Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 23:29 (GMT +7)
Ổn định để phát triển - phát triển để ổn định Bài 1: Bình Phước ổn định để phát triển - Yêu cầu từ thực tiễn
Thứ 6, 08/10/2021 | 12:28:21 [GMT +7] A A
Thực tiễn phát triển tại Bình Phước cho thấy, ổn định là tiền đề, điều kiện quan trọng cho sự phát triển. Ổn định về chính trị, xã hội là điều kiện tiên quyết cho sự phát triển kinh tế, giữ vững an ninh, quốc phòng. Phát triển kinh tế có hiệu quả, bền vững là cơ sở vững chắc cho sự ổn định về chính trị, xã hội. Mối quan hệ này được tỉnh Bình Phước xử lý một cách chủ động, linh hoạt, phù hợp và hiệu quả.
Nói đến phát triển trước tiên phải nói đến sự ổn định, phát triển phải dựa trên nền tảng của sự ổn định, hay nói cách khác có ổn định thì mới có phát triển và chỉ khi phát triển mới đem lại sự ổn định. Và những thành quả đạt được sau gần 25 năm tái lập tỉnh là bắt đầu từ việc xác định và chủ động vận hành: ổn định để phát triển và phát triển là cơ sở làm nên sự ổn định.
Ổn định trên nền tảng kinh tế phát triển
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: "Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành". Và chính Người đã dành cả cuộc đời để hiện thực hóa ham muốn cao đẹp đó. Theo Người, chỉ có hòa bình, tự do, không chiến tranh, áp bức bóc lột mới là cơ sở, nền tảng cho sự phát triển và phồn vinh, hạnh phúc của nhân dân. Thực tiễn cho thấy, đối với mỗi quốc gia, mỗi dân tộc, kinh tế - chính trị - văn hóa luôn có sự tác động qua lại lẫn nhau, làm nên sự phát triển và ổn định của quốc gia, dân tộc. V.I.Lê nin từng khẳng định: Chính trị là sự biểu hiện tập trung của kinh tế. Chính trị ra đời từ kinh tế, do kinh tế quyết định. Chính trị phải được xây dựng trên cơ sở kinh tế. Khi cơ sở kinh tế biến đổi, chính trị cũng phải biến đổi theo để phản ánh đúng cơ sở kinh tế, phù hợp với kinh tế và tạo được môi trường tốt nhất cho kinh tế phát triển. Tuy nhiên, chính trị có sự tác động trở lại rất tích cực đối với kinh tế. Nếu chính trị sai lầm, trì trệ, không khoa học, không phù hợp thì sẽ kiềm hãm sự phát triển của kinh tế, thậm chí đẩy kinh tế vào khủng hoảng, và hậu quả đi kèm tất yếu là sự mất ổn định về chính trị - xã hội.
Từ tính khoa học sâu sắc đó, ngay sau Cách mạng tháng Tám thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh bắt tay ngay vào việc thành lập Chính phủ lâm thời, kiện toàn công tác nhân sự, đảm bảo ổn định về chính trị. Ngay trong phiên họp đầu tiên, Chính phủ đã thảo luận và phát động phong trào tăng gia sản xuất để chống nạn đói, đồng thời mở đợt quyên góp gạo để giúp đỡ người nghèo và thực hiện chiến dịch chống mù chữ... Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ ra rằng, giữa kinh tế - chính trị - văn hóa có tác động qua lại lẫn nhau. Tăng cường xây dựng văn hóa chính là để thực hiện nhiệm vụ cơ bản là phát triển kinh tế. Ngược lại, xây dựng kinh tế phát triển đất nước trông chờ rất lớn vào việc xây dựng văn hóa nhằm tạo ra động lực tinh thần lớn mạnh trong nhân dân. Với quan niệm xã hội xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam phải là một xã hội có văn hóa cao, Người nhấn mạnh: “Muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội, trước hết cần có những “con người xã hội chủ nghĩa”. “Trình độ văn hóa của nhân dân nâng cao sẽ giúp chúng ta đẩy mạnh công cuộc khôi phục kinh tế, phát triển dân chủ… cũng là một việc cần thiết để xây dựng nước ta thành một nước hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh”.
Ổn định là đẳng cấp mới của sự phát triển
Thấm nhuần tư tưởng của Người, ngay sau những ngày đầu tái lập tỉnh năm 1997, Hội nghị Tỉnh ủy Bình Phước lâm thời lần thứ nhất đã phân công nhiệm vụ cho từng Ủy viên Ban Thường vụ và các Tỉnh ủy viên. Với bộn bề khó khăn của một tỉnh được tái lập từ 5 huyện khó khăn nhất của tỉnh Sông Bé cũ, Bình Phước đã nhanh chóng ổn định trụ sở làm việc của các ban, ngành, đoàn thể tỉnh; tập trung chỉ đạo đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm đời sống nhân dân. Nhiệm vụ trước mắt đặt ra là tập trung mọi lực lượng, cố gắng nhanh chóng ổn định tư tưởng, bố trí cán bộ, cơ sở vật chất, phương tiện làm việc để các cơ quan, đơn vị sớm đi vào hoạt động có hiệu quả. Đồng thời, giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm quốc phòng - an ninh, tăng cường các hoạt động đối ngoại, bảo vệ vững chắc tuyến biên giới thiêng liêng của Tổ quốc...
Sau khi tách tỉnh, Bình Phước là một trong những tỉnh nghèo của cả nước. Đời sống nhân dân các dân tộc trong tỉnh gặp rất nhiều khó khăn; GDP bình quân đầu người chỉ gần 180 USD; cơ sở vật chất nghèo nàn, lạc hậu; nguồn thu ngân sách không đủ chi. Cán bộ các ngành ở tỉnh thiếu về số lượng và chưa ngang tầm nhiệm vụ. Kinh tế chủ yếu là nông - lâm nghiệp chiếm hơn 70%; công nghiệp, thương mại, dịch vụ chiếm tỷ trọng thấp; cơ sở hạ tầng yếu kém, chưa đồng bộ; di dân tự do ngày càng đông và tỷ lệ hộ nghèo còn cao...
Trước tình thế đó, cùng với việc ổn định cơ cấu bộ máy, tổ chức hoạt động, tỉnh tập trung đẩy mạnh phát triển sản xuất, thu ngân sách và xây dựng cơ bản, xóa đói giảm nghèo. Nhờ chính sách trợ cấp hằng tháng, cấp đất và hỗ trợ nhà ở nên số đông cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của tỉnh ổn định tư tưởng, an tâm công tác. Đời sống cán bộ, công nhân viên và các tầng lớp nhân dân dần ổn định, một bộ phận có cải thiện rõ rệt. Tình hình an ninh biên giới, nội và ngoại biên ổn định, an ninh trật tự xã hội được giữ vững, các hoạt động văn hóa được đẩy mạnh, góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân.
Rõ ràng, sự ổn định về mặt chính trị là nền tảng, cơ sở cho việc hoạch định chiến lược phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội. Thực tiễn đã chứng minh, trên cơ sở bộ máy hành chính dần đi vào ổn định, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ VI - Đại hội Đảng bộ đầu tiên của tỉnh khi mới tái lập đã nhanh chóng xác định mục tiêu chuyển dịch một bước về cơ cấu kinh tế theo hướng tăng nhanh tỷ trọng ngành công nghiệp, dịch vụ, đẩy mạnh công nghiệp chế biến trên cơ sở phát huy thế mạnh của tỉnh, xây dựng Nhà máy xi măng Tà Thiết… Xây dựng, phân loại và sắp xếp lại các lâm trường để cùng với các nông trường vừa đẩy mạnh sản xuất, vừa giúp đồng bào các dân tộc thiểu số phát triển kinh tế. Đặc biệt, Nghị quyết của Đảng bộ tỉnh đã đề ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 xóa được đói, từng bước giảm nghèo trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Công tác giao đất giao rừng được thực hiện khẩn trương, người dân phấn khởi mạnh dạn nhận đất, nhận rừng để trồng và bảo vệ rừng. Chỉ trong 4 năm (1997-2000) giá trị sản xuất công nghiệp đã tăng bình quân 74,38%/năm. Toàn tỉnh có 1.891 cơ sở sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, giá trị sản xuất đạt 497,3 tỷ đồng (so với năm 1997 tăng 385 cơ sở sản xuất và tăng 374,8 tỷ đồng), thu hút 9.576 lao động về làm việc. Chỉ trong 3 năm (1998-2000), Bình Phước đã giảm được 8.622 hộ nghèo đói (giảm bình quân 2,54%/năm), không còn hộ đói kinh niên. Đời sống người dân các vùng trong tỉnh được cải thiện rõ rệt.
Chính sự ổn định về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, đảm bảo đời sống dân sinh đã tạo nền tảng, cơ sở vững chắc cho Bình Phước sớm hoạch định các chiến lược, bước đi phù hợp, góp phần tăng trưởng nền kinh tế. Từ một tỉnh nghèo, đến nay Bình Phước đã trở thành hiện tượng trong thu hút đầu tư và phát triển trong khu vực.
Theo Minh Nhâm - Tùng Sơn - Hoàng Thu - Minh Luận/Báo Bình Phước
Liên kết website
Ý kiến ()