Tất cả chuyên mục
Thứ Năm, 05/12/2024 07:17 (GMT +7)
Phân luồng học sinh sau trung học cơ sở: Tìm giải pháp để đi đúng hướng
Thứ 4, 26/10/2016 | 06:45:35 [GMT +7] A A
Những năm gần đây, mặc dù được đánh giá là đạt nhiều kết quả tích cực trong việc xây dựng một hệ thống giáo dục, đào tạo gồm nhiều ngành học, cấp học, bậc học và thu hút đào tạo học sinh từ các trình độ khác nhau trên khắp địa bàn tỉnh, tuy nhiên do nhiều lý do, việc thực hiện kế hoạch, lộ trình phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS vẫn gặp không ít khó khăn.
Công tác phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS trên địa bàn tỉnh nói riêng và cả nước nói chung hiện được định hướng vào 4 luồng chính là: Học tiếp lên THPT; học lên trung cấp chuyên nghiệp (TCCN) hoặc trung cấp nghề; vừa làm vừa học tiếp THPT theo chương trình giáo dục thường xuyên và trực tiếp đi làm kiếm sống. Ở Quảng Ninh, luồng học lên THPT hiện còn chiếm quá lớn; luồng học lên TCCN và trung cấp nghề còn quá nhỏ. Theo số liệu thống kê của Sở GD-ĐT, năm học vừa qua, tỷ lệ tốt nghiệp THCS đạt 99,6%, nhưng chỉ có gần 15% học sinh sau THCS được phân luồng vào học các chương trình giáo dục nghề nghiệp (tỷ lệ phân luồng theo Đề án Phân luồng sau THCS được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 3429/QĐ-UBND ngày 31-12-2014 là 20%). Năm học này, tỷ lệ phân luồng thực tế đạt 76,8% so với 78% mục tiêu đặt ra. Dù bắt đầu được triển khai từ năm 2015 với các biện pháp: Thực hiện giảm chỉ tiêu tuyển sinh vào lớp 10 THPT cả hệ công lập và ngoài công lập; thí điểm mô hình trường phổ thông dạy chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT kết hợp với dạy nghề..., nhưng tỷ lệ phân luồng học sinh sau THCS vẫn không đạt được mục tiêu.
Khảo sát, tư vấn và định hướng lựa chọn nghề nghiệp cho học sinh lớp 12 trên địa bàn TX Đông Triều trước kỳ thi THPT quốc gia năm 2016. |
Đánh giá về thực trạng này, ông Ngô Văn Hợi, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT, cho biết: Kết quả phân luồng học sinh sau THCS như hiện nay đang gây nhiều ảnh hưởng không tốt đến sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, các gia đình, bản thân học sinh và đến chính ngành Giáo dục. Như năm học vừa qua, chỉ có 5.974/tổng số 14.917 học sinh lớp 12 tham gia kỳ thi THPT quốc gia để lấy kết quả xét tuyển đại học, cao đẳng. Trong số 5.974 học sinh đó chỉ có một phần không lớn đủ điểm xét tuyển vào đại học, cao đẳng. Nếu tính bình quân một số năm học gần đây, có chưa đến 50% học sinh học xong THPT vào được đại học, cao đẳng, số còn lại sẽ phải theo học TCCN, trung cấp nghề hoặc trực tiếp đi làm kiếm sống. Nếu như làm tốt hơn công tác phân luồng ngay từ bậc THCS, số học sinh khá lớn này đã trở thành nguồn nhân lực cho xã hội sớm được 3 năm. Các gia đình cũng như bản thân những học sinh này đỡ tốn phí sức lực và tài lực trong 3 năm và ngành GD-ĐT cũng có điều kiện tập trung hơn vào chất lượng cả ở THPT và ở dạy nghề, cao đẳng, đại học nhiều hơn.
Theo đánh giá của lãnh đạo Sở GD-ĐT, tình trạng phân luồng học sinh sau THCS chưa khoa học ở Quảng Ninh hiện nay do nhiều nguyên nhân. Trong đó có một số nguyên nhân khách quan có thể kể đến, như: Tuổi học sinh tốt nghiệp lớp 9 (15 tuổi) chưa phù hợp với việc đi học xa nhà hoặc trực tiếp đi làm theo Bộ luật Lao động; cá nhân, đơn vị sử dụng lao động chưa đánh giá đúng vai trò của từng trình độ đào tạo và chưa thật sự đãi ngộ theo chất lượng công việc; các trường có đào tạo TCCN và trung cấp nghề chưa quan tâm đúng mức đến nguồn tuyển sinh từ học sinh tốt nghiệp THCS do thời gian đào tạo dài và yêu cầu phức tạp trong khâu quản lý học sinh; số cơ sở trường học ở bậc THPT trên địa bàn tỉnh tăng nhanh; hệ thống trung tâm giáo dục nghề nghiệp và giáo dục thường xuyên chưa được phát triển đủ tại các địa bàn và chưa được đầu tư đúng mức... Những nguyên nhân từ phía chủ quan người học và gia đình lại là ảnh hưởng của tâm lý xã hội cũ muốn có cơ hội được nhận tấm bằng đại học, cao đẳng mà coi nhẹ vai trò của lao động kỹ thuật trực tiếp; mặt bằng kinh tế được nâng cao, học sinh không bị áp lực bởi việc phải kiếm thu nhập phụ giúp gia đình...
Để tăng cường chất lượng, hiệu quả của việc phân luồng học sinh sau THCS, những năm qua, ngành GD-ĐT tỉnh đã thực hiện không ít các giải pháp cụ thể, bước đầu cho hiệu quả tích cực. Cụ thể: Tổ chức nhiều hoạt động hướng nghiệp và các môn học liên quan ở THCS; tuyên truyền xoá bỏ tâm lý mặc cảm hoặc kỳ thị đối với những người lựa chọn con đường đi thẳng từ THCS vào các trường TCCN, trung cấp nghề hoặc vừa làm vừa học theo chương trình giáo dục thường xuyên; xây dựng mối liên kết chặt chẽ giữa cơ sở đào tạo và các doanh nghiệp sử dụng lao động trên địa bàn; phát triển đầy đủ và tăng cường đầu tư cho các trung tâm giáo dục nghề nghiệp và giáo dục thường xuyên; chuyển mạnh mục tiêu từ phát triển theo số lượng sang đầu tư vào chất lượng đào tạo ở các trường THPT công lập và ngoài công lập... Tuy nhiên, để công tác phân luồng thực sự đạt hiệu quả thực tế và trở thành một quy luật tất yếu được thừa nhận, cần thêm sự quan tâm, đồng thuận của xã hội, đặc biệt là từ phía học sinh và phụ huynh.
Theo số liệu thống kê của Sở GD-ĐT, năm học vừa qua, tỷ lệ tốt nghiệp THCS đạt 99,6% nhưng chỉ có gần 15% học sinh sau THCS được phân luồng vào học các chương trình giáo dục nghề nghiệp (tỷ lệ phân luồng theo Đề án Phân luồng sau THCS được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 3429/QĐ-UBND ngày 31-12-2014 là 20%). Năm học này, tỷ lệ phân luồng thực tế đạt 76,8% so với 78% mục tiêu đặt ra. |
Minh Hà
Liên kết website
Ý kiến ()