Tất cả chuyên mục
Thứ Năm, 28/11/2024 18:39 (GMT +7)
Phân biệt bằng cấp là phạm luật
Thứ 5, 01/08/2013 | 05:12:34 [GMT +7] A A
Đây là nội dung được thể hiện trong báo cáo của Bộ Nội vụ về tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính - cải cách chế độ công vụ, công chức, vừa ban hành ngày 26-7. Theo Bộ Nội vụ, hiện nay việc tuyển dụng công chức, viên chức được phân cấp cho các bộ, ngành, địa phương. Tuy nhiên, một số cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện chưa nghiêm quy định của pháp luật về công tác tuyển dụng, như còn phân biệt văn bằng, chứng chỉ và loại hình đào tạo trong tuyển dụng, chất lượng tuyển dụng chưa được đảm bảo. Trong việc này nổi lên là tình trạng “nói không” với bằng tại chức. Mặc dù Bộ Nội vụ đã có văn bản nhắc nhở, yêu cầu thực hiện đúng quy định nhưng có những nơi không tiếp thu, vẫn thực hiện không đúng quy định của pháp luật. Điều này đã gây nên những băn khoăn, bức xúc trong dư luận xã hội...
Chúng ta đều đã biết, hệ tại chức là một loại hình đào tạo đã được Bộ Giáo dục - Đào tạo cho phép và công nhận từ nhiều năm nay. Thực tế từ trước đến nay đã có không ít cán bộ, công chức, viên chức có nhiều cống hiến, đóng góp cho đất nước, cho xã hội trưởng thành và đi lên từ loại hình đào tạo này. Điều này cho thấy, bản thân loại hình đào tạo tại chức (theo đúng quy định) không hề có lỗi. Còn sở dĩ có tình trạng người được cấp bằng tại chức năng lực kém, không đáp ứng được yêu cầu công việc là do lỗi trong quá trình tổ chức thực hiện của các cơ sở đào tạo và người học. Trong đó đáng chú ý là việc học còn mang tính hình thức, các cơ sở đào tạo thì cắt giảm chương trình, giáo án, kiến thức thiếu tính chuyên sâu; việc thi cử không đảm bảo thực chất, có nhiều biểu hiện tiêu cực. Phía người học thì thiếu chuyên cần, tự nghiên cứu, thậm chí còn có tình trạng thuê người học hộ và sẵn sàng chi phí cốt sao có trong tay tấm bằng là được. Với sự lệch lạc, không tuân thủ các quy định trong đào tạo như vậy thì việc “cho ra lò” những sản phẩm kém chất lượng cũng là điều dễ hiểu. Nhưng điều đáng nói là từ sự dễ dãi này lại đang làm ảnh hưởng, tai tiếng cho một loại hình đào tạo là điều không thể chấp nhận được. Đặc biệt nó còn làm cho các cơ sở đào tạo và những người học tập nghiêm túc bị vạ lây...
Bởi vậy, điều cần quan tâm lúc này không phải là sự phân biệt bằng cấp, từ chối bằng tại chức mà phải là siết chặt lại công tác quản lý, quy trình của hệ đào tạo này để lấy lại niềm tin cho xã hội, cho các nhà tuyển dụng. Và một điều quan trọng nữa là trong công tác tuyển dụng phải lấy hiệu quả công việc, khả năng tham mưu, xử lý tình huống làm thước đo đánh giá con người cụ thể, chứ không thể căn cứ vào hình thức đào tạo để quyết định việc tuyển dụng. Còn nếu vẫn cố tình phân biệt là phạm luật...
Thanh Tùng
Liên kết website
Ý kiến ()