Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 23/12/2024 11:20 (GMT +7)
"Ông đám" - Phong tục độc đáo của lễ hội đình Trà Cổ
Thứ 6, 07/08/2015 | 08:44:23 [GMT +7] A A
Diễn ra từ ngày 30-5 đến 3-6 âm lịch hàng năm, làm nên bản sắc của lễ hội đình Trà Cổ (TP Móng Cái) là những phong tục mang đậm dấu ấn của nền văn minh lúa nước, mà độc đáo nhất là tục cử người làm “Ông đám”.
Các ông đám thi “ông voi” tại lễ hội đình Trà Cổ. |
Để chuẩn bị cho lễ hội đình Trà Cổ, mỗi năm sẽ có 12 ông đám được lựa chọn. Mỗi suất đinh chỉ có cơ hội được làm ông đám một lần trong đời. Người được chọn trong độ tuổi từ 30 đến 35, khoẻ mạnh, đã có vợ con, gia đình hoà thuận, không trong thời gian có tang. Công việc đầu tiên của các ông đám ngay từ đầu năm là nhận chăm sóc một con lợn để chuẩn bị cho tế lễ mà mọi người vẫn gọi một cách thành kính là “ông voi”. Các “ông voi” được gia chủ coi như vật quý, được tắm rửa sạch sẽ, chăm sóc tốt. Nếu “ông voi” càng to khoẻ thì phúc lộc đến với gia đình họ càng lớn và ngược lại.
Ông Khổng Minh Tiệp, Chủ tịch Uỷ ban MTTQ phường Trà Cổ, thành viên Ban Tổ chức lễ hội đình Trà Cổ, cho biết: Trong những ngày lễ hội diễn ra, các ông đám phải luôn túc trực ở đình, cùng Ban Tổ chức lo cúng lễ. Sau lễ rước là cuộc thi các “ông voi”. Các “ông voi” được đặt trong những chiếc cũi làm bằng gỗ tốt, được trang trí tinh xảo. Ông đám nào nuôi được ông voi to béo nhất, da dẻ hồng hào, có cũi đẹp sẽ được làng trao giải thưởng”.
Trong thời gian diễn ra lễ hội, mỗi ngày sẽ có 4 ông đám thay phiên nhau rước cỗ ra đình tế thần, hai ông làm cỗ mặn, hai ông làm cỗ chay. Cỗ mặn bắt buộc phải có gà và ngỗng luộc, có thêm các loại thức ăn có hương vị thơm ngon và trình bày đẹp mắt. Cỗ chay có ít nhất 3 loại bánh, xếp thành tầng, đựng trong các thùng lớn bằng gỗ. Cỗ mặn, cỗ chay sau khi được tế thần thì các ông đám mời họ hàng, bè bạn và các vị chức sắc làng xã tới ăn cỗ. Trước ngày cuối cùng của lễ hội sẽ diễn ra lễ cất cai đám, các ông đám cũ sẽ bàn giao công việc cho các ông đám mới được lựa chọn cho lễ hội năm sau.
Làm ông đám là một vinh dự lớn, bởi được chọn là một trong 12 ông đám đã đủ khẳng định người đó có nhân thân tốt, được dân làng yêu quý, trọng vọng. Do vậy các ông đám rất có trách nhiệm với công việc của mình. Khi được giao nuôi dưỡng các “ông voi”, ai cũng luôn cố gắng hoàn thành tốt, bởi người dân Trà Cổ tâm niệm, nuôi lợn chầu thần tượng trưng cho các vị thành hoàng cưỡi voi đi đánh giặc. Phải nuôi sao cho ông voi thật khoẻ mạnh mới giúp được tướng lĩnh chiến đấu bảo vệ Tổ quốc.
Anh Lương Văn Công, một trong những người đã từng được chọn làm ông đám, chia sẻ: “Được lựa chọn là ông đám đối với tôi và gia đình là một vinh dự lớn, cũng là trách nhiệm của mình phải làm sao cho tốt để xứng đáng với sự uỷ thác của bà con. Qua việc chăm sóc “ông voi” cũng là cách để tôi giáo dục các con về phong tục tập quán của quê hương, dạy các cháu biết uống nước nhớ nguồn”.
Anh Hoàng Đức Thuận, đám trưởng của lễ hội đình Trà Cổ năm nay cho biết: “Để phục vụ tốt cho những ngày hội này, tôi và các ông đám còn lại đã chuẩn bị từ hơn một tháng trước, chuồng cho các ông voi đã được trang trí từ nhiều ngày, các mâm cỗ cũng được lên kế hoạch, sẵn sàng về nguyên vật liệu. Các ông đám không chỉ nỗ lực làm tốt nhiệm vụ của mình, mà còn tích cực giúp đỡ nhau chuẩn bị để lễ hội diễn ra suôn sẻ. Được lựa chọn làm ông đám chúng tôi vừa mừng vừa lo, nhưng đã được dân làng tín nhiệm, mình phải cố gắng hoàn thành. Hơn nữa đây cũng là vinh dự lớn mà không phải ai cũng có”.
Được khôi phục từ năm 1993, lễ hội đình Trà Cổ với những phong tục độc đáo đã biến địa danh này thành một “cột mốc văn hoá” vững chắc nơi biên ải. Kể từ năm 2014, lễ hội đình Trà Cổ được TP Móng Cái nâng cấp thành lễ hội quy mô cấp thành phố, nhằm tạo ra một sản phẩm du lịch văn hoá tâm linh đặc sắc thu hút du khách thập phương.
Vũ Hoan (Đài Móng Cái)
Liên kết website
Ý kiến ()