Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 23/12/2024 11:26 (GMT +7)
Phân biệt loét miệng và tay chân miệng
Thứ 6, 09/06/2023 | 11:21:06 [GMT +7] A A
Dựa vào các dấu hiệu nhận biết có thể phân biệt được trẻ bị loét miệng hay bị tay chân miệng. Tuy nhiên, nhiều trẻ được nhập viện khi bệnh đã chuyển nặng.
Hiện nay, bệnh tay chân miệng đang vào mùa, cha mẹ cần hết sức lưu ý. Theo bác sĩ Hoàng Văn Kết, Trưởng khoa Hồi sức tích cực Nhi (Bệnh viện Đa khoa Đức Giang), bệnh tay chân miệng có các vết loét đỏ tổn thương ở khoang miệng khó phân biệt với tổn thương viêm miệng gặp ở một số bệnh lý khác. Vì vậy, cha mẹ rất dễ nhầm lẫn và chủ quan. Nhiều trẻ nhập viện khi bệnh tay chân miệng đã trở nặng.
Bác sĩ Kết cho biết, các bệnh loét miệng do nhiễm khuẩn hoặc nhiễm virus, bệnh tay chân miệng đều có các tổn thương xuất hiện trong khoang miệng.
Với các bệnh lí có loét miệng miệng thông thường, các vết loét thường là loét áp-tơ và chỉ có 1 vết loét duy nhất. Trẻ cũng có thể có biểu hiện đau miệng, chảy nước miếng/chảy rãi và sốt nhẹ kèm theo.
Còn loét miệng do tay chân miệng, các vết loét sẽ thường có thêm các vệ tinh, các vết loét, vết chấm loét xung quanh. Những vết loét đỏ tổn thương nhưng thường dạng phỏng nước, đường kính 2-3 mm ở niêm mạc miệng, lợi, lưỡi, gây đau miệng, bỏ ăn, bỏ bú, tăng tiết nước bọt.
Ngoài tổn thương loét miệng, trẻ mắc bệnh còn có thể có những nốt phát ban hay tổn thương dạng phỏng nước ở các vị trí điển hình như: Lòng bàn tay, lòng bàn chân, quanh miệng, mông, gối. Bên cạnh đó, trẻ còn có thể có các triệu chứng thần kinh như: Giật mình, ngủ gà, rung giật nhãn cầu, run chi,… Khi nghi ngờ con mắc bệnh, ba mẹ cần đưa con đến bác sĩ khám để đánh giá và hướng dẫn theo dõi tiếp.
Theo bác sĩ, cha mẹ cần chú ý nhất dấu hiệu trẻ bị sốt và giật mình. Đây là hai dấu hiệu đặc biệt quan trọng của bệnh tay chân miệng, gợi ý trẻ có nguy cơ tiến triển nặng hơn, chuyển độ. Cần theo dõi sát và báo bác sĩ trong các trường hợp:
- Thứ nhất, trẻ sốt cao đột ngột, sốt từ 2 ngày trở lên, sốt cao không hạ, uống thuốc hạ sốt nhưng hết thuốc lại sốt lại, phải sử dụng các loại thuốc hạ sốt khác.
- Thứ hai, trẻ có biểu hiện giật mình. Khi trẻ bắt đầu bước vào giấc ngủ, thiu thiu ngủ thì xuất hiện giật mình, hốt hoảng chới với tay chân.
Có thêm 1 dấu hiệu nữa của tay chân miệng là bé luôn ôm mẹ bên cạnh, không rời mẹ, khi rời mẹ trẻ sẽ hốt hoảng, chới với.
Để phòng tránh bệnh tay chân miệng, bác sĩ khuyến cáo:
- Cha mẹ cần lưu ý giữ vệ sinh cẩn thận cho trẻ và cả người chăm sóc.
- Cung cấp dinh dưỡng đầy đủ theo độ tuổi, nên cho trẻ ăn những thức ăn lỏng dễ tiêu, tránh thức ăn chua, cay, nóng…
- Trẻ còn bú cần tiếp tục cho ăn sữa mẹ.
- Vệ sinh răng miệng cho trẻ sạch sẽ.
Bệnh tay chân miệng là bệnh quanh năm, đỉnh dịch thường từ tháng 4 - tháng 6 và tháng 9 - tháng 12. Trẻ đã từng mắc tay chân miệng vẫn có thể tái nhiễm nhiều lần do những chủng virus khác nhau.
Những trẻ đã từng mắc sẽ có miễn dịch tự nhiên, tuy nhiên miễn dịch này yếu và không tồn tại kéo dài, không đủ khả năng chống lại virus. Vì vậy, phụ huynh không được chủ quan lơ là.
Theo laodong.vn
Liên kết website
Ý kiến ()