Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 13:03 (GMT +7)
Ốm vì trúng gió có thật hay chỉ là nỗi ám ảnh truyền miệng ở các nền văn hóa Phương Đông?
Thứ 2, 14/02/2022 | 16:52:54 [GMT +7] A A
Khi nói đến những nỗi ám ảnh xuất phát từ niềm tin vô điều kiện, người ta sẽ không còn quan trọng tính khoa học của nó nữa.
Ngày còn bé, có ai đó đã nói với tôi rằng để quạt quá gần mặt sẽ gây nguy hiểm cho sức khỏe, và tôi đã tin điều đó một cách vô điều kiện giống như mọi đứa trẻ. Suốt 20 năm, tôi đã nghĩ bố mẹ chính là người đã cho tôi niềm tin đó.
Nhưng gần đây khi tôi hỏi lại họ, cả bố và mẹ đều không hiểu tôi đang đề cập đến chuyện gì. "Bố không hề tin vào chuyện đó [rằng gió có thể khiến người ta bị ốm]", ông nói. Còn mẹ cũng không phải là người đã di chuyển quạt của tôi ra xa giường để đêm ngủ tôi không bị ốm.
Vậy nếu không phải bố mẹ tôi, thì ai đã khiến tôi tin vào chuyện trúng gió?
Dự đoán tốt nhất của tôi tại thời điểm này là người trông trẻ. Nhưng điều đó không quan trọng. Vấn đề là niềm tin về chuyện gió khiến người ta bị ốm đã được cài vào đầu tôi mà không dựa trên bất kỳ một bằng chứng xác thực nào. Nó chỉ đơn giản mắc kẹt trong trực giác và tâm lý thời thơ ấu của tôi.
Ngay cả bây giờ, khi đã biết chuyện trúng gió thực ra không có thật, tôi vẫn tự hỏi: Vậy niềm tin đó đã bắt đầu từ đâu? Ngày nay vẫn có nhiều người tin vào chuyện đó, thì hẳn nó phải có một khởi điểm, có đúng vậy không?
Người ta nói gió có thể giết chết bạn
Trên thực tế, trúng gió hay ốm do gió là một câu chuyện xuất hiện trong nhiều nền văn hóa, không chỉ ở Phương Đông. Trong cuốn "Địa lý của bệnh điên", tác giả Frank Bures cho biết một văn bản y học xuất hiện từ thời cổ đại ở Trung Quốc đã đề cập đến trúng phong hay trúng gió. Gió độc được những thầy thuốc Trung Quốc liệt vào một trong những nguyên nhân gây ra bệnh điên hoặc chứng thiểu năng.
Những biến thể về niềm tin này vẫn tồn tại cho đến tận ngày nay. Ví dụ ở Ý, người ta đeo khăn quàng cổ để bảo vệ mình khỏi bệnh colpo d'aria (trúng gió). Và ở Cộng hòa Séc, một số người sợ gió từ máy điều hòa và tủ lạnh. Họ tin rằng chúng gây ra bệnh thấp khớp và nhiều vấn đề sức khỏe khác.
Nếu bạn sống ở Mỹ, lời khuyên thường thấy mà mọi người thường nhắc nhau là đừng đi ra ngoài trời khi tóc còn ướt – bạn có thể cũng bị trúng gió lạnh. Tất cả chỉ đơn giản là một niềm tin phổ biến được truyền miệng, chứ ít được hỗ trợ bởi bằng chứng khoa học.
Nhưng có lẽ, sự phi khoa học nhất của nỗi ám ảnh trúng gió là thứ mà bạn sẽ tìm thấy ở Hàn Quốc, nơi mọi người gọi nó bằng một cái tên rất kêu: gió quạt giết người hay cái chết do quạt điện. Niềm tin của người Hàn Quốc là: gió quạt trong phòng kín thực sự có thể khiến bạn bị ngạt thở.
Nỗi lo sợ quạt điện ở Hàn Quốc dường như đã bắt nguồn từ năm 1927, khi một câu chuyện có tên "Tác hại kỳ lạ từ quạt điện" được in trên tờ nhật báo Jungoe Ilbo. Bài viết này cảnh báo độc giả rằng quạt điện, ngày đó còn là một công nghệ mới tạo ra những luồng gió nhân tạo, có thể khiến người ta bị mệt mỏi, buồn nôn, liệt mặt và thậm chí ngạt thở.
Giả thuyết mà tác giả đưa ra là quạt sẽ gom tất cả khí carbon dioxide mà bạn thở ra rồi thổi lại vào chính mặt của bạn. Do đó, người sử dụng quạt điện trong phòng kín có thể chết ngạt.
Bẵng đi một thời gian, đến thập niên 1970, báo chí Hàn Quốc lại đưa tin về một người đàn ông chết trong phòng kín. Cả cửa ra vào và cửa sổ của căn phòng đều đóng khiến cảnh sát không tìm ra được nguyên nhân cái chết, chỉ có hai chiếc quạt điện trong phòng vẫn còn đang chạy.
Bures cho biết có lẽ huyền thoại về cái chết từ gió quạt ở Hàn Quốc đã bùng nổ thêm từ đó. Nhiều câu chuyện về những ca tử vong gắn với chiếc quạt đang bật thường xuyên xuất hiện trên tin tức, đặc biệt là vào mùa hè.
Hội chứng văn hóa và hiệu ứng nocebo
"Đó là cách mà những lời đồn thổi kiểu này phát triển", Bures nói. "Bạn không nhất thiết phải chứng minh rằng gió đã giết người, bởi theo một cách nào đó thì khoa học trở nên không quan trọng, mọi người đều đã tin cái chết đó là do gió quạt gây ra".
Một số quan điểm còn cho rằng chuyện gió quạt giết người đã được chính phủ Hàn Quốc tuyên truyền mạnh vào thập niên 1970, khi đất nước phải đối mặt với cuộc khủng hoảng năng lượng và cần tiết kiệm điện.
Nhưng như Bures nói nguồn gốc cụ thể của niềm tin này cũng như mọi lời đồn đại truyền miệng khác là rất khó xác định. Cũng chính vì vậy mà ở hiện tại, câu chuyện bắt đầu từ đâu không còn quá quan trọng.
Trong một niềm tin mang tính truyền miệng, điều quan trọng hơn là người ta tin nhau, chứ không phải tin vào lời giải thích khoa học hay nơi mà niềm tin ấy bắt đầu.
Bures gọi nó bằng một cụm từ là "hội chứng văn hóa". Ông giải thích: "Cách duy nhất một niềm tin như vậy có thể lan truyền là mọi người tin vào nguyên nhân của nó. Nếu bạn tin rằng gió có thể gây ra tác hại, hoặc những rủi ro về sức khỏe liên quan đến quạt điện, thì niềm tin đó sẽ có thể lây lan. Ngược lại không ai tin điều đó, thì niềm tin đó sẽ không thể lan rộng".
Ví dụ như nhiều người Hàn Quốc rất tin vào những cái chết gây ra bởi gió quạt, nhưng niềm tin đó chỉ khu trú trong nền văn hóa của họ, bị giới hạn bởi ngôn ngữ Hàn Quốc, những tờ báo viết bằng tiếng Hàn và những người Hàn nói chuyện với nhau.
Ở ngoài Hàn Quốc, mọi người ở các quốc gia khác có thể không quan tâm hoặc không tin vào chuyện gió quạt có thể giết người.
Nhưng ngược lại, họ cũng có thể có những niềm tin sai lệch khác. Ví dụ như nhiều người Mỹ nhìn lên các vệt hơi nước mà máy bay để lại trên bầu trời và nghĩ rằng đó là chính phủ đang rải độc vào khí quyển trong một thuyết âm mưu gọi là "chemtrail".
Tựu chung lại, những mối đe dọa và bóng ma của chúng có thể rất khác nhau giữa các nền văn hóa, và khác nhau từ quốc gia này sang quốc gia khác. Nhưng một điểm chung giải thích tại sao chúng tồn tại đều là từ niềm tin mãnh liệt của người dân vào chúng, ngay cả khi những niềm tin này là vô căn cứ.
Như trong cuốn sách của mình, Bures cho biết bản thân những niềm tin vô căn cứ cũng có sức mạnh và nó tiếp tục củng cố chính sự tồn tại vô căn cứ của nó. "Một số hội chứng văn hóa nhất định có thể trở thành 'sự thực' bởi niềm tin của chúng ta vào chúng – trong một hiện tượng được gọi là hiệu ứng nocebo", Bures viết.
"Hiệu ứng nocebo xảy ra khi những kỳ vọng tiêu cực có thể bắt đầu một chuỗi các sự kiện có hại, mà cuối cùng sẽ hoàn thành những kỳ vọng đó, biến chúng thành hiện thực".
"Lấy ví dụ như khi bạn đọc các tác dụng phụ của một loại thuốc, bạn có nhiều khả năng gặp phải những tác dụng phụ đó. Trong một thử nghiệm lâm sàng ngẫu nhiên, các nhà nghiên cứu sẽ cảnh báo mọi người về tác dụng phụ của một loại thuốc hoặc phương pháp điều trị, và những người trong nhóm dùng giả dược đôi khi sẽ phải bỏ dở thử nghiệm vì tác dụng phụ họ trải nghiệm quá nghiêm trọng".
Bây giờ, hãy trở lại với niềm tin dân gian về trúng gió hay cảm gió. Nếu bạn được ai đó nói rằng ở ngoài kia có gió độc và bạn có thể thấy mệt mỏi, bị sốt, nhức đầu, đau bụng, buồn nôn, nhức mỏi chân tay khi bị trúng gió, và nếu bạn tin vào nó, bạn nhiều khả năng sẽ trải nghiệm những triệu chứng này.
Đó là bởi hầu hết các triệu chứng được mô tả trong trúng gió cũng trùng với những triệu chứng hay gặp nhất của hiệu ứng nocebo. Và khi bạn đã tin rằng mình bị trúng gió và gió có thể gây hại thật, bạn sẽ lại lan truyền niềm tin đó cho người khác.
Đó chính là cách mà niềm tin và nỗi ám ảnh trúng gió của chúng ta hoạt động. Tất cả chỉ xuất phát từ niềm tin tiêu cực của bạn, và của cả xã hội vào những cơn gió mà thôi.
Theo genk.vn
Liên kết website
Ý kiến ()