụ cột của loạt phim điện ảnh “Gái già lắm chiêu”. Suốt sự nghiệp của mình, NSND Lê Khanh biến hóa, tỏa sáng với nhiều dạng vai. Chị có cuộc trò chuyện với phóng viên Lao Động.
Sau khi về hưu, không còn giữ chức Phó Giám đốc Nghệ thuật ở Nhà hát Tuổi trẻ, chị bất ngờ tham gia điện ảnh trong “vũ trụ mỹ nhân” của loạt phim “Gái già lắm chiêu”. Nhiều khán giả vẫn khen, Lê Khanh đóng phản diện cũng đẹp. Việc đẹp trong mọi vai diễn là lợi thế, hay là một áp lực vô hình, với chị?
- Ngoài đời, tôi không đẹp. Tôi đẹp là nhờ nhân vật của mình. Tôi vẫn dạy sinh viên của mình, nhập thân để tạo nên sức sống, cảm xúc, vóc dáng riêng cho nhân vật, rất khó. Phải khai thác nhân vật đến tận cùng. Và thấy được, nhân vật nào cũng có vẻ đẹp riêng.
Tôi không bao giờ diễn dạng nhân vật một chiều, nghĩa là rất tốt, hoặc rất xấu. “Nhân tri sơ tính bản thiện”, con người khi sinh ra vốn lương thiện. Trên hành trình trưởng thành, khi đối diện với biến cố, sóng gió, khi bị xô đẩy vào những môi trường phức tạp, con người mới biến chất.
Tôi khai thác nhân vật theo hướng như thế, ai cũng có mặt tốt, mặt xấu. Ngay cả ở nhân vật phản diện, cũng có nét đáng thương. Phải tìm cho ra gốc rễ, lý do, vì sao họ ác. Họ đã giằng xé khi biến chất ra sao, họ đã đơn độc, bị ruồng bỏ, hoặc gặp tổn thương như thế nào trước khi hành động như thế.
Tôi từng đóng vai Thúy trong vở “Bến bờ xa lắc”. Một vở kịch rất nổi tiếng. Lẽ ra, Thúy sẽ bị phản ứng, vì cô ấy ngoại tình. Cô ấy là người mẹ, người vợ đã đứng trước mặt chồng, thẳng thắn nói, “Em yêu người khác”, rồi bước ra khỏi nhà.
Phải rất yêu và hiểu nhân vật, mới diễn cho ra chất bi kịch của Thúy, để thấy được sự đáng thương của người đàn bà ngoại tình ấy. Thúy hy sinh tất thảy cho gia đình, nhưng cô ấy mù quáng, hy sinh đến mức không còn được tôn trọng, đến mức đánh mất cả bản thân mình.
Thúy cũng giống như Nora trong vở “Nhà búp bê”, những người phụ nữ đã quyết định bước ra khỏi cuộc hôn nhân bi kịch, để được sống là chính mình.
Là diễn viên, phải khai thác được sự đa chiều của nhân vật, thấy được vẻ lấp lánh phía sau cuộc đời mỗi nhân vật.
Nhìn nhận nhân vật cũng như nhìn cuộc sống, không phán xét, mà phải thấu hiểu. Nếu không, diễn xuất sẽ hời hợt, nhạt nhòa.
Vai Lý Lệ Hà ở “Gái già lắm chiêu” có lẽ cũng là một bước ngoặt lớn của chị về mặt hình ảnh trên phim? Trước đó, chị gắn với những vai diễn có tính cách hiền lành, những số phận phụ nữ chìm nổi thời hậu chiến...
- Tôi thích hóa thân vào nhiều dạng nhân vật khác nhau để được sống trong nhiều cuộc đời. Gần nhất, tôi đóng một vai phụ trong phim “Cô gái đến từ quá khứ”. Đó là vai một bà quản gia già tật nguyền. Vai diễn rất xấu, tôi để mặt mộc, không phải hóa trang nhiều.
Nói vui, đó là vai “phụ của phụ”, nhưng tôi vẫn rất tự hào, rất đầu tư để tạo cho vai diễn dấu ấn riêng. Tôi dành thời gian nghiên cứu tạo hình cho nhân vật, để mình được hòa vào số phận, cảm xúc, tâm lý nhân vật.
Tôi rất sung sướng khi được đóng vai xấu, khi ấy, tôi không còn cần phải giữ cử chỉ, giữ dáng, giữ điệu bộ cho chuẩn chỉnh. Không cần phải chau chuốt hình ảnh. Thích đứng dáng nào, thích ngồi dáng nào sẽ thực hiện luôn (cười).
Với tôi, điều quan trọng nhất, là tìm cho ra vẻ đẹp tiềm ẩn trong mỗi nhân vật và chuyển được vẻ đẹp ấy lên màn ảnh, giúp cho vẻ đẹp ấy chạm đến trái tim khán giả.
Nên, tôi không sợ để mặt mộc, không sợ già. Chỉ sợ hết duyên với nghệ thuật.
Ở ngoài đời, tôi cũng không hề đẹp. Tôi đẹp là nhờ nhân vật. Không có các nhân vật của mình, tôi chỉ là một Lê Khanh nhạt nhòa.
Là phụ nữ, tôi cũng không sợ xấu, chỉ sợ bị vô duyên.
Chồng chị - đạo diễn Phạm Việt Thanh từng nói, anh ấy gục ngã trước chị vì chị quá đẹp... Trong buổi trò chuyện này, chị lại luôn nói mình không đẹp. Chị khiêm tốn hay vì đã đến lúc cần đối diện với “sức ép” của thời gian?
- Tôi không chịu sức ép nào từ thời gian, cũng không nghĩ nhiều đến thế. Ở tuổi nào tôi cũng tìm được vai diễn cho mình. Thời gian trôi qua, tôi vẫn làm việc bền bỉ, chọn vai phù hợp, vẫn tìm thấy sự sáng tạo, bứt phá khỏi giới hạn an toàn trong nghệ thuật.
Chồng tôi khi gặp tôi, anh là quay phim cho tác phẩm “Dòng sông hoa trắng” có tôi tham gia diễn xuất. Cách nhìn của anh dành cho tôi, là cách nhìn của một quay phim với diễn viên.
Chắc chắn, tôi đã được hưởng vẻ đẹp từ nhân vật mà tôi tham gia diễn xuất.
Vậy, chị có phải chịu “sức ép” của việc phải đi qua thời đỉnh cao?
- Không, vì tôi luôn làm rất nhiều công việc khác nhau. Tôi là diễn viên, đạo diễn sân khấu, tham gia công tác giảng dạy. Ở giai đoạn nào trong cuộc sống, tôi cũng tìm thấy giá trị trong từng công việc mình làm.
Chí Trung từng kể, những năm 1980, sân khấu rất nghèo, thu nhập thấp. Gia đình nào có 2 vợ chồng đều làm nghệ sĩ, sẽ càng nghèo. Tối đến sân khấu đóng ông hoàng bà chúa lộng lẫy, ngày ra lại đi buôn. Anh chị đã vượt qua những năm tháng ấy như thế nào?
- Chúng tôi như những gia đình nghệ sĩ khác, cũng phải chạy vạy, làm đủ nghề để mưu sinh và nuôi con.
Nhưng tôi và chồng tôi xác định quan điểm với nhau rất rõ ràng ngay từ đầu. Khi đồng ý đến với anh, tôi không đòi hỏi tiền bạc, giàu có. Chúng tôi làm nghệ thuật, kiếm được bao nhiêu tiêu bấy nhiêu, không gây sức ép cho nhau. Điều tôi cần nhất, chỉ là được đi theo lý tưởng nghệ thuật của mình.
Thị trường bây giờ đã rất khác. Diễn viên chỉ cần nổi tiếng nhờ một vai, cũng đủ đổi đời. Họ đắt show sự kiện, quảng cáo, và kiếm bộn tiền. Theo chị, có phải vì thế, giới trẻ theo học về diễn xuất để trở thành diễn viên, ôm mộng nổi tiếng, ngày càng nhiều?
- Tôi theo công việc giảng dạy đã lâu. Trước đây, tôi giảng dạy ở Đại học Sân khấu Điện ảnh. Hiện, tôi có mở thêm lớp dạy kỹ năng diễn xuất, cho cả các bạn muốn theo chuyên nghiệp, và cả những ai ngoài nghề nhưng có nhu cầu, muốn khám phá khả năng diễn xuất của bản thân.
Bài học đầu tiên tôi dạy những sinh viên của mình luôn là: không ảo tưởng, không ảo giác về vinh quang. Bài học đầu tiên chính là về những chông gai, khó khăn, thậm chí ê chề, phía sau màn ảnh, phía sau sân khấu.
Phải nhìn khó khăn trước, nếu vẫn đủ dũng khí làm nghề, thì ước mơ - khát vọng mới bền vững.
Không phải ai làm diễn viên cũng nhanh chóng trở nên nổi tiếng. Chặng đường theo nghệ thuật cần đến sự kiên trì, nhẫn nại rất lớn, không ít người đã nản chí, bỏ cuộc sớm.
Đằng sau hào quang, là những ngày dậy từ 3h sáng trang điểm (make up), 6h sáng đi quay. Là những phân cảnh phải làm đi làm lại rất nhiều lần, quay đến 5 - 7 lần để đúng ý đạo diễn. Làm thế nào để khi thực hiện một hành động, cử chỉ làm đi làm lại, có khi đến 10 lần vẫn phải giữ được cảm xúc, vẫn phải sáng tạo như mới?
Phải yêu nghề lắm, phải nhiệt huyết lắm, mới giữ được lửa nghề, để không chai sạn, không biến mình thành thợ diễn.
Làm nghệ thuật còn rất nghèo. Phải theo đuổi trên hành trình rất dài và gian nan.
Đã có sinh viên nào của chị sau khi học xong khóa diễn xuất của cô giáo Lê Khanh, quyết định bỏ nghề diễn vì vất vả, vì nghèo?
- Có! Đó cũng là một câu chuyện buồn, nhưng thực tế. Một sinh viên sau khi đã học xong tất cả mọi môn học, kỹ năng diễn xuất, đã quyết định đi làm... kinh tế. Mẹ cô ấy dắt con đến gặp tôi và nói: “Xin lỗi mẹ Khanh, làm nghệ thuật vất vả quá, con xin được tạm dừng công việc diễn xuất để đi làm kinh tế trước. Khi nào có kinh tế vững chắc rồi, con sẽ quay trở lại với nghệ thuật”.
Sinh viên của tôi thường xưng con và gọi tôi là mẹ Khanh. Nghe câu chuyện của cô ấy, cũng thật xót xa, nhưng biết làm sao được.
Để có được phút giây tỏa sáng là cả hành trình dài khổ luyện, kiên trì, nhẫn nại và học hỏi không ngừng của người nghệ sĩ. Có nhiều lĩnh vực nghệ thuật còn khắc nghiệt hơn cả nghề diễn, ví như: Múa ba lê, những nghệ sĩ theo dòng nhạc Opera thính phòng... Họ đều phải luyện tập từ nhỏ, vô cùng vất vả, trong thời gian rất dài cho đến khi bước ra sân khấu.
Thế nên, làm nghệ thuật nhất định không được ảo giác về vinh quang.
Theo Lao động
Liên kết website
Ý kiến ()