Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 24/12/2024 23:58 (GMT +7)
Nữ giám đốc Hợp tác xã với mô hình "sống xanh"
Thứ 2, 05/02/2024 | 14:54:31 [GMT +7] A A
Để góp phần bảo vệ môi trường, đồng thời tạo thêm việc làm cho phụ nữ địa phương, năm 2019, chị Trần Thị Hương (phường Hà Khẩu, TP Hạ Long) đã thành lập HTX Sản xuất sản phẩm tái chế và dịch vụ tổng hợp Green Life Hạ Long. Sau gần 4 năm hoạt động, HTX do chị Hương làm Giám đốc đã được nhiều khách du lịch quốc tế biết đến khi tới Hạ Long. Mô hình của chị Hương cũng tạo sức lan tỏa rộng rãi về lối sống xanh đến nhiều phụ nữ trong tỉnh.
Từ mô hình “Biến rác thành tiền” mà Hội LHPN TP Hạ Long triển khai đến tất cả các chi hội phụ nữ trong tỉnh, chị Hương đã quyết định thành lập HTX Sản xuất sản phẩm tái chế và dịch vụ tổng hợp Green Life Hạ Long. Những phế liệu bỏ đi như pano, áp phích, vải thừa, lốp xe cũ... được chị Hương cùng các nhân viên trong HTX sáng tạo, làm ra nhiều sản phẩm hữu ích, thân thiện với môi trường. Sau 4 năm thành lập, đến nay số tiền chị Hương bỏ ra để phát triển HTX đã lên tới 500 triệu đồng.
Trong căn phòng rộng gần 100m2, bên trái là khu vực cắt may, khâu vá của 5-6 nhân viên, ở giữa là khu vực cho khách du lịch uống trà, phía bên phải được trang trí đẹp để có thể chụp ảnh, check-in, trên tường treo rất nhiều đồ tái chế do chị em HTX làm. Các sản phẩm ở đây đa dạng về mẫu mã, chủng loại, như túi xách đi chợ, túi vải đeo đi chơi, ba lô cho học sinh, túi đựng tài liệu, túi đựng máy tính xách tay, dây buộc tóc...
Chị Hương cho biết: Mỗi ngày HTX làm được 30-50 túi đi chợ, 7-10 túi xách. Túi đi chợ chúng tôi tặng cho khách, cho chị em phụ nữ ở các địa phương trong tỉnh, hoặc hằng tháng đổi cho người dân lấy vật liệu tái chế. Để trả lương cho các chị em tham gia HTX, tôi lấy từ nguồn thu khách du lịch tham quan. Mỗi khách tham quan chúng tôi thu phí 100.000 đồng. Mỗi ngày HTX có khoảng 20 người đến tham quan, chủ yếu là khách nước ngoài. Họ rất hứng thú với các sản phẩm tái chế của chúng tôi.
HTX của chị Hương tạo công việc cho hơn chục phụ nữ trên địa bàn tỉnh, trong đó có 9 thành viên chính. Để tạo ra các sản phẩm hữu ích như trên, mỗi tháng chị Hương cùng các chị em trong HTX thu gom khoảng 1 tấn pano, 5 tạ vải thừa. Khi thì đến các cửa hàng quảng cáo, lúc thì tới các hiệu may, cửa hàng làm rèm. Bà Nguyễn Thị Mai (61 tuổi), nhà ở TP Uông Bí, thành viên HTX Sản xuất sản phẩm tái chế và dịch vụ tổng hợp Green Life Hạ Long, chia sẻ: Tôi tham gia vào HTX từ năm 2019. Để làm ra sản phẩm tái chế đòi hỏi sự tỉ mỉ, sáng tạo. Công việc này giúp tôi vừa có thêm thu nhập trang trải cuộc sống, vừa bảo vệ môi trường, tôi cũng thấy cuộc sống ý nghĩa hơn.
"HTX phát triển như hôm nay phải kể đến sự hỗ trợ rất lớn của Hội LHPN tỉnh, Hội LHPN TP Hạ Long. Hội đã tiếp thêm động lực, hướng dẫn tôi từ những phần việc nhỏ nhất, để tôi có thể phát triển mô hình theo hướng bền vững" - Chị Hương cho biết thêm.
Hiện chị Hương đang xây dựng thêm các phòng trưng bày, để khách du lịch khi tới có thêm nhiều trải nghiệm thú vị. Bên cạnh đó, mở rộng các đối tượng, hướng đến học sinh, trẻ mầm non, kết nối với các trường học đưa học sinh đến tham quan, trải nghiệm, từ đó lan tỏa lối sống xanh đến với thế hệ trẻ.
Từ những phế liệu bỏ đi, chị Trần Thị Hương cùng các chị em trong HTX với đôi bàn tay khéo léo đã “hồi sinh” thành những vật dụng giá trị. Lối sống xanh đang ngày càng lan tỏa, chắc chắn, mô hình của chị Hương sẽ truyền cảm hứng để mỗi người dân có thêm ý thức bảo vệ môi trường, làm những việc có ích cho cuộc sống.
Lan Anh
Liên kết website
Ý kiến ()