Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 24/12/2024 07:53 (GMT +7)
“Giáo dục nghề nghiệp của Quảng Ninh đã tạo được niềm tin với xã hội..."
Chủ nhật, 28/11/2021 | 14:32:04 [GMT +7] A A
Vừa qua, tại TP Hà Nội, Bộ LĐ-TB&XH đã tổ chức bế mạc Hội giảng Nhà giáo giáo dục nghề nghiệp toàn quốc năm 2021, trong đó đoàn tỉnh Quảng Ninh đoạt 16 giải. Quảng Ninh cũng là địa phương được giao tổ chức Hội giảng Nhà giáo giáo dục nghề nghiệp toàn quốc năm 2024. Nhân dịp này, phóng viên Trung tâm Truyền thông tỉnh đã có cuộc trò chuyện với ông Vũ Quang Trực, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH.
-Trước hết, xin chúc mừng ông và đoàn đại biểu dự hội giảng đã đạt kết quả cao về cho Quảng Ninh. Xin ông thông tin đôi nét nổi bật nhất về Hội giảng này?
+ Hội giảng lần này có sự tham dự của hơn 400 nhà giáo đến từ 55 tỉnh, thành phố và 6 bộ trong cả nước. Quảng Ninh có 16 nhà giáo tham gia trình giảng. Kết quả, các nhà giáo của 6 cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) trên địa bàn tỉnh đã đoạt 16 giải (đạt tỉ lệ 100% nhà giáo tham dự).
Trong đó, có 1 giải Nhất, 1 giải Nhì, 2 giải Ba và 12 giải Khuyến khích. Nhà giáo Nguyễn Văn Dinh, giảng viên Trường Cao đẳng Nông Lâm Đông Bắc đoạt giải Nhất. Nhà giáo Đỗ Văn Doanh, Trường Cao đẳng Y tế Quảng Ninh đoạt giải Nhì còn vinh dự được nhận Giải thưởng nhà giáo trẻ có thành tích xuất sắc của Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh.
Có 10 điểm mới so với các kỳ Hội giảng trước, trong đó nổi bật là lần đầu tiên Hội giảng được tổ chức theo hình thức trực tuyến với mục tiêu duy trì hoạt động chuyên môn và đảm bảo quyền lợi của đội ngũ nhà giáo trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Lần đầu tiên ứng dụng công nghệ lựa chọn số ngẫu nhiên để tổ chức bốc thăm thứ tự bài trình giảng; việc bốc thăm được tổ chức theo hình thức trực tuyến. Lần đầu tiên điểm đánh giá bài trình giảng được công khai trên cổng thông tin điện tử của từng tiểu ban ngay sau khi nhà giáo kết thúc bài trình giảng tối đa 5 phút.
Công tác giám khảo được đặc biệt chú trọng khi lần đầu tiên số giám khảo đề cử lớn hơn 50% số giám khảo cần có. Tên của giám khảo hiển thị trên kênh thông tin của mỗi tiểu ban và trong phiếu đánh giá bài trình giảng sẽ được mã hóa thành ký hiệu.
Lần đầu tiên tổ chức bốc thăm giám khảo cho từng tiểu ban. Lần đầu tiên, các bài trình giảng và đánh giá bài trình giảng sẽ được livestreams trên kênh thông tin của các tiểu ban để các đại biểu, nhà giáo và học sinh, sinh viên theo dõi. Và lần đầu tiên, các bài trình giảng đoạt giải cao sẽ được lưu trữ, chia sẻ hình thành kho học liệu bài giảng số để nhà giáo tham khảo, sử dụng.
- Để có kết quả đó, việc chuẩn bị của đoàn Quảng Ninh diễn ra thế nào, thưa ông?
+ Trên cơ sở kế hoạch và các văn bản chỉ đạo của Ban Tổ chức Hội giảng cấp toàn quốc, Sở đã ban hành Kế hoạch, quyết định thành lập Ban Tổ chức và các Tiểu ban thư ký, Tiểu ban hỗ trợ kỹ thuật, phục vụ cho công tác tổ chức trên địa bàn tỉnh. Sở đã mời chuyên gia về GDNN của Tổng cục GDNN tổ chức tập huấn đợt 1 cho 24 nhà giáo, đợt 2 cho 15 nhà giáo tham gia Hội giảng. Ngoài ra, các trường cũng đã chủ động mời chuyên gia phù hợp với chuyên ngành, lĩnh vực để tập huấn và bồi dưỡng thêm.
Ngay khi có dự kiến chuyển sang hình thức trực tuyến, Sở đã chỉ đạo Trường Cao đẳng Công nghiệp và Xây dựng đăng cai địa điểm chuẩn bị 2 phòng để trình giảng các bài lý thuyết và tích hợp 2 phòng, khu thực hành để giảng các bài thực hành, bố trí 1 camera cố định, 2 máy quay di động và đảm bảo chất lượng đường truyền với tốc độ cao để truyền tải bài giảng cho các nhà giáo tốt nhất. Các nhà giáo được chuyên gia về GDNN tập huấn cũng như giảng thử các bài giảng trước khi tham dự Hội giảng. Một yếu tố cũng rất quan trọng, đó là các nhà giáo đã chủ động, tích cực ôn luyện trong công tác luyện giảng cũng như hoàn thiện hồ sơ giáo án bài giảng.
- Thưa ông, việc tổ chức trực tuyến có gây khó khăn gì cho các nhà giáo ở tỉnh ta trong việc thể hiện phần thi?
+ Đây là lần đầu tiên Hội giảng tổ chức theo hình thức trực tuyến nên cũng gây khó khăn trong việc điều chỉnh kế hoạch và phương thức thực hiện. Bài giảng trực tuyến do đó các điều kiện về phòng trình giảng, đường truyền internet, trang thiết bị máy móc, thiết bị phục vụ quay phát bài trình giảng trực tiếp phải đồng bộ, hiện đại. Một số tiết giảng phải thực hiện tại hiện trường như sân tập lái xe, do đó chịu ảnh hưởng của phương tiện, thiết bị và thời tiết. Việc tương tác giữa các nhà giáo với các học sinh, Ban Giám khảo, Ban Tổ chức cũng khó khăn so với giảng trực tiếp.
Tuy nhiên, sau 7 ngày diễn ra Hội giảng, các giờ trình giảng các nhà giáo đã kết hợp nhuần nhuyễn phương pháp giảng dạy truyền thống với các phương pháp dạy học mới, hiện đại, khắc phục được những hạn chế của phương pháp giảng dạy trực tuyến, tạo nên môi trường học tập tích cực, sinh động, phát huy được tính tự chủ, sáng tạo của người học. Nhiều bài giảng đã thành công trong việc áp dụng công nghệ mới; ứng dụng hiệu quả, thành thạo CNTT, các phần mềm mô phỏng vào việc minh họa các kỹ năng khó, đòi hỏi tiêu chuẩn, độ chính xác cao tạo nên sức hấp dẫn, nâng cao hiệu quả giờ giảng, giúp cho người học tiếp thu dễ dàng.
- Việc tham gia và đạt kết quả cao tại các hội thi, hội giảng như vậy có ý nghĩa như thế nào, thưa ông?
+ Hội giảng nhà giáo GDNN là hoạt động chuyên môn quan trọng đối với công tác đào tạo đội ngũ nhà giáo. Mỗi nhà giáo tham gia đều thấy được những mặt mạnh, yếu của bản thân, học hỏi kinh nghiệm của các bạn đồng nghiệp trong cả nước. Thông qua Hội giảng sẽ lựa chọn và phát hiện đội ngũ giáo viên giỏi để tiếp tục bồi dưỡng, nhân rộng tạo ra các hạt giống trong các nhà trường...
Hội giảng nâng cao chất lượng giảng dạy trong các cơ sở GDNN đồng thời đẩy mạnh phong trào ứng dụng CNTT trong đổi mới phương pháp dạy học, đáp ứng yêu cầu của chuyển đổi số trong GDNN và bối cảnh hội nhập quốc tế. Qua đó, tuyển chọn được bài giảng điện tử có chất lượng để xây dựng dữ liệu, tài nguyên số về bài giảng điện tử trong các nhà trường. Hội giảng cũng là cơ hội thu hút sự chú ý toàn xã hội, báo cáo toàn xã hội về hoạt động giảng dạy của các cơ sở GDNN cũng như chất lượng đội ngũ nhà giáo GDNN trên địa bàn tỉnh.
- Thưa ông, từ hội giảng này, nhìn rộng ra, công tác GDNN của tỉnh ta đã có những thành tựu nổi bật như thế nào?
+ Trong những năm qua, công tác xây dựng và phát triển đội ngũ nhà giáo trong trong các cơ sở GDNN được quan tâm, chú trọng. Đội ngũ giảng viên của các cơ sở GDNN ngày càng được nâng cao, đáp ứng yêu cầu của phát triển GDNN nhằm đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng, từng bước đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp và thị trường lao động. Tỉnh đã quan tâm bổ sung các cơ chế chính sách một cách đồng bộ để các giảng viên, giáo viên yên tâm với công việc giảng dạy và tham gia tích cực vào kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng đồng thời thường xuyên tự đào tạo, bồi dưỡng.
Những kết quả trên khẳng định GDNN Quảng Ninh đã tạo được niềm tin với xã hội và có bước chuyển quan trọng về chất và lượng, đặc biệt trong việc đào tạo nguồn nhân lực tay nghề cao.
- Được biết, Quảng Ninh đã được tin tưởng trao cờ luân lưu tổ chức Hội giảng nhà giáo GDNN toàn quốc năm 2024. Chặng đường còn khá dài nhưng để đạt kết quả tốt, Sở đã có kế hoạch chuẩn bị như thế nào?
+ Rất vinh dự vì đây là lần đầu tiên Quảng Ninh được đăng cai tổ chức một hoạt động GDNN cấp quốc gia, trong đó thông thường Hội giảng nhà giáo cấp toàn quốc sẽ có trên 600 nhà giáo tham gia trình giảng; có khoảng 150 giám khảo; đồng thời sẽ có trên 300 cán bộ quản lý, nhà giáo tham gia học tập kinh nghiệm và những người đóng vai học sinh, sinh viên trong các giờ trình giảng. Tuy vậy, với vai trò là cơ quan tham mưu cho UBND tỉnh thực hiện quản lý nhà nước về GDNN trên địa bàn tỉnh, Sở xác định đây vừa là vinh dự, trách nhiệm, đồng thời cũng sẽ chỉ đạo các cơ sở GDNN xác định, chuẩn bị các điều kiện thật tốt.
Việc đào tạo, bồi dưỡng và phát triển đội ngũ nhà giáo trong cơ sở GDNN phải được đổi mới một cách toàn diện từ việc hoàn thiện chế độ, chính sách; chương trình, giáo trình đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo; đổi mới hoạt động của cơ sở đào tạo, bồi dưỡng; nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo đến việc quản lý, sử dụng nhà giáo.
Hiện nay, Sở đang tham mưu cho UBND tỉnh, trình Bộ LĐ-TB&XH về Đề án sáp nhập Trường Cao đẳng Giao thông và Trường Cao đẳng Việt Hàn và triển khai đầu tư giai đoạn 2 đối với Trường Cao đẳng Việt Hàn từ năm 2022. Đồng thời, Sở sẽ lựa chọn các trường trên địa bàn tỉnh có các điều kiện về phòng học lý thuyết và thực hành, âm thanh, ánh sáng, công tác an toàn phòng dịch… đảm bảo tiêu chuẩn để phục vụ tốt nhất cho công tác Hội giảng toàn quốc. Với những chuẩn bị tích cực, nghiêm túc, chúng tôi tin tưởng rằng các nhà giáo sẽ có những phần trình giảng tự tin, thuyết phục và đoạt nhiều giải cao.
- Trân trọng cám ơn ông đã trả lời phỏng vấn!
Huỳnh Đăng (Thực hiện)
- Quảng Ninh có 7 nhà giáo đạt giải tại Hội giảng Nhà giáo giáo dục nghề nghiệp toàn quốc năm 2021
- Giáo dục nghề nghiệp đổi mới, thu hút HSSV
- Khai mạc hội giảng Nhà giáo giáo dục nghề nghiệp toàn quốc năm 2021
- Tư vấn hướng nghiệp – Tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp tại TP Hạ Long
- Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp - Tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp năm 2021
Liên kết website
Ý kiến ()