Trần Thị Chi được tỉnh Bình Thuận mời gọi về làm việc, nhận học bổng thạc sĩ toàn phần tại Italy, sau khi trở thành quán quân cuộc thi đồ án tốt nghiệp của sinh viên kiến trúc thế giới.
Chi, 23 tuổi, cựu sinh viên ngành Kiến trúc, trường Đại học Văn Lang, giành ngôi quán quân International Graduation Project Award (IGPA - giải thưởng đồ án tốt nghiệp quốc tế), hồi cuối tháng 12/2023, với tác phẩm "Bảo tàng văn hóa biển miền Trung, Bình Thuận".
Biết tin, Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh này - ông Phan Dương Cường, đã gửi thư khen. Trong thư, ông Cường đánh giá đồ án của Chi có nhiều ý tưởng được luận giải một cách mới mẻ, độc đáo, sáng tạo và có tính khả thi.
"Đồ án gắn liền vởi tuổi thơ, kỷ niệm, đời sống, ước mơ của một người con đầy hoài bão với quê hương, nên có sự nghiên cứu thấu đáo về thực trạng, bối cảnh cuộc sống của người dân vùng biển, giải quyết được các thách thức về đô thị hóa và phát triển công nghiệp xâm lấn, khiến di sản văn hóa có nguy cơ bị mai một", trích thư của ông Cường.
Ông cho hay Sở sẽ hỗ trợ, cung cấp tư liệu, thông tin để đồ án của Chi sớm được ứng dụng vào cuộc sống, đồng thời sẵn sàng tiếp nhận Chi sau khi tốt nghiệp.
IGPA là một trong 8 cuộc thi thuộc khuôn khổ Tamayouz Excellence Award, giải thưởng dành cho sinh viên Kiến trúc, Thiết kế đô thị, Quy hoạch đô thị, Công nghệ kiến trúc và Thiết kế cảnh quan trên toàn thế giới. Năm 2023, giải này thu hút 422 đồ án tốt nghiệp của sinh viên 141 trường đại học, ở 36 quốc gia.
Với danh hiệu quán quân, Trần Thị Chi được trao học bổng thạc sĩ toàn phần trong hai năm tại Polytechnic Milan - đại học kỹ thuật lớn nhất Italy.
"Em rất vui và tự hào với thành quả này. Các cơ hội đều quá lớn, vượt sự tưởng tượng của em", Chi chia sẻ.
Sinh ra và lớn lên ở vùng đất ven biển Lagi, Bình Thuận, nắng, gió và biển đã gắn liền với tuổi thơ của Chi. Khi bắt tay làm đồ án tốt nghiệp, nữ sinh nghĩ ngay đến quê nhà. Ý tưởng về "Bảo tàng văn hóa biển miền Trung, Bình Thuận" được nảy nở hồi tháng 9/2022.
Theo Chi, cả nước chưa có bảo tàng văn hóa biển nào. Đây có thể là nơi lưu giữ, trưng bày những vật thể gắn liền với truyền thống, lịch sử, văn hóa biển đảo, đồng thời tổ chức các sự kiện, hoạt động văn hóa tín ngưỡng. Bảo tàng còn có thể là sản phẩm du lịch, thu hút du khách tham quan.
Trong ý tưởng của Chi, bảo tàng có ba không gian chính: nơi lưu giữ và trưng bày các vật phẩm có giá trị; khán phòng trải nghiệm và biểu diễn; không gian ngoài trời.
Không gian nơi trưng bày được tạo hình dựa trên liên tưởng về đường cong mềm của con sóng, ụ cát... Chi thiết kế mái cong và dốc, tạo sự đồ sộ của khối mái.
Không gian trải nghiệm và biểu diễn được lấy ý tưởng từ khung phơi lưới đánh bắt cá của người dân ven biển. Chi chọn phương án mái yên ngựa, cách điệu hình ảnh phơi lưới để bao trùm các hoạt động trải nghiệm bên dưới, tạo sự gần gũi. Trong khu vực này đặc biệt nhất là khán phòng biểu diễn, tạo hình theo phương pháp đóng thuyền gỗ trên khung của ngư dân. Người vùng biển không dùng liên kết ghép mộng thường thấy trong công trình nhà gỗ dân gian, chỉ đóng khung đỡ thuyền theo cấu tạo gác thanh.
Với không gian ngoài trời, theo Chi có thể tổ chức các nghi lễ như lễ rước Ông từ dọc bãi biển về dinh Ông, lễ hội đua thuyền. Chính vì thế, phần mái được thiết kế lớn, tạo bóng râm.
Nữ sinh cho biết thử thách lớn nhất là chọn vấn đề giải quyết trong đồ án. Bởi thực tế có nhiều câu chuyện khác nhau, chọn khía cạnh nào để giải quyết rất quan trọng, chi phối hướng đi và phương pháp làm việc. Giai đoạn này, Chi đã in, cắt dán hình ảnh về nghề đi biển, ngư dân, làng chài khắp các bức tường trong phòng. Các hình ảnh này đã "sống" với cô suốt 8 tháng thực hiện đồ án.
Tháng 5/2023, Chi hoàn thành thiết kế và dự thi Loa Thành 2023 - cuộc thi dành cho đồ án tốt nghiệp xuất sắc của sinh viên ngành Xây dựng và Kiến trúc cả nước. Đồ án của cô được ban giám khảo đánh giá cao và trao giải nhì. Tò mò, muốn biết đồ án của mình được đánh giá như thế nào khi so sánh với sinh viên Kiến trúc trên thế giới, nữ sinh tiếp tục tham gia IGPA.
Lọt vào top 100, 50 đến 20, 10, rồi top 3 chung cuộc, cảm giác hồi hộp, phấn khích đi theo Chi mỗi lần ban tổ chức thông báo kết quả. Với Chi, thành quả từ đồ án tốt nghiệp là minh chứng cho châm ngôn mà cô theo đuổi bấy lâu nay: "Sáng tạo với tâm hồn của một đứa trẻ sẽ đưa bạn đi rất xa, đến bất kể nơi nào bạn muốn".
Thạc sĩ, kiến trúc sư Nguyễn Bảo Tuấn, khoa Kiến trúc, trường Đại học Văn Lang, đánh giá đồ án tốt nghiệp đã thể hiện những nỗ lực, cố gắng trong học tập, nghiên cứu của Chi.
"Thiết kế có sự kết nối hài hòa giữa kiến trúc đương đại và văn hóa, truyền thống của cộng đồng địa phương vùng biển Lagi, Bình Thuận", ông Tuấn nói.
Tốt nghiệp cử nhân ngành Kiến trúc hồi cuối năm 2023, Chi đang làm việc tại một công ty để học hỏi kinh nghiệm thực tế. Cô tạm gác lại cơ hội trở về Bình Thuận, lựa chọn tới Đại học Polytechnic Milan vào mùa thu tới.
"Em sẽ tiếp tục nâng cao kiến thức để thiết kế tốt hơn. Hy vọng một ngày nào đó em có thể biến đồ án tốt nghiệp thành một công trình đẹp ngoài đời thực", Chi chia sẻ.
Ý kiến ()