Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 19:46 (GMT +7)
Vinh danh những nghệ sĩ Quảng Ninh
Thứ 2, 12/02/2024 | 07:25:01 [GMT +7] A A
Quảng Ninh - miền đất sản sinh ra nhiều nghệ sĩ tài năng. Trong đợt Nhà nước xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân, Nghệ sĩ Ưu tú lần thứ 10 năm 2023 vừa qua, Quảng Ninh có 5 nghệ sĩ được vinh danh, trong đó 2 nghệ sĩ được phong tặng Nghệ sĩ Nhân dân là nghệ sĩ Nguyễn Thanh Chắc, nguyên Phó Trưởng đoàn Nghệ thuật chèo Quảng Ninh và nghệ sĩ Từ Diệu Hương, nguyên Giám đốc Đoàn Nghệ thuật Quảng Ninh. 3 nghệ sĩ được phong tặng Nghệ sĩ Ưu tú đợt này là các nghệ sĩ Thanh Hường, Ngọc Long và Hương Sen - diễn viên Đoàn Nghệ thuật Quảng Ninh. Họ là những nghệ sĩ tài năng của sân khấu truyền thống với đam mê cống hiến không ngừng nghỉ để giữ lửa nghề và truyền nghề.
Nghệ sĩ Nhân dân Thanh Chắc
Những người yêu chèo Quảng Ninh hẳn đã rất quen thuộc với nghệ sĩ Thanh Chắc (tên thật là Nguyễn Thị Chắc), người sở hữu một giọng chèo ngọt ngào, say đắm, vang danh đất mỏ.
Vào Đoàn Nghệ thuật Chèo Quảng Ninh từ năm 1975, nghệ sĩ Thanh Chắc hóa thân trong nhiều vai diễn ấn tượng như vai mẹ Cám trong vở chèo "Tấm Cám", mụ Tài Sinh trong vở "Tiếng hát người Dao", chị Cả Khương trong vở "Ngôi sao Hạ Long"... phục vụ khắp các địa phương trong tỉnh cũng như các tỉnh phía Bắc, được khán giả ghi nhận.
Năm 1979, khi cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc nổ ra, nghệ sĩ Thanh Chắc cùng các nghệ sĩ của đoàn như Thanh Mai, Trọng Bình, Minh Huệ, Việt Thành, Kim Phượng... đã có mặt ở các điểm nóng biên giới Quảng Ninh, biểu diễn động viên tinh thần cán bộ, chiến sĩ. Có những chuyến đi ròng rã 1-2 tháng trời, người nghệ sĩ khi ấy cũng là chiến sĩ.
Trong sự nghiệp sân khấu của mình, nghệ sĩ Thanh Chắc đã giành được 3 Huy chương Vàng, 4 Huy chương Bạc tại các Hội diễn nghệ thuật chèo của khu vực và toàn quốc, cùng các danh hiệu Nghệ sĩ Vùng mỏ (năm 1986), Nghệ sĩ Ưu tú (năm 2001), Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ năm 2011, trước khi được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân năm 2023.
Mỗi khi nhận vai diễn mới, nghệ sĩ Thanh Chắc lại cần mẫn tìm tòi, tập luyện, sáng tạo những nét diễn riêng. Xem Thanh Chắc biểu diễn, khán giả không chỉ bị thuyết phục bởi giọng hát chèo ngọt ngào mà còn bởi khả năng nhập vai tài tình, diễn xuất tinh tế kết hợp các động tác tay múa mềm dẻo, linh hoạt của nghệ sĩ.
Dù đã nghỉ hưu hơn 10 năm nhưng hiện nay NSND Thanh Chắc vẫn miệt mài đóng góp cho công tác truyền dạy hát chèo tại các địa phương của tỉnh hay các lớp truyền dạy hát giao duyên, tham gia nhiều hoạt động văn hóa nghệ thuật của tỉnh, truyền lửa nhiệt huyết, tình yêu và ước mơ gắn bó với nghệ thuật truyền thống cho các bạn trẻ.
Nghệ sĩ Nhân dân Từ Diệu Hương
Không sinh ra trong gia đình có truyền thống nghệ thuật nhưng được bố mẹ tạo mọi điều kiện để theo đuổi đam mê, 17 tuổi, nghệ sĩ Từ Diệu Hương đã trở thành diễn viên của Đoàn Kịch Quảng Ninh và gắn bó với sân khấu Quảng Ninh từ năm 1986 đến nay.
Chị có lối diễn xuất đa dạng ở các tuyến nhân vật từ chính kịch, bi kịch đến hài kịch. Một số vở kịch chị tham gia đã tạo được dấu ấn trong lòng khán giả, trong đó phải kể đến vai nàng Dân trong vở “Oan con lắm bố ơi” - Huy chương Vàng Hội diễn sân khấu kịch miền Duyên Hải năm 1994, vai “Huyền nhẻm” trong vở “Người không thể chết” - Huy chương Vàng Hội diễn sân khấu kịch toàn quốc năm 1995, vai “Huyền” trong vở “Biển không yên tĩnh” - Huy chương Vàng Hội diễn sân khấu miền Duyên Hải năm 1996. Năm 2004, tại Liên hoan Sân khấu kịch nói chuyên nghiệp toàn quốc, Từ Diệu Hương đoạt Huy chương Vàng với vai “Duyên” trong vở “Người đàn bà uống rượu”.
Bên cạnh đó, nghệ sĩ Từ Diệu Hương cũng tham gia trong vai trò chỉ đạo nghệ thuật các vở "Lính trận", "Kiếp tằm", "Danh tướng sáng trời Nam"... đều dành được thành tích cao tại các kỳ liên hoan sân khấu toàn quốc. Tài năng của nghệ sĩ Từ Diệu Hương đã được khẳng định bằng những danh hiệu cao quý. Năm 1996, nghệ sĩ Từ Diệu Hương được UBND tỉnh Quảng Ninh phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Vùng mỏ, năm 2007 là Nhà nước phong danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú và đến năm 2023 là danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân.
Trong giai đoạn 3 đoàn nghệ thuật Chèo, Kịch nói, Cải lương của Quảng Ninh sáp nhập thành Đoàn Nghệ thuật Quảng Ninh, với vai trò là người lãnh đạo của đoàn, nghệ sĩ Từ Diệu Hương đã “chèo lái” các thành viên trong đoàn vượt qua giai đoạn khó khăn ban đầu để dần quen với cách thức vận hành của đoàn nghệ thuật trong cơ chế tự chủ thay vì bao cấp như trước, vừa giữ lửa nghề vừa chuyển hướng dàn dựng thêm những chương trình biểu diễn ca kịch dân tộc để phục vụ du lịch, đảm bảo đời sống cho các nghệ sĩ. Một số vở sử thi phục vụ các sự kiện quan trọng của tỉnh và các địa phương đã được nghệ sĩ Từ Diệu Hương cùng các diễn viên của Đoàn thực hiện thành công như “Ngàn hoa dâng Đảng”, “Bạch Đằng Giang - Bản hùng ca trên sóng”, “Ba Chẽ - một con đường hướng tới kỷ nguyên mới”.
Trải qua gần 40 năm cống hiến hết mình với nghề, đến nay, niềm mong mỏi lớn nhất của nghệ sĩ Từ Diệu Hương vẫn là được tiếp tục truyền ngọn lửa yêu nghề đến lớp nghệ sĩ trẻ. Vì vậy, khi đã nghỉ hưu tại Đoàn nghệ thuật Quảng Ninh, nghệ sĩ Từ Diệu Hương lại dồn tâm sức xây dựng Trung tâm biểu diễn nghệ thuật Thuần Việt do mình thành lập để tiếp tục dìu dắt lớp trẻ và tạo sân khấu để các nghệ sĩ được sống với nghề.
Nghệ sĩ Ưu tú Dương Thanh Hường
Là một nghệ sĩ cải lương gạo cội của Quảng Ninh, nghệ sĩ Thanh Hường công tác tại Đoàn Cải lương Quảng Ninh từ năm 1968. Thời kỳ đó, chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ tại Vùng mỏ rất ác liệt, tiếp sau đó là cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc, vì vậy người nghệ sĩ cũng là chiến sĩ trên mặt trận văn hóa. Bà đã cùng các anh chị em nghệ sĩ của Quảng Ninh biểu diễn trên khắp các ngả đường từ biên giới đến hải đảo phục vụ bà con, mang tiếng hát át tiếng bom. Vì những thành tích trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, nghệ sĩ Thanh Hường đã được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Kháng chiến hạng Nhì.
Sở hữu giọng hát dày ấm, ngân vang và khả năng nhập vai, diễn xuất nhuần nhuyễn, nghệ sĩ Thanh Hường được giao trọng trách thủ vai chính trong nhiều vở cải lương nổi tiếng của Đoàn Cải lương Quảng Ninh như “Thái hậu Dương Vân Nga”, “Người ven đô”, “Dòng suối trắng”... Có những vai diễn tạo được dấu ấn trong lòng khán giả tới mức họ gọi bà bằng tên của nhân vật thay vì tên thật.
Đặc biệt với vai tài xế Cấu trong vở diễn “Bỉ vỏ” tham dự Hội diễn sân khấu cải lương toàn quốc năm 1990 tại Hải Phòng, nghệ sĩ Thanh Hường đã giành Huy chương Vàng cá nhân. Đây cũng là vở đầu tiên bà đóng vai đào lệch. Sau đó, bà tiếp tục giành Huy chương Bạc cá nhân với vở “Người sót lại của rừng cười” dự Hội diễn Sân khấu cải lương toàn quốc năm 1995 tại Huế. Bà cũng là một trong 10 nghệ sĩ được tặng danh hiệu Nghệ sĩ Vùng mỏ đợt đầu tiên năm 1986.
Hiện nay, nghệ sĩ Thanh Hường đã nghỉ hưu nhưng tình yêu dành cho cải lương với bà chưa bao giờ vơi cạn. Bà vẫn luôn tràn đầy nhiệt huyết khi chỉ dạy cho các lớp nghệ sĩ trẻ kế cận mỗi lần họ tìm đến bà để học hỏi cách hát, cách diễn cải lương sao cho “ngọt”. Và sự trân trọng của khán giả, của những người làm nghề chính là phần thưởng quý giá nhất mà nghệ sĩ Thanh Hường nhận được trong sự nghiệp cống hiến cho nghệ thuật sân khấu truyền thống của dân tộc.
Nghệ sĩ Ưu tú Phạm Ngọc Long
Nghệ sĩ Phạm Ngọc Long học lớp Sân khấu khóa I tại Trường Cao đẳng Văn hóa, Nghệ thuật và Du lịch Hạ Long (nay là Trường Đại học Hạ Long). Sau khi ra trường, anh về công tác tại Đoàn Nghệ thuật Chèo Quảng Ninh từ năm 1986, đến nay đã gần 40 năm. Quá trình theo nghiệp diễn, anh thường được chọn thể hiện những vai vua chúa, quan lại và nhiều lần đóng vai Nhân Huệ Vương Trần Khánh Dư trong các vở chèo của Đoàn nghệ thuật Quảng Ninh. Mỗi lần nhận kịch bản, nghệ sĩ Phạm Ngọc Long đều tìm hiểu kỹ về nhân vật và bối cảnh lịch sử trước khi vào vai để những chất liệu lịch sử ấy ngấm dần vào anh một cách tự nhiên nhất.
Năm 2016, tại Hội diễn Sân khấu chèo chuyên nghiệp toàn quốc diễn ra ở Ninh Bình, Đoàn chèo Quảng Ninh tham gia vở diễn "Tình người thợ mỏ” nói về cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của đồng chí Vũ Văn Hiếu, Bí thư Đặc khu ủy đầu tiên. Nghệ sĩ Phạm Ngọc Long được đạo diễn tin tưởng giao đảm nhiệm vai đồng chí Vũ Văn Hiếu trong vở chèo này và đã giành Huy chương Bạc cá nhân.
Nghệ sĩ Phạm Ngọc Long cũng hóa thân rất thành công vào vai diễn Nhân Huệ Vương Trần Khánh Dư trong vở chèo "Danh tướng sáng trời Nam" - vai diễn đã mang về cho anh Huy chương Vàng tại Liên hoan Chèo toàn quốc 2019 tại Bắc Giang. Đây là vở diễn tái hiện lại cuộc đời riêng của Nhân Huệ Vương Trần Khánh Dư, đặc biệt là mối tình ngang trái, trắc trở giữa ông và công chúa Quỳnh Trân - con gái vua Trần Thánh Tông. Qua đó làm nổi bật nhân cách của một vị tướng tài và những công lao của ông đối với người dân vùng biển đảo Vân Đồn. Bằng giọng chèo đặc trưng Bắc Bộ và lối diễn xuất toát lên thần thái của nhân vật, nghệ sĩ Phạm Ngọc Long đã hoàn thành vở diễn này với thành công ngoài mong đợi.
Ở tuổi 50, khi giọng hát và thanh sắc không còn ở thời kỳ đỉnh cao thì việc giành được Huy chương Vàng là động lực rất lớn và cũng chứng tỏ tài năng, sự nghiêm túc với nghề của nghệ sĩ Phạm Ngọc Long. Danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú mà nghệ sĩ Phạm Ngọc Long có được trong đợt vinh danh này chính là “trái ngọt” cho những nỗ lực không ngừng nghỉ và tình yêu nghề, yêu chèo của người nghệ sĩ.
Nghệ sĩ Ưu tú Hương Sen
Nghệ sĩ Hương Sen (tên thật Nguyễn Thị Sen) sinh năm 1985, là lớp diễn viên trẻ của Đoàn Cải lương Quảng Ninh (nay là Đoàn Nghệ thuật Quảng Ninh). Sinh ra từ đất chèo Thái Bình, nhưng lại thi vào chuyên ngành cải lương, năm 2008, sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội, Hương Sen được nhận về Đoàn Cải lương Quảng Ninh. Vừa về đoàn, chị đã được giao đảm nhiệm vai chính là nhân vật Lý Chiêu Hoàng trong vở cải lương “Phù Vân” do Đoàn Nghệ thuật Cải lương Quảng Ninh dàn dựng và đã tạo được ấn tượng mạnh mẽ.
Đặc biệt chị đã hóa thân đầy chân thực vào nhân vật Sao trong vở cải lương “Người đàn bà 13 bến nước” tham dự Liên hoan sân khấu cải lương toàn quốc năm 2012 tại tỉnh Đồng Nai. Những giằng xé của thân phận người phụ nữ cùng cuộc đời nhiều bi kịch của nhân vật đã được Hương Sen lột tả bằng khả năng nhập vai xuất sắc và giọng ca đầy day dứt, xúc động.
Với vai diễn này, Hương Sen xếp thứ 7 trong danh sách 34 diễn viên xuất sắc được trao tặng Huy chương vàng của Hội diễn. Và vào ngày truyền thống Sân khấu Việt Nam (12/8 âm lịch) năm 2013, chị đã được Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam trao giải Diễn viên sân khấu xuất sắc nhất bộ môn Cải lương.
5 năm sau, tại Hội diễn sân khấu cải lương toàn quốc năm 2018, Hương Sen một lần nữa ghi dấu ấn với vai diễn bà điên trong vở cải lương "Kiếp tằm" và tiếp tục xuất sắc giành Huy chương Vàng cá nhân. Năm 2022, chị có được Huy chương Vàng thứ 3 trong sự nghiệp của mình với vai Điểm Bích trong vở "Ngọc sáng Yên Tử". Hơn 15 năm làm nghề, được vào nhiều dạng vai với đa dạng nét tính cách chính là may mắn đối với nghệ sĩ Hương Sen. Và những thành tích ấn tượng mà chị đạt được cũng chính là ước mơ của bất cứ nghệ sĩ trẻ nào.
Kiếp tằm rút ruột nhả tơ, giống như người nghệ sĩ sân khấu truyền thống gian nan giữ nghề giữa bộn bề cuộc sống hôm nay. Họ vẫn đang thổi vào sân khấu truyền thống hơi thở của cuộc sống đương đại, làm sống lại những bộ môn nghệ thuật tinh hoa của dân tộc để nghệ thuật sân khấu còn mãi với thời gian.
Xuân Hòa
Liên kết website
Ý kiến ()