Tất cả chuyên mục
Thứ Năm, 05/12/2024 01:50 (GMT +7)
Đề xuất giải pháp khắc phục tình trạng thiếu giáo viên
Thứ 4, 04/12/2024 | 09:12:36 [GMT +7] A A
Năm học 2024 - 2025 đánh dấu việc triển khai đồng bộ của chương trình giáo dục phổ thông 2018 trên tất cả các cấp học. Theo đó, chương trình giáo dục phổ thông 2018 có một số môn học mới khiến bài toán nhân sự cho ngành giáo dục càng trở nên khó giải quyết.
Đầu năm học 2024-2025, theo báo cáo của Sở Giáo dục và Đào tạo, toàn bộ cơ sở giáo dục trong tỉnh thiếu 243 cán bộ quản lý và 2.264 giáo viên (chưa bao gồm số lượng nhân viên thiếu 1.911) so với định mức quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Số lượng giáo viên thiếu nhiều ở tất cả các địa phương, trong đó thành phố Hạ Long thiếu 829 giáo viên, TP Đông Triều thiếu 466 giáo viên, thị xã Quảng Yên thiếu 446 giáo viên, thành phố Cẩm Phả thiếu 402 giáo viên, thành phố Móng Cái thiếu 642 giáo viên…
Trong khi đó, việc triển khai Chương trình Giáo dục Phổ thông 2018 có sự xáo trộn rất lớn về đội ngũ nhân lực ở tất cả các cấp học phổ thông vì có thêm nhiều môn học mới. Theo đó, so với chương trình 2006, cấp tiểu học có thêm môn học mới là tin học và công nghệ. Ở cấp THCS, môn tin học trở thành bắt buộc (trước đây là tự chọn). Còn ở bậc THPT, ngoài 8 môn học và hoạt động bắt buộc, học sinh THPT phải chọn tối thiểu 4 môn khác của nhóm môn được lựa chọn để thành các tổ hợp học tập.
Chính vì thế, vấn đề thiếu giáo viên ở môn học mới, 2-3 giáo viên cùng dạy một môn xảy ra ở nhiều trường trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là với những cơ sở giáo dục ở vùng huyện đảo xa xôi. Thực tế cho thấy, đối với các môn học mới trong chương trình giáo dục phổ thông 2018, ví dụ như Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý, các địa phương cơ bản có đủ đội ngũ để đáp ứng nhu cầu dạy học. Tuy nhiên, các trường trung học cơ sở chưa có giáo viên chuyên trách, được đào tạo bài bản để dạy 2 môn học này nên một môn học hiện đang có 2, 3 giáo viên tham gia giảng dạy theo phân môn được đào tạo. Ngoài ra, với môn Nghệ thuật, hiện nay một số địa phương trên địa bàn tỉnh, điển hình như Cô Tô đang gặp khó khăn trong vấn đề nguồn tuyển giáo viên. Theo quy định của Luật Giáo dục, giáo viên dạy cấp tiểu học phải đạt trình độ đại học. Tuy nhiên, khi tiến hành rà soát, số giáo viên ra trường có chuyên môn Âm nhạc, Mĩ thuật trên địa bàn mới đạt trình độ cao đẳng, chưa đảm bảo theo yêu cầu của quy định.
Để tháo gỡ tình trạng thiếu giáo viên, tại Kỳ họp thứ 19 vào tháng 7/2023, HĐND tỉnh Quảng Ninh khóa XIV đã thông qua nghị quyết quyết định số lượng hợp đồng lao động trong các cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông công lập do Nhà nước bảo đảm chi thường xuyên trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh năm 2024 là 1.145 chỉ tiêu.
Ngoài ra, HĐND tỉnh Quảng Ninh cũng thông qua Nghị quyết số 213/NQ-HĐND về việc phê duyệt bổ sung 238 biên chế sự nghiệp giáo dục mầm non và phổ thông công lập trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh năm 2024.
Tuy nhiên, nhiều địa phương hiện nay đang gặp khó khăn trong việc tuyển dụng giáo viên. Điển hình là TP Hạ Long thông báo cần tuyển dụng 113 giáo viên, gồm 90 chỉ tiêu giáo viên tiểu học và 23 giáo viên trung học cơ sở. Tuy nhiên, tổng số hồ sơ dự tuyển chỉ có 48 hồ sơ, trong đó cấp tiểu học là 34 hồ sơ và cấp trung học cơ sở có 14 hồ sơ. Kết quả xét tuyển: 34 hồ sơ nộp dự tuyển cấp tiểu học trúng tuyển; ở cấp trung học cơ sở thì chỉ có 7 hồ sơ trúng tuyển và 7 hồ sơ bị loại. Còn TP Móng Cái thông báo tuyển dụng 282 giáo viên, nhân viên ngành giáo dục (51 giáo viên mầm non; 148 giáo viên, nhân viên cấp tiểu học và 83 giáo viên, nhân viên cấp trung học cơ sở) mà cũng chỉ có 62 trường hợp nộp hồ sơ đăng ký dự thi…
Vì vậy cử tri và Nhân dân đề nghị ngành Giáo dục tỉnh Quảng Ninh cần quan tâm xem xét có cơ chế đặc thù cho những vùng địa bàn huyện đảo, vùng sâu vùng xa được tuyển dụng hoặc hợp đồng với những giáo viên mới đạt trình độ cao đẳng ở một số môn hiện trên địa bàn không có đủ nguồn tuyển, có môn có nguồn tuyển nhưng chưa đạt chuẩn theo quy định trong Luật Giáo dục như ngoại ngữ, Âm nhạc, Mĩ thuật nhằm giải quyết được khó khăn thiếu giáo viên đối với những môn học mới, đẩy nhanh việc thực hiện Đề án tự chủ cho các cơ sở giáo dục để bổ sung số người làm việc hưởng lương từ nguồn thu sự nghiệp, hướng dẫn các địa phương đơn vị chủ động, linh hoạt thực hiện rà soát, sắp xếp, sử dụng hiệu quả đội ngũ giáo viên nhằm khắc phục tình trạng thiếu giáo viên.
Bên cạnh đó, đề nghị ngành giáo dục Quảng Ninh cần tập trung nâng cao hơn nữa chất lượng, nền nếp dạy và học, đầu tư cơ sở vật chất ở các điểm trường, nhất là các điểm trường vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc, cùng với đó, cần quan tâm đề xuất thêm các chính sách đặc thù cho giáo viên đang công tác tại huyện, đảo, các vùng sâu vùng xa trên địa bàn tỉnh để góp phần giữ chân giáo viên đang công tác tại các địa bàn này.
Bảo Bình
Liên kết website
Ý kiến ()