Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 09:07 (GMT +7)
Để phụ nữ vùng cao tiếp cận các chính sách dân số
Thứ 6, 02/02/2024 | 07:31:22 [GMT +7] A A
Tập trung giải quyết các vấn đề về bình đẳng giới, nâng cao chất lượng chăm sóc SKSS cho phụ nữ vùng cao là một trong những giải pháp trao cơ hội cho phụ nữ DTTS có cơ hội tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe một cách toàn diện, từ đó giúp nâng cao chất lượng dân số.
Tiên Yên là huyện miền núi có tỷ lệ đồng bào DTTS chiếm khá cao. Để từng bước nâng cao chất lượng dân số cho phụ nữ DTTS, huyện đã quan tâm, chú trọng đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền liên quan đến các nội dung, như: Mất cân bằng giới tính khi sinh, chăm sóc SKSS cho phụ nữ và trẻ em, thực hiện các biện pháp tránh thai an toàn, hiện đại...
Các mô hình, đề án dân số cũng đã bước đầu nâng cao nhận thức cho bà con về KHHGĐ, mỗi gia đình chỉ nên có từ 1-2 con để nuôi dạy con cái khỏe mạnh, tránh tình trạng bạo lực gia đình, trẻ em bỏ học, hay mất cân bằng giới tính khi sinh...
Trung tâm Y tế huyện đã có những hoạt động can thiệp, giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh triển khai tại 11/11 xã, thị trấn bằng nhiều hình thức thiết thực và hiệu quả, như tổ chức hội nghị, nói chuyện chuyên đề, sinh hoạt CLB, tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh, tổ chức các buổi nói chuyện chuyên đề về nội dung mất cân bằng giới tính khi sinh thông qua hoạt động ngoại khóa tại trường THPT...
Đặc biệt nhờ vai trò của cán bộ dân số, cộng tác viên dân số ở cơ sở mà nhận thức của người dân ngày một được nâng lên rõ rệt, nhất là trong việc sinh đẻ có kế hoạch và lựa chọn giới tính thai nhi.
Chị Phạm Thị Hòa, cán bộ dân số Trạm Y tế xã Đồng Rui, cho biết: Chúng tôi thường xuyên phối hợp với cộng tác viên dân số trên địa bàn các thôn, rà soát các đối tượng có nguy cơ cao để có phương án tuyên truyền, hỗ trợ kịp thời. Nhờ đó, trên địa bàn xã chưa ghi nhận trường hợp nào lựa chọn giới tính thai nhi...
Thời gian qua, tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách riêng, đặc thù thúc đẩy bình đẳng giới và sự tiến bộ của phụ nữ, tăng cường bảo vệ, chăm sóc phụ nữ, trẻ em ở vùng DTTS. Công tác truyền thông nâng cao nhận thức được tăng cường, mở rộng địa bàn; tăng số lượng người tham gia và được đổi mới hiệu quả để phù hợp với từng khu vực, từng địa phương. Các ngành chức năng, địa phương cũng tích cực tuyên truyền thực hiện pháp luật về bình đẳng giới lồng ghép với thực hiện Luật Phòng chống bạo lực gia đình, Luật Trẻ em, Luật Phòng chống mua bán người, huy động sự tham gia tích cực của nam giới và giới trẻ.
Các cấp, các ngành, các địa phương trong tỉnh đã có nhiều giải pháp thiết thực để vận động phụ nữ sinh con đúng chính sách, đồng thời hạn chế tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống. Điển hình như thực hiện Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào DTTS giai đoạn 2021-2025”, hàng năm, Ban Dân tộc tỉnh đều tổ chức rất nhiều hội nghị tập huấn kỹ năng và tuyên truyền cho bí thư, trưởng Ban công tác Mặt trận, trưởng các thôn, bản, chi hội trưởng các đoàn thể chính trị xã hội cấp thôn, bản, trưởng tộc, trưởng dòng họ, người có uy tín, học sinh tuổi từ 15 đến 18 và đại diện một số hộ dân.
11/13 địa phương trong đó có 79 xã DTTS, miền núi triển khai đề án này đều duy trì sinh hoạt 79 CLB phòng ngừa tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống; tổ chức các buổi giao lưu, tọa đàm tìm hiểu pháp luật về hôn nhân gia đình, về tảo hôn, hôn nhân cận huyết...
Cùng với đó, các cấp hội phụ nữ cũng là đơn vị chủ động nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của chị em ở từng địa bàn, nhằm xây dựng nhiều mô hình hỗ trợ cho phụ nữ và trẻ em; xây dựng gia đình hạnh phúc, chăm sóc sức khỏe như: Tổ chức các lớp tập huấn về chăm sóc SKSS, sức khỏe tình dục cho phụ nữ DTTS; tích cực thực hiện dự án AC Thụy Điển về “Tăng cường các quyền chăm sóc sức khỏe sinh sản cho trẻ em tuổi vị thành niên và phụ nữ DTTS tại tỉnh Quảng Ninh”; triển khai dự án 8 “thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em”...
Vân Anh
Liên kết website
Ý kiến ()