Tất cả chuyên mục
Thứ Năm, 28/11/2024 19:44 (GMT +7)
PCI 2013 và các năm tiếp theo
Thứ 5, 29/08/2013 | 06:53:23 [GMT +7] A A
Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) là một trong những công cụ đo lường, đánh giá công tác quản lý và điều hành kinh tế cấp tỉnh dựa trên cảm nhận của khu vực kinh tế tư nhân. Chỉ số này do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam thực hiện hàng năm.
Như chúng ta đã biết, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Quảng Ninh năm 2012 giảm 8 bậc so với 2011. Thẳng thắn nhìn nhận lại thực tế để từ đó vạch ra lộ trình mới nhằm cải thiện chỉ số PCI là cách làm của tỉnh ở năm 2013 này cũng như các năm tiếp theo. Điều này đã được cụ thể hoá bằng 9 giải pháp để nâng hạng chỉ số PCI thể hiện trong Kế hoạch 4542/KH-UBND, ngày 27-8-2013.
Một là, giảm chi phí gia nhập thị trường của doanh nghiệp trong đó có yêu cầu nghiêm túc thực hiện thời gian giải quyết các thủ tục hành chính đối với doanh nghiệp đảm bảo 5 ngày; đặc biệt chấn chỉnh tác phong, nề nếp tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả tại các sở, ngành, địa phương liên quan đến thủ tục đất đai, quy hoạch, xây dựng. Hai là, cải thiện việc tiếp cận đất đai và sự ổn định trong sử dụng đất. Theo đó, một trong những nhiệm vụ được đặt ra là xây dựng, chuẩn hoá, công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng đồng bộ với các quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội và các quy hoạch chuyên ngành; tạo quỹ đất sạch, cải thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật để sẵn sàng cho nhà đầu tư lựa chọn.
Ba là, nâng cao tính minh bạch và tiếp cận thông tin mà mấu chốt nằm ở việc xây dựng chính quyền điện tử và thành lập các Trung tâm hành chính công đang được tập trung đẩy mạnh. Bốn là, giảm chi phí về thời gian để thực hiện các quy định của Nhà nước với yêu cầu rút ngắn hơn nữa thời gian giải quyết hồ sơ cấp giấy chuyển quyền sử dụng đất, giao đất, cho thuê, cấp phép xây dựng đất; thực hiện nghiêm cơ chế làm việc “một cửa”. Năm là, giảm chi phí không chính thức trong đó đã đề cập tới việc có cơ chế kiểm tra, giám sát các bộ phận liên quan đến việc giải quyết các thủ tục cho cá nhân, doanh nghiệp. Sáu là, nâng cao tính năng động và tiên phong của lãnh đạo tỉnh mà tiêu chí quan trọng nằm ở việc nâng cao trách nhiệm người đứng đầu. Bảy là, thực hiện các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp như hỗ trợ xây dựng và quảng bá thương hiệu, nghiên cứu cơ chế riêng với nhà đầu tư chiến lược... Tám là, nâng cao chất lượng đào tạo nguồn lao động, cụ thể là xây dựng chính sách về hỗ trợ chuyển đổi nghề, có cơ chế và tổ chức các đơn vị trung gian để gắn kết trường đào tạo nghề với doanh nghiệp; khuyến khích doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư vào cơ sở dạy nghề. Chín là, cải thiện thiết chế pháp lý gồm nâng cao vai trò của các cơ quan trợ giúp, coi trọng nâng cao chất lượng công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật.
Một trong những điểm đáng chú ý là, cùng với việc xác định cụ thể 9 giải pháp như đã nói ở trên, trong Kế hoạch 4542/KH-UBND còn có phụ lục phân công nhiệm vụ, chỉ rõ thời gian thực hiện cho từng sở, ngành.
Mong rằng, với sự chỉ đạo quyết liệt của tỉnh, các ngành, các cấp, các địa phương sẽ nỗ lực nhiều hơn nữa nhằm tạo sự chuyển biến về chất trong cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn.
Ngọc Lê
Liên kết website
Ý kiến ()