Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 11:55 (GMT +7)
Ở nơi tuyến đầu chăm sóc bảo vệ sức khỏe nhân dân
Chủ nhật, 02/06/2024 | 07:18:42 [GMT +7] A A
Luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm với cộng đồng, nỗ lực vượt qua những khó khăn, lặng lẽ, miệt mài cống hiến cho sự nghiệp chăm sóc sức khoẻ (CSSK) nhân dân có lẽ vẫn chưa đủ để nói về đội ngũ thầy thuốc ở các trạm y tế (TYT) xã, phường, thị trấn. Dù ở nơi thành phố, đến vùng cao khó khăn hay hải đảo xa xôi song cùng chung tuyến đầu trong công tác bảo vệ, CSSK nhân dân, các y, bác sĩ không chỉ thực hiện khám, chữa bệnh mà chẳng ngại ngần gánh trên vai cả những nhiệm vụ không tên, tất cả vì mục đích tối thượng mang đến hạnh phúc cho những người bệnh.
Lặng thầm y, bác sĩ vùng cao
Mong muốn góp sức mình vào nhiệm vụ CSSK cho người dân vùng cao nhiều khó khăn, năm 2022, bác sĩ Phạm Ngọc Dung xung phong chuyển công tác từ TYT thị trấn Quảng Hà về đảm nhận vai trò Trưởng TYT xã Quảng Sơn (huyện Hải Hà). Tuy mới hơn một năm công tác tại trạm song cũng đủ thời gian để bác sĩ Dung thấm thía hơn vất vả của các đồng nghiệp trước kia để tự nhủ phải cố gắng, nỗ lực nhiều hơn nhằm nâng cao chất lượng y tế từ tuyến cơ sở, CSSK bà con nhân dân được tốt hơn.
Trò chuyện cùng chúng tôi, bác sĩ Dung cho biết: Toàn xã Quảng Sơn có 974 hộ dân, 4.628 nhân khẩu với trên 95% người dân là đồng bào Dao sinh sống rải rác ở 12 thôn, bản. Thôn, bản xa nhất nằm cách trung tâm xã 15km, cách trung tâm huyện 35km. Dân cư phân bố thưa thớt vì vậy nhiều người dân vẫn còn tâm lý e ngại đi khám bệnh. Nhất là những người từ trung tuổi trở lên chủ yếu vẫn nói tiếng dân tộc nên giao tiếp còn hạn chế, nếu không có con cháu chở đi khám bệnh là hầu hết sẽ không đi. Vì thế mà chẳng ít lần bệnh nhân đến khám bệnh, sau khi được bác sĩ thông báo cần chuyển tuyến là bệnh nhân tự ý bỏ về nhà nên các y, bác sĩ ở trạm phải vào tận nhà giải thích, rồi hỗ trợ đưa bệnh nhân đi.
Thật vậy, công tác ở cơ sở, ngoài làm tốt nhiệm vụ chuyên môn thì đội ngũ y, bác sĩ phải thực sự là những tuyên truyền viên giỏi. Khó khăn lớn nhất của các cán bộ y tế ở vùng sâu, vùng xa là làm sao thay đổi được tập tục lạc hậu đã ăn sâu, bám rễ trong cuộc sống của bà con bao đời nay, như: Việc tự sinh con tại nhà, có bệnh không đến cơ sở y tế khám điều trị mà mời thầy cúng, tự đắp thuốc tại nhà, tình trạng tảo hôn, không thực hiện kế hoạch hóa gia đình, ăn ở không hợp vệ sinh tạo điều kiện cho dịch bệnh phát triển…
Hiện tại TYT xã Quảng Sơn có 8 y, bác sĩ, nhân viên y tế. Trong đó, chỉ có cán bộ dân số là người địa phương còn lại đều được luân chuyển công tác theo quy định. Vì vậy, để đảm bảo nắm vững địa bàn, nâng cao hiệu quả công tác khám chữa bệnh cho nhân dân, Trạm đã phân công mỗi y, bác sĩ phụ trách 2 thôn, bản. Mỗi tuần, các y, bác sĩ sẽ luân phiên dành 1 ngày đi xuống các thôn, bản để tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện vệ sinh nơi ở, các biện pháp phòng, chống dịch bệnh. Đồng thời, khám bệnh, cấp thuốc hoặc tiêm phòng lưu động tại nhà cho từ 100-120 người dân mỗi tháng.
Sinh ra và lớn lên ở huyện Vân Đồn, bác sĩ Lục Thị Hoàng (SN 1990) đã có nhiều năm kinh nghiệm, công tác tại địa bàn xã đảo của huyện, vì vậy cuối năm 2023, sau khi quyết định chuyển về công tác tại TYT xã Quảng Sơn cùng chồng là y sĩ Bùi Quang Đại, chị Hoàng cũng nhanh chóng bắt nhịp với công việc. Ngoài nhiệm vụ hằng ngày là khám bệnh, tư vấn cho người dân tại Trạm, việc trèo đèo, lội suối đến khám lưu động cho người dân tại các thôn, bản của xã đã không còn xa lạ với chị. Hành trang các y, bác sĩ mang theo lên bản đâu chỉ có thùng phích bảo quản vắc-xin, chiếc balo với những loại vật tư y tế mà còn là những túi bánh, chiếc kẹo làm quà cho trẻ, những bộ quần áo cũ xin của người dân dưới xuôi đã được giặt sạch sẽ, sắp gọn gàng để mang cho bà con trên bản.
Bác sĩ Hoàng tâm sự: Ở xã vùng cao, các y, bác sĩ cũng nhớ mặt, nhớ tên của nhiều hộ dân bởi thường xuyên đi lại, nắm bắt tình hình. Chúng tôi cũng học một số từ tiếng dân tộc cơ bản để có thể giao tiếp với người dân. Dù chẳng ít trường hợp, người dân không hiểu mà né tránh, xua đuổi và có những lời nói khó nghe nhưng chúng tôi cứ kiên trì, “mưa dầm thấm lâu” mọi người cũng dần hiểu được lợi ích của việc tự giác, chủ động CSSK cho bản thân và gia đình.
Không nản lòng, chùn bước, bằng tất cả tấm chân tình, trách nhiệm của một cán bộ y tế, những thấu hiểu, chuyển biến dần dần trong nhận thức cộng đồng đã đến với nhưng y, bác sĩ nơi đây.
Chị Bùi Thị Hiền, bản Quảng Mới, xã Quảng Sơn, chia sẻ: Tôi đang mang thai nên tôi thường xuyên đến Trạm y tế để khám thai định kỳ, được các y bác sĩ ở trạm hướng dẫn cách chăm sóc cho thai nhi. Được các bác sĩ tư vấn, tôi thấy việc khám thai định kỳ là hết sức cần thiết không thể chủ quan coi thường bởi tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ. Lần đầu mang thai nên tôi còn được các y bác sĩ chia sẻ nhiều kinh nghiệm để chăm sóc con nhỏ sau này khoa học, hạn chế bệnh tật.
Có dịp gặp gỡ, cùng theo chân các các y, bác sĩ như chị Dung, chị Hoàng “đi từng ngõ, gõ từng nhà” mới thấy hết được sự vất vả, nhọc nhằn của tuyến y tế cơ sở ở các xã vùng sâu, vùng xa, thấm thía hơn ý nghĩa của hai từ “sứ mệnh” bảo vệ và CSSK nhân dân. Dẫu vẫn còn những khó khăn, thách thức phía trước song mỗi ngày, những cán bộ y tế cơ sở ở vùng cao nơi đây vẫn cần mẫn làm việc với một niềm vui bình dị, rằng người dân có thể yên tâm chữa bệnh gần nhà.
Những nỗ lực không ngưng nghỉ
Cùng với TYT xã Quảng Sơn, toàn tỉnh còn có 55 TYT tuyến xã ở vùng đồng bào DTTS và miền núi của tỉnh. Xác định y tế cơ sở là tuyến y tế gần dân nhất, có vai trò quan trọng trong công tác CSSK ban đầu cho nhân dân, thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Lương y phải như từ mẫu”, những năm qua, đội ngũ thầy thuốc tại 177 TYT tuyến xã ở các địa phương của tỉnh đã nỗ lực khắc phục khó khăn, không ngừng học tập, nâng cao trình độ chuyên môn, tu dưỡng đạo đức để hoàn thành trọng trách cao cả chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân. Qua đó, ngày càng tạo sự tin tưởng của người dân đến khám và điều trị.
Đặc biệt, trong điều kiện nhân lực thiếu, nhưng các Trạm thường xuyên duy trì lịch trực 24/24 giờ mỗi ngày để phục vụ nhu cầu của nhân dân trên địa bàn. Các Trạm cũng triển khai phòng, chống và quản lý các bệnh không lây nhiễm, bệnh nghề nghiệp, tai nạn thương tích, y tế học đường; tăng cường quản lý an toàn thực phẩm, môi trường y tế. Cùng với đó, các trạm luôn phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền tích cực tuyên truyền, thông tin về phòng, chống dịch bệnh.
Nhớ lại khoảng thời gian cả nước “căng mình” phòng, chống dịch Covid-19, các TYT tuyến xã đã không ngừng khẳng định vai trò quan trọng khi vừa phòng, chống dịch vừa đảm bảo CSSK người dân. Với phương châm “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng”, các y, bác sĩ tại TYT tham gia giám sát, điều tra dịch tễ người đi đến từ vùng dịch để có biện pháp xử lý kịp thời; đồng thời triển khai các mô hình chăm sóc, điều trị người nhiễm tại nhà; lập các TYT lưu động.
Để tạo bước đột phá, phát huy được vai trò người “gác cổng” trong CSSK ban đầu, mới đây, Ban Bí thư ban hành Chỉ thị 25-CT/TW “Về tiếp tục củng cố, hoàn thiện, nâng cao chất lượng hoạt động của y tế cơ sở trong tình hình mới”. Trong đó, đã khẳng định quan điểm y tế cơ sở là nền tảng, phát triển vững chắc hệ thống y tế cơ sở, xây dựng mạng lưới y tế rộng khắp, gần dân; nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của y tế cơ sở; nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, trách nhiệm phối hợp của các cơ quan, tổ chức trong xây dựng, triển khai thực hiện chủ trương, chính sách, pháp luật về y tế cơ sở.
Củng cố hệ thống y tế cơ sở và tăng cường CSSK ban đầu luôn là những ưu tiên trong chính sách phát triển y tế trên địa bàn tỉnh, góp phần quan trọng cải thiện tình trạng sức khỏe nhân dân. Thời gian qua, Quảng Ninh đã ưu tiên, bố trí nguồn lực phát triển cơ sở hạ tầng và trang thiết bị cho 177 TYT tuyến xã. Riêng năm 2023, toàn tỉnh đã sửa chữa cơ sở vật chất cho 88 trạm; sửa chữa, bảo dưỡng 160 hệ thống xử lý nước thải lỏng của các trạm. Dự kiến năm 2024 sẽ sửa chữa 24 trạm; đề xuất thực hiện làm mới 81 mái che phục vụ tiêm chủng cho 81 trạm.
Chính sách thu hút, hỗ trợ đào tạo nhân lực cho TYT cũng được quan tâm. Tại Nghị quyết số 28/2023/NQ-HĐND (8/12/2023) của HĐND tỉnh quy định chính sách thu hút bác sĩ về làm việc tại một số đơn vị thuộc tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025. Theo đó, mức hỗ trợ thu hút bác sĩ về tuyến xã công tác tùy khu vực và trình độ, từ 200-500 triệu đồng; nhất là các bác sĩ về công tác tại TYT các xã đảo, xã vùng đồng bào DTTS và miền núi sẽ có mức hỗ trợ cao. Đây được coi là cú huých quan trọng để nâng cao năng lực cho TYT tuyến xã. Trước mắt tại 30 TYT chưa có bác sĩ, Sở Y tế đã chỉ đạo các Trung tâm Y tế bố trí bác sĩ luân phiên về làm việc, để đảm bảo 100% trạm có bác sĩ làm việc.
Sự quan tâm của tỉnh cũng những nỗ lực âm thầm và cống hiến không mệt mỏi của các thầy thuốc bám dân, bám bản đã và đang góp phần giúp khoảng cách y tế giữa các vùng miền được xích lại gần hơn, bảo đảm an sinh xã hội tại địa phương, không ngừng nâng cao chất lượng đời sống nhân dân.
Nguyễn Dung
Liên kết website
Ý kiến ()