Tất cả chuyên mục
Thứ Năm, 28/11/2024 01:50 (GMT +7)
“Phao cứu sinh” cho người nuôi tu hài
Thứ 3, 07/08/2012 | 05:31:19 [GMT +7] A A
Ngày 2-8 vừa qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có Thông tư số 38 về việc ban hành danh mục các bệnh thuỷ sản phải công bố dịch. Theo đó, có 12 loại bệnh phát sinh trên thuỷ sản nuôi phải công bố dịch, trong số đó có bệnh do nội ký sinh trùng Perkinsus ở tu hài, hàu, nghêu, ngao... Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 16-9-2012.
Chúng ta đều đã biết, vụ dịch bệnh gây chết hàng loạt cả tu hài giống và thương phẩm, mới xảy ra cách đây không lâu trên địa bàn huyện Vân Đồn, làm khoảng 650 hộ trong tổng số hơn 700 hộ nuôi trên địa bàn trắng tay, điêu đứng nguyên nhân chính là do mắc nội ký sinh trùng Perkinsus. Nhưng điều không may cho các hộ nuôi, là ở thời điểm đó, loại dịch bệnh này lại chưa nằm trong danh mục các bệnh phải công bố dịch. Và như vậy có nghĩa là những người nuôi bị thiệt hại bởi dịch bệnh không được hỗ trợ kinh phí khắc phục hậu quả. Vậy là khó khăn lại chồng lên khó khăn, bởi mức thiệt hại không phải là nhỏ, mà lên tới hàng trăm tỷ đồng. Để tìm lối thoát và hỗ trợ cho người nuôi tu hài, các cơ quan chức năng của tỉnh và huyện chủ trương đề nghị ngành Ngân hàng khoanh nợ, giãn nợ cho các hộ có vay vốn ngân hàng đầu tư vào sản xuất. Còn các hộ huy động vốn từ các nguồn khác, thì chỉ còn cách bán tài sản, cơ nghiệp để trả nợ được phần nào hay phần ấy.
Được biết, sau khi dịch bệnh xảy ra với hậu quả nghiêm trọng, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT đã trực tiếp về Vân Đồn để kiểm tra, khảo sát tình hình dịch bệnh trên tu hài. Trên cơ sở kiến nghị của các hộ nuôi và cơ quan chức năng, loại dịch bệnh trên tu hài này đã được Bộ đưa vào danh mục các bệnh thuỷ sản phải công bố dịch. Như vậy, từ nay trở đi, người nuôi tu hài có thể yên tâm phần nào vì đã có “phao cứu sinh”, nếu không may mắc phải loại bệnh này sẽ được nhà nước hỗ trợ kinh phí khắc phục hậu quả.
Tuy nhiên, đó cũng mới chỉ là một yếu tố đảm bảo cho việc nuôi trồng thuỷ sản phát triển. Bởi vì để nghề nuôi trồng phát triển bền vững còn cần rất nhiều yêu cầu khác, như con giống phải sạch bệnh, có nguồn gốc rõ ràng; không để ô nhiễm môi trường nuôi; cạnh tranh lành mạnh, cùng hợp tác trong ngăn chặn dịch bệnh; diện tích, số lượng nuôi cũng phải được quy hoạch, tính toán cụ thể, không thể phát triển một cách tự phát như thời gian vừa qua; thường xuyên cập nhật thông tin để nắm vững nhu cầu của thị trường và cảnh giác với các loại dịch bệnh có thể phát sinh v.v.
Tu hài nói riêng và các loài thuỷ sản khác nói chung là những vật nuôi mang lại lợi nhuận cao cho người nông dân trên địa bàn tỉnh, góp phần làm giàu cho xã hội. Vì vậy, các cơ quan chuyên môn, địa phương hãy luôn sát cánh với người nuôi để hỗ trợ, bảo vệ họ trước thiên tai, dịch bệnh...
Thanh Tùng
Liên kết website
Ý kiến ()