Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 16/11/2024 16:22 (GMT +7)
Nước sạch cho chương trình xây dựng nông thôn mới
Thứ 7, 05/08/2023 | 07:58:08 [GMT +7] A A
Trong quá trình xây dựng nông thôn mới (NTM), Quảng Ninh rất quan tâm đầu tư các công trình cấp nước tập trung, đáp ứng nhu cầu nước sinh hoạt cho người dân, tạo cơ sở hoàn thiện chỉ tiêu số hộ dân sử dụng nước sạch trong tiêu chí số 17 về môi trường và an toàn thực phẩm, giúp nhiều địa phương sớm hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên, việc quản lý, khai thác các công trình cấp nước tập trung cũng bộc lộ nhiều khó khăn, bất cập.
Trạm cấp nước tập trung xã Hồng Thái Đông - Hồng Thái Tây (TX Đông Triều) do Trung tâm nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn quản lý được đầu tư xây dựng từ năm 2016 bằng nguồn vốn vay Ngân hàng Thế giới WB. Trạm có công suất 2.300m3/ngày đêm; tổng chiều dài đường ống cấp nước 90km, đảm bảo cung cấp nước sạch cho 2 xã Hồng Thái Đông và Hồng Thái Tây. Sau gần 7 năm đi vào hoạt động, đã có khoảng 3.400 hộ dân, hơn 13.600 nhân khẩu thuộc 2 xã đăng ký đấu nối, ký hợp đồng sử dụng nước sạch, đạt 56% công suất thiết kế của trạm.
Anh Hoàng Văn Thuần (thôn 5, xã Hồng Thái Tây, TX Đông Triều) cho biết, trước đây, gia đình anh phải mua nước sạch để dùng nên rất tốn kém. Từ khi có nguồn nước sạch của Trạm, gia đình anh không chỉ tiết kiệm được tiền mà nguồn nước cấp rất ổn định, chất lượng hơn hẳn.
Tại khu vực miền Đông, nơi tập trung nhiều hộ nghèo, hộ dân tộc thiểu số của tỉnh, nhờ có các công trình cấp nước tập trung được đầu tư xây dựng, tỷ lệ hộ dân được tiếp cận nguồn nước sạch ngày càng tăng lên, chất lượng đời sống người dân ngày càng cải thiện, nhiều bệnh tật có liên quan đến nguồn nước đã được khắc phục triệt để.
Gia đình anh Choỏng Văn Lý (thôn 4, xã Đồng Rui, huyện Tiên Yên) sử dụng nguồn nước sạch từ công trình cấp nước tập trung xã Hải Lạng - Đồng Rui (Công ty TNHH MTV Thủy lợi Miền Đông quản lý) từ 3 năm nay. Trước đây, do nguồn nước không đảm bảo vệ sinh nên các con anh thường mắc bệnh ngoài da. Từ khi có nước sạch sử dụng, điều kiện sinh hoạt của gia đình được cải thiện, các con anh đều khỏe mạnh, phát triển toàn diện.
Theo thống kê của Sở NN&PTNT, toàn tỉnh hiện có 262 công trình và hệ thống công trình cấp nước khu vực nông thôn, tăng 52 công trình so với năm 2021. Trong số này có 171 công trình đang hoạt động hiệu quả, bền vững và tương đối bền vững, chiếm tỷ lệ 65%.
Đến thời điểm hiện tại, đã có 99,96% hộ gia đình được sử dụng nước hợp vệ sinh; tỷ lệ hộ gia đình sử dụng nước sạch đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đạt 86,37%. Trong đó, tỷ lệ hộ nghèo sử dụng nước hợp vệ sinh là 100%; tỷ lệ hộ nghèo sử dụng nước sạch đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia là 70,16%; tỷ lệ hộ dân tộc thiểu số sử dụng nước hợp vệ sinh là 100%; tỷ lệ hộ dân tộc thiểu số sử dụng nước sạch đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia là 67,17%.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác đầu tư, quản lý, khai thác các công trình nước sạch nông thôn hiện cũng còn nhiều khó khăn, bất cập. Tại Công ty TNHH MTV Thủy lợi Miền Đông, mặc dù nguồn vốn đầu tư các công trình nước tập trung rất lớn, nhưng đến nay, tỷ lệ hộ dân sử dụng nước rất thấp, có hộ chỉ sử dụng 2-3 m3/tháng để giữ công tơ, nên công suất hoạt động thực tế của các trạm cấp nước do công ty quản lý mới chỉ đạt bình quân 20% so với thiết kế. Mặt khác, đến thời điểm này, cơ chế chính sách về quản lý, sử dụng và khai thác công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung gần như không có; phương án giá nước sạch do công ty xây dựng chưa được UBND tỉnh phê duyệt.
Đối với Công ty TNHH Hồng Quảng Yên Hưng, sau hơn 10 năm đầu tư, đưa vào hoạt động công trình cấp nước sạch xã Tiền Phong, TX Quảng Yên, doanh nghiệp vẫn chưa được cấp đủ số tiền hỗ trợ 6,749 tỷ đồng theo Quyết định số 3838/2012 của UBND tỉnh quy định một số chính sách khuyến khích đầu tư xây dựng công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2011-2015. Trong khi đó, qua nhiều năm đưa vào sử dụng, nhiều hạng mục của công trình đã bị xuống cấp, cần phải cải tạo, thay thế nâng cấp để nâng cao năng lực cấp nước cũng như chất lượng nước.
Còn tại Trung tâm nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, đến thời điểm này, công suất hoạt động thực tế của các trạm cấp nước do đơn vị quản lý cũng mới đạt bình quân hơn 50% so với thiết kế. Đặc biệt, mức giá bình quân 5.500 đồng/m3 nước theo Quyết định số 3080/QĐ-UBND ngày 29/9/2011 của UBND tỉnh hiện không còn phù hợp với thị trường và sự biến động của giá điện, giá vật tư, nguyên nhiên vật liệu đầu vào, nhân công... khiến hoạt động của Trung tâm gặp rất nhiều khó khăn. Đã có nhiều lao động của Trung tâm xin nghỉ việc do mức chi trả tiền lương thấp, bình quân chỉ 4 triệu đồng/người/tháng, ngoài ra không còn chế độ nào khác.
Để phát huy hiệu quả đầu tư các công trình nước sạch nông thôn, các tổ chức, hộ gia đình cần nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi về sử dụng nước sạch để nâng cao sức khỏe, phòng chống dịch bệnh, từ đó tăng số đấu nối và nâng mức sử dụng nước sạch tại các công trình nước sạch trên địa bàn tỉnh.
Các địa phương cũng cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nhằm khôi phục, nâng cao hiệu quả hoạt động của các công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn, đảm bảo hoàn thành các chỉ tiêu nước sinh hoạt nông thôn theo chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh và UBND tỉnh, đặc biệt là đối với các địa phương có tỷ lệ hộ gia đình sử dụng nước sạch còn thấp so với bình quân chung toàn tỉnh, các địa phương có công trình hoạt động không bền vững, công trình không hoạt động.
Ngoài ra, tỉnh cũng cần quan tâm, giải quyết sớm những khó khăn, bất cập hiện nay của các đơn vị đang quản lý, kinh doanh công trình nước nông thôn trên địa bàn. Có như vậy, chương trình nước sạch khu vực nông thôn mới thực sự phát huy hiệu quả, góp phần nâng cao chất lượng, điều kiện sống của người dân vùng sâu, vùng xa, miền núi, biển đảo, hiện thực hóa mục tiêu mỗi người dân Quảng Ninh đều được hưởng thành quả tăng trưởng bao trùm, không để ai bị bỏ lại phía sau.
Minh Yến
Liên kết website
Ý kiến ()