Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 23/11/2024 04:35 (GMT +7)
Ô nhiễm không khí tại New Delhi có thể làm tăng số ca COVID-19 nặng
Thứ 2, 08/11/2021 | 09:54:54 [GMT +7] A A
Không khí ô nhiễm kéo dài gây ra nhiều vấn đề về sức khỏe của người dân, đặc biệt là các bệnh hô hấp và nhiều ca COVID-19 trở nặng hơn.
Đây là khuyến cáo được giới y tế ở thủ đô New Delhi của Ấn Độ đưa ra vào ngày 7/11.
Chất lượng không khí tại thủ đô New Delhi tiếp tục duy trì ở mức “nghiêm trọng” trong ngày 6/11, ngày cuối của kỳ nghỉ lễ Diwali do người dân đốt pháo trong lễ hội Diwali và từ việc đốt rơm rạ. Phân loại chỉ số chất lượng không khí (AQI) tại New Delhi ở mức nghiêm trọng trong 24 giờ vừa qua.
Theo Hệ thống Nghiên cứu và Dự báo Thời tiết và Chất lượng không khí (SAFAR) của Chính phủ Ấn Độ, chỉ số AQI tổng thể tại thành phố này đứng ở mức 437 trong ngày 6/11, trong đó, độ tập trung của các hạt bụi PM 2.5 ở mức 318. Chỉ số PM 10 được báo cáo ở mốc 448. Mức độ ô nhiễm tại vùng thủ đô của Ấn Độ, cụ thể là tại 2 đô thị vệ tinh là Noida và Gurugram cũng ở mức đáng quan ngại.
Cơ quan quản lý ô nhiễm của Ấn Độ dự báo, chỉ số AQI tại New Delhi sẽ có cải thiện đôi chút trong những ngày tới nhờ "gió thổi mạnh hơn" làm phân tán chất ô nhiễm trong không khí. Nguyên nhân của tình trạng ô nhiễm ở New Delhi được cho là do gió Tây Bắc mạnh tăng cường vận chuyển khói bụi do đốt rơm rạ từ các bang lân cận về thành phố. Tỷ lệ phát thải do đốt phụ phẩm nông nghiệp trong tổng lượng bụi PM 2.5 là 41%.
Hệ thống Nghiên cứu và Dự báo Thời tiết và Chất lượng không khí đã ghi nhận tổng cộng 5.159 đám cháy do đốt rơm rạ tại các khu vực lân cận. Ngoài ra, việc người dân vi phạm lệnh cấm của Chính phủ, tiếp tục đốt pháo trong mùa lễ hội Diwali càng khiến tình trạng ô nhiễm thêm trầm trọng.
Mặc dù mức độ ô nhiễm không khí hiện đã được cải thiện so với các năm trước đó nhưng việc khói mù và mức độ bụi mịn trong không khí cao đang gây ra nhiều phiền toái cho người dân Ấn Độ. Nhiều người dân New Delhi đã gặp phải vấn đề về hô hấp. Sương mù do ô nhiễm cũng gây nhiều khó khăn trong tham gia giao thông.
Theo các chuyên gia y tế Ấn Độ, ô nhiễm khói bụi sẽ còn gây ra những hệ quả lâu dài về sức khỏe với người dân. Giám đốc Viện Khoa học Y tế Toàn Ấn Randeep Guleria cho biết, ô nhiễm không khí tại New Delhi còn gây hại hơn khói thuốc lá. Ô nhiễm cao khiến tuổi thọ của người dân thành phố này giảm đáng kể.
"Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, tuổi thọ của người dân New Delhi đã giảm đáng kể. Các dữ liệu vẫn còn được xác thực nhưng ô nhiễm chắc chắn làm giảm tuổi thọ. Trên thực tế, phổi của những người Delhi đã chuyển màu. Ô nhiễm ở vùng đồng bằng Ấn - Hằng là rất cao. Việc đốt pháo trong dịp lễ Diwali cũng đóng góp đáng kể vào ô nhiễm", ông Randeep Guleria nói.
Theo giới chức y tế thủ đô, mức độ nghiêm trọng trên bệnh nhân COVID-19 gia tăng tại các khu vực ô nhiễm nặng nề. Bệnh nhân viêm phổi nặng hơn. Ngoài ra, COVID-19 còn có thể dễ lây nhiễm hơn vì virus SARS-CoV-2 dính vào các chất ô nhiễm. Sự kết hợp giữa ô nhiễm và COVID-19 có thể dẫn đến tỷ lệ tử vong cao hơn.
Ông Randeep Guleria khuyến cáo, người dân cần có các biện pháp tự phòng vệ trước các tác hại của ô nhiễm không khí như đeo khẩu trang, đặc biệt là khẩu trang N95, tránh các khu vực có mức độ ô nhiễm cao, tránh ra đường tập thể dục vào buổi sáng, thời điểm các chất ô nhiễm tập trung cao nhất.
Theo vtv.vn
Liên kết website
Ý kiến ()