Ngày 15/11, bác sĩ Nguyễn Mạnh Trường, Khoa Ngoại chấn thương, Bệnh viện Đa khoa Hà Đông, cho biết trẻ thương tích nặng, chảy máu nhiều, được phẫu thuật xử trí các tổn thương, khâu 15 mũi và đặt sonde dẫn lưu.
"Ca mổ thành công nhưng toàn bộ gân, cơ, xương bị dập nát sẽ để lại di chứng nặng nề về sau", bác sĩ Trường nói, thêm rằng bé sẽ bị hạn chế khả năng cầm nắm, viết chữ và phải phẫu thuật nhiều lần để xử lý biến chứng.
Cuối năm, bệnh viện thường tiếp nhận nhiều ca chấn thương do pháo, chủ yếu ở trẻ vị thành niên, từ 15 đến 20 tuổi. Pháo được chế tạo khá dễ dàng, chỉ cần xem một video hướng dẫn và một số linh kiện là lắp ráp được. Tuy nhiên độ rủi ro rất cao, dễ phát nổ. Thành phần của pháo là hóa chất có tính dễ bắt cháy, khó dập lửa, thường gây bỏng nặng.
Tổn thương do pháo nổ rất nguy hiểm, gây chấn thương phần mềm, rách da, chấn thương sọ não, ngực, bụng, gãy xương tay chân... Các thương thích này rất khó làm sạch do dính dị vật khi pháo nổ, khó khăn cho quá trình điều trị. Nhiều trường hợp vết thương không thể tái tạo, dẫn đến nạn nhân tàn phế.
Bác sĩ khuyến cáo gia đình, nhà trường giáo dục trẻ em không được tự chế, sử dụng các loại pháo nổ. Không may bị bỏng, người xung quanh cần nhanh chóng loại bỏ tác nhân gây bỏng, hạ nhiệt vết thương bằng nước sạch, băng bó, đồng thời kiểm tra nạn nhân có bị ngộ độc khí cháy. Trường hợp chi thể bị đứt lìa, nên rửa phần đứt bằng nước muối sinh lý sau đó đặt vào túi sạch rồi bỏ vào túi có đá lạnh (không cho trực tiếp vào đá lạnh) và đưa vào viện cùng nạn nhân.
Trẻ bị bỏng do pháo cần được đưa đến bệnh viện sớm, không tự điều trị tại nhà hoặc dùng thuốc không rõ nguồn gốc khiến vết thương nặng nề, không thể hồi phục.
Ý kiến ()