Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 10:04 (GMT +7)
Ở nước ngoài, người ta từ chức dễ dàng khi không còn uy tín tại vị
Thứ 3, 04/11/2014 | 14:33:51 [GMT +7] A A
TS Nguyễn Sỹ Dũng: "Ở nước ngoài, người ta từ chức rất dễ dàng vì họ nhận thấy không còn uy tín để tiếp tục tại vị"
Tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội xem xét về Luật tổ chức Chính phủ (sửa đổi). Trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội về “văn hóa từ chức” của các quan chức cấp cao sau rất nhiều vụ việc xảy ra tại Vinalines, Vinashines…, Tiến sĩ Nguyễn Sỹ Dũng - Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho rằng việc từ chức phải dựa trên cơ sở văn hóa. Ở nước ngoài, gần đây là ở Hàn Quốc, Nhật Bản, người ta từ chức vì họ nhận thấy không còn uy tín để tiếp tục tại vị, chứ chưa chắc người ta đã có vi phạm.
Tiến sĩ Nguyễn Sỹ Dũng (Ảnh: Minh Thắng) |
Theo TS Nguyễn Sỹ Dũng đó là một hệ thống chính trị có lương tâm. Vấn đề từ chức thuộc về phạm trù đạo đức nhiều hơn pháp luật. TS Nguyễn Sỹ Dũng nhấn mạnh “chúng ta nên hình thành một hệ thống đạo đức như vậy hơn là quy định những chuyện thuộc về phạm vi điều chỉnh của đạo đức và pháp luật. Pháp luật chỉ là tối thiểu của đạo đức. Người ta từ chức để nhận trách nhiệm, để lương tâm không bị cắn dứt; họ từ chức vì họ thấy đáng ra họ phải làm được tốt hơn. Đó là chuyện của đạo đức, không phải của pháp luật”.
TS Nguyễn Sỹ Dũng cũng cho rằng, ở ta đang lạm dụng pháp luật tương đối nhiều, để cửa cho đạo đức rất ít, đó là vấn đề rất lớn của việc vận hành thể chế. Bất cứ một thể chế nào đều chỉ có thể vận hành trên một nền tảng đạo đức tương ứng, không có nền tảng đạo đức không vận hành được.
** Thưa ông, cũng có lập luận cho rằng không cần thiết phải đưa quy định từ chức vào Luật tổ chức Chính phủ vì Luật cũng đã có. Nhưng từ khi Luật cán bộ, công chức quy định về từ chức đến giờ thực tế chưa có trường hợp nào từ chức, theo ông vướng ở chỗ nào?
TS Nguyễn Sỹ Dũng: Thứ nhất từ chức là việc làm hết sức nặng nề ở Việt Nam, không chỉ nặng nề cho bản thân người từ chức mà cho cả gia đình, người thân của họ. Ở Nhật, phương Tây, vấn đề từ chức là không phải là chuyện nghiêm trọng. Khi đương chức, họ nhận được mức lương khoảng 30.000 USD/tháng, không nhận chức đấy họ có thể có thu nhập cao hơn, tới 100.000 USD/tháng. Tức là môi trường xã hội và văn hóa của họ rất khác với Việt Nam.
Còn ở ta, một vị Bộ trưởng từ chức đi xin việc ở chỗ nào đó là không dễ, nghỉ hưu thì còn dễ. Có thể nói rằng bối cảnh xã hội đã “bịt mất cánh cửa” của người ta. Ở một xã hội các cơ hội được rộng mở, đánh giá của xã hội cũng không khắt khe, quy chụp thì chuyện từ chức rất dễ. Ở nước ngoài, chức tước chỉ là một sự dấn thân không phải là thành tựu gì đó vĩ đại, còn ở Việt Nam là một cái gì đó “khủng” lắm, làm quan là “khủng” lắm.
Thứ hai, sự khuyến khích người ta từ chức cũng rất ít, có chức có quyền thì có lợi. Ở Mỹ, cựu Tổng thống Bill Clinton khi còn đương chức, lương của ông ấy là 200.000 USD/năm, còn khi không làm tổng thống, ông ấy đi phát biểu một buổi cũng được 200.000 USD. Sự khuyến khích của họ khác của ta ở chỗ đó. Thành thử chuyện làm quan chỉ là một sự lựa chọn nếu anh có sự thôi thúc nội tại bởi đó là một sự cống hiến. Chính trị gia nào của Mỹ cũng thế, khi đã vào lĩnh vực công là phải chấp nhận cống hiến, hy sinh. Môi trường đó nếu không có thì làm sao chuyện từ chức là dễ dàng được.
Đương nhiên không phải không có, đó là thời kỳ thị trường chứng khoán, bất động sản sôi động, người ta có thể kiếm được nhiều tiền hơn nên nhiều lãnh đạo các Sở xin “từ chức” để chuyển sang các lĩnh vực đó.
Giờ ta quy định từ chức vào luật nhưng hệ thống môi trường xã hội không thay đổi, không khuyến khích thì thử hỏi luật giải quyết được việc gì?
** Khi có sự cố xảy ra từ việc sập cầu Cần Thơ, vụ đổ tàu ở Lăng Cô hay Vinalines, Vinashines… đáng ra các quan chức có liên quan đều phải từ chức rồi, vậy theo ông vấn đề này có liên quan gì đến văn hóa từ chức ta phải xây dựng?
TS Nguyễn Sỹ Dũng: Văn hóa nhưng nó còn liên quan đến mô hình quản trị. Họ có tham gia quyết hoàn toàn vấn đề đó đâu, chỉ góp một ý kiến, giờ bắt họ chịu trách nhiệm cả thì có công bằng không?
Nếu mà tôi tự quyết thì tôi tự nhận trách nhiệm, còn tôi phải xin ý kiến, phải được phép, giờ mình tôi phải chịu trách nhiệm thì không công bằng. Điều này không nằm trong văn hóa, mà nằm ở mô thức tổ chức, nền quản trị quốc gia.
Thêm nữa, khi người từ chức liệu báo chí sẽ khen hay hắt hủi họ, khi người ta bị mất danh dự “khủng” đó thì vấn đề sẽ thế nào. Ở cấp cao như vậy danh dự đối với họ là rất quan trọng. Còn chức thì báo chí còn nể, khi đã từ chức rồi thì sẽ thế nào?
Ở phương Tây, đương nhiên quan chức bị người ta theo dõi bởi công chúng quan tâm đến đời sống của quan chức, nhưng chỉ khi họ đương chức; còn khi mất chức thì viết ít hơn bởi không còn thú vị với công chúng nữa. Thêm nữa khi đó người ta đã có quyền không xâm phạm; khi họ còn ở lĩnh vực công báo chí có thể đưa tin, nhưng khi không còn làm trong lĩnh vực công nữa, pháp luật nước ngoài cấm tiệt việc khai thác thông tin của họ.
Nếu không hình thành được hệ thống khái niệm công và tư trong hệ thống pháp luật cũng như trong văn hóa sẽ rất khó cho vấn đề từ chức. Các quan chức khi đã từ chức rồi mà vẫn còn bị xới lên người ta ngại.
** Đứng trên nguyên tắc của hành xử đáng ra từ chức phải là một quyền, từ chức mở ra một cánh cửa để họ giữ lại danh dự?
TS Nguyễn Sỹ Dũng: Khi người ta hành động theo cái lợi, thì cái gì không lợi bằng họ sẽ không làm.
Tóm lại theo quy trình là phải được sự đồng ý mới được từ chức, còn nếu muốn từ chức thì vẫn được bởi có hàng trăm ứng cử viên đang ngồi đợi đến lượt. Nhưng rõ ràng phương án từ chức là phương án ít lợi hơn.
** Xin cảm ơn ông.
Theo VOV
Liên kết website
Ý kiến ()