Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 24/11/2024 08:11 (GMT +7)
Phải có tư duy đột phá!
Chủ nhật, 20/01/2008 | 10:49:07 [GMT +7] A A
Khi câu chuyện đầu tư sáng tác đang "nóng" trên dư luận thì Cục Bản quyền tác giả văn học nghệ thuật Bộ Văn hóa-Thể thao-Du lịch (VH-TT-DL) cũng rục rịch soạn thảo Thông tư liên tịch hướng dẫn hỗ trợ mua bản quyền trong hoạt động xuất bản. Theo dự kiến, Thông tư nói trên sẽ được hoàn thiện trong năm 2008.
Từ năm 2005, Cục Bản quyền tác giả đã có dự thảo đề án "Hỗ trợ mua bản quyền trong hoạt động xuất bản giai đoạn 2006 - 2010". Cơ sở pháp lý của dự thảo là: điều 6 Luật Xuất bản năm 2004: "Nhà nước mua bản thảo đối với những tác phẩm có giá trị nhưng thời điểm xuất bản chưa thích hợp hoặc đối tượng sử dụng hạn chế; hỗ trợ mua bản quyền đối với tác phẩm trong nước và nước ngoài có giá trị phục vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội"; và Nghị định số 111/2005/NĐ-CP ngày 26.8.2005 "Hằng năm, Bộ VH-TT duyệt danh mục xuất bản phẩm thuộc diện đặt hàng, mua bản thảo và hỗ trợ mua bản quyền đối với nhà xuất bản (Nxb) Trung ương. UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương duyệt danh mục xuất bản phẩm thuộc diện đặt hàng, mua bản thảo và hỗ trợ mua bản quyền đối với Nxb địa phương". Còn cơ sở thực tiễn là nhằm hỗ trợ tài chính cho các Nxb.
Ngân sách dự kiến dùng để hỗ trợ mua bản quyền là 6 tỉ đồng/năm. Đối tượng được hưởng sự hỗ trợ là các Nxb trong nước (cả Trung ương và địa phương). Loại hình tác phẩm được mua bản quyền là bản thảo thuộc các lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn, khoa học kỹ thuật và công nghệ, văn học và nghệ thuật.
Vui mừng vì Nxb sẽ có thêm một khoản tiền, nhưng nói như ông Nguyễn Phan Hách (Giám đốc Nxb Hội Nhà văn): "Không biết họ (cơ quan quản lý - PV) sẽ thực hiện thế nào. Nếu thực hiện theo kiểu phân bổ, chia đều cho từng Nxb thì ngay cả những Nxb không thực sự có nhu cầu cũng được xét duyệt. Thế thì chúng ta lại lặp lại cơ chế xin - cho à?".
Mặt khác, theo dự đoán của một lãnh đạo Cục Xuất bản, Bộ Thông tin-Truyền thông (TT-TT): "Có thể quy trình thực hiện sẽ rắc rối hơn". Bởi, sau khi Bộ Văn hóa - Thông tin tách thành 2 bộ: VH-TT-DL và TT-TT thì trên thực tế, có những "vùng giao thoa". Bộ TT-TT là cơ quan chủ quản của Nxb, nhưng không chịu trách nhiệm quản lý quyền tác giả (chỉ quản lý nội dung tác phẩm). Trong khi đó, Cục Bản quyền, với chức năng chính là quản lý quyền tác giả, lại quyết định xét duyệt tác phẩm nào có giá trị để hỗ trợ bản quyền. "Trước đây, chủ trương hỗ trợ mua bản quyền trong hoạt động xuất bản đã được Chính phủ thông qua, giao Bộ Tài chính triển khai. Nhưng hiện nay, nghe đâu đã có thêm cả Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Càng nhiều bộ thì càng khó thống nhất", vị lãnh đạo này nói.
Trên thực tế, khi Thông tư hướng dẫn hỗ trợ mua bản quyền còn đang trên bàn soạn thảo thì phần lớn Nxb đều đã có thể tự túc thực hiện việc mua bản quyền mà không trông chờ vào sự hỗ trợ Nhà nước. Với Nxb Hội Nhà văn, hằng năm Nxb này vẫn được Trung tâm Văn hóa Pháp hỗ trợ vài ngàn USD để mua bản quyền những "cuốn sách đích đáng" (chữ dùng của ông Nguyễn Phan Hách, Giám đốc Nxb). Trong khi đó, bà Quách Thu Nguyệt (Giám đốc Nxb Trẻ) cho biết: "Tôi đã biết chủ trương này mấy năm rồi, nhưng có được triển khai hay không cũng không ảnh hưởng gì đến hoạt động của Nxb Trẻ. Nếu chính sách của Nhà nước được triển khai thì chúng tôi sẽ không làm đăng ký lên Nhà nước để chờ xét duyệt. Trung bình mỗi năm chúng tôi đã đặt trước 4 tỉ để mua bản quyền. Hiện nay, khó khăn lớn nhất của Nxb không phải là vấn đề mua bản quyền mà là làm thế nào để đối phó với nạn vi phạm bản quyền những tác phẩm đã được Nxb mua bản quyền. Theo tôi, các nhà quản lý văn hóa nghệ thuật phải có tư duy đột phá chứ không phải là tư duy bao cấp".
Liên kết website
Ý kiến ()