Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 23/11/2024 10:13 (GMT +7)
Phát động toàn dân kháng chiến chống Pháp
Thứ 7, 29/07/2023 | 08:56:53 [GMT +7] A A
Theo sách Lịch sử Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh, ngày 18 và 19 tháng 12 năm 1946, Ban Thường vụ Trung ương Đảng đã họp hội nghị mở rộng tại làng Vạn Phúc (Hà Đông), dưới sự chủ tọa của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Hội nghị đã vạch ra đường lối cơ bản của cuộc kháng chiến là: toàn dân, toàn diện, trường kỳ, tự lực cánh sinh.
Trong không khí cả nước sôi sục chuẩn bị kháng chiến, ngày 16 tháng 12 năm 1946, tại thị xã Hòn Gai, Ban chấp hành Đảng bộ đặc khu Hòn Gai họp hội nghị dưới sự chủ trì của đồng chí Bí thư Đặc khu ủy Trần Quốc Thảo. Sau khi phân tích, đánh giá tình hình giữa ta và địch, đề ra kế hoạch tác chiến khi kháng chiến bùng nổ, Đặc khu ủy chủ trương: khi nhận được lệnh chiến đấu, quân ta sẽ tiến đánh giặc Pháp ở khắp Vùng mỏ, phá hoại kinh tế của chúng, rồi rút ra ngoài, xây dựng căn cứ kháng chiến.
Hội nghị quyết định cử người thảo luận với Ban cán sự huyện Hoành Bồ (lúc này thuộc tỉnh Quảng Yên), cho Đặc khu xây dựng căn cứ tại xã Sơn Dương.
Tại tỉnh Hải Ninh, đầu tháng 12 năm 1946, Bộ tổng tham mưu đã đưa một số cán bộ về nghiên cứu tình hình ở đây. Khu ủy 12 đã điều tiểu đoàn 10 về cùng với nhân dân Hải Ninh chuẩn bị sẵn sàng chiến đấu khi có chiến sự xảy ra.
Ngày 21 tháng 12 năm 1946, đồng chí Trần Quang Huy, thay mặt xứ ủy Bắc Kỳ đã đến kiểm tra và đôn đốc việc chuẩn bị kháng chiến của Hải Ninh. Công tác chuẩn bị kháng chiến của ba tỉnh đã được tiến hành khẩn trương và đạt được một số kết quả, nhưng cũng còn nhiều khó khăn.
Chuẩn bị kháng chiến chưa được bao lâu, ngày 19 tháng 12 năm 1946, giặc Pháp đem quân vây ép các cơ quan của ta ở thị xã Hòn Gai, 8 giờ sáng ngày 20 tháng 12 năm 1946, Đặc khu ủy nhận được điện của Trung ương báo cho biết: Cuộc kháng chiến toàn quốc đã bùng nổ. Trước tình hình ấy, Ban thường vụ Đặc khu ủy họp hội nghị bất thường tại một địa điểm gần chùa Long Tiên thị xã Hòn Gai. Hội nghị quyết định: Không đầu hàng giặc, quyết tâm kháng chiến đến cùng; Kiên quyết chiến đấu giam chân địch, bảo toàn lực lượng, đêm 20 tháng 12 năm 1946 sẽ di chuyển toàn bộ cơ quan của Đặc khu theo đường Hà Lầm sang Bang Trới tới Sơn Dương (Căn cứ của Đặc khu đã chuẩn bị trước); Khẩn cấp triển khai kế hoạch tác chiến.
Tuy nhiên do còn thụ động chờ lệnh cấp trên nên Ủy ban hành chính kháng chiến thị xã Cẩm Phả đã bị địch đánh úp. Một số nơi khác như: Hà Lầm, Bãi Cháy, trụ sở Ủy ban hành chính cũng bị chúng đánh úp; ở Hà Lầm, một tiểu đội vũ trang của ta có 3 súng trong tay cũng bị địch bắt. Mặc dù lực lượng giữa ta và địch chênh lệch rất lớn, toàn Đặc khu nằm trong tình thế bị bao vây, nhưng Đặc khu ủy quyết tâm lãnh đạo nhân dân nhất tề đứng lên cùng nhân dân cả nước đánh đuổi giặc Pháp, giành lại độc lập dân tộc. Cả khu mỏ vùng lên trút bão lửa căm thù vào bọn thực dân Pháp xâm lược. Lực lượng vũ trang ta đã đẩy lùi nhiều đợt tấn công của địch từ bến phà vào Dốc Học.
Đêm 23 tháng 12 năm 1946, lực lượng vũ trang cùng tự vệ thị xã Cẩm Phả đã đồng loạt tiến công địch ở đồn lính khố xanh, bốt Núi Trọc, bốt điện Cọc 2 và các cơ sở khác của chúng trong thị xã. Nhiều cơ sở sản xuất của địch ở mỏ đã bị ta dùng mìn phá hủy.
Cùng với lực lượng vũ trang ở thị xã Cẩm Phả, đêm 24 rạng ngày 25 tháng 12 năm 1946, lực lượng của ta ở Sơn Dương đã đột nhập vào thị xã Hòn Gai, tấn công trường huấn luyện sĩ quan địch tại Hà Lầm. Nguyễn Văn Thuộc, liên lạc viên đã dẫn đường cho trận đánh. Bị tấn công bất ngờ, địch dùng hỏa lực mạnh, vượt qua lửa đạn, lực lượng của ta đã nhanh chóng bao vây chia cắt lực lượng của chúng. Ta với địch giành giật nhau từng gian nhà, thước đất. Trong lửa đạn mịt mùng, Nguyễn Văn Thuộc đã dũng cảm chiến đấu và hy sinh anh dũng.
Kết quả trận đánh, lực lượng vũ trang đã tiêu diệt 22 sĩ quan, hạ sĩ quan của chúng, thu nhiều vũ khí, đốt cháy 1 kho xăng 100 tấn, 1 kho gạo. Suốt đêm đó, lực lượng vũ trang cùng với công nhân mỏ gài mìn phá hoại các tầng lò, máy móc, kho tàng, công xưởng của địch. Trận tiêu diệt trường sĩ quan địch ở Hà Lầm là trận đánh đầu tiên và lớn nhất của lực lượng vũ trang Khu mỏ trong những ngày đầu kháng chiến.
4 giờ ngày 11 tháng 1 năm 1947, giặc Pháp đã huy động một lực lượng lính Âu Phi dùng ca nô từ Hòn Gai vào Hoành Bồ, chúng chia làm 5 mũi tấn công căn cứ của Đặc khu ở Sơn Dương, hòng thực hiện âm mưu tiêu diệt cơ quan đầu não và lực lượng vũ trang ta, uy hiếp tinh thần nhân dân, xóa khu căn cứ.
Với ý chí và tinh thần quyết tâm chiến đấu, lực lượng vũ trang ta đã phản kích lại địch, cuối cùng chúng phải rút về Hòn Gai chiều 14 tháng 1. Sau trận chống càn Sơn Dương, cơ quan Đặc khu chuyển về Quảng Yên, rồi lên Đông Triều xây dựng căn cứ kháng chiến.
Ở tỉnh Hải Ninh, sáng ngày 19 tháng 12 năm 1946, giặc Pháp đã đem hơn 1000 quân có pháo yểm trợ, từ Tiên Yên đánh lên đường số 4 và Khe Mo. Ngày 22 tháng 12 năm 1946, chúng kéo quân từ Lạng Sơn, Đình Lập, Lộc Bình xuống đánh chiếm toàn bộ đoạn đường số 4 từ Tiên Yên đến Đình Lập. Các cơ quan của tỉnh rút về địa phận xã Thái Bình, sau đó về Hữu Sản (huyện Đình Lập) cho đến tháng 2 năm 1947. Ngày 14 tháng 3 năm 1947, giặc Pháp tiếp tục đợt tấn công thứ hai chiếm đường số 13, huyện lỵ Lục Nam và thị xã Móng Cái, cùng các huyện còn lại của tỉnh Hải Ninh.
Các cơ quan và lực lượng vũ trang tỉnh Hải Ninh tiếp tục chống trả địch rồi rút lui về huyện Hải Chi (nay là huyện Ba Chẽ), sau lên tỉnh Bắc Giang để bảo toàn lực lượng. Đầu tháng 2 năm 1947, lực lượng vũ trang ta đã bắn cháy một máy bay của giặc Pháp vào do thám căn cứ của ta ở Khe Kha (huyện Hải Chi).
Mặc dù bị tạm thời đứt liên lạc với tỉnh. Ủy ban kháng chiến hành chính huyện Đình Lập vẫn bám trụ chống lại giặc Pháp. Khu chiến đấu Chi Lăng Nà Thuộc (thuộc huyện Đình Lập) được hình thành. Lực lượng ta đã đẩy lùi - nhiều đợt tấn công của giặc Pháp. Tháng 3 năm 1947, quân dân Nà Thuộc được Bác Hồ tặng bức trướng với dòng chữ “Ủng hộ kháng chiến”.
Sau khi đánh chiếm được Khu mỏ và phần lớn đất đai của tỉnh Hải Ninh, giặc Pháp mở rộng chiến tranh lấn chiếm về phía Quảng Yên.
Sau khi chiếm được thị xã Quảng Yên và một số huyện, giặc Pháp tiếp tục tấn công ta theo hướng từ cây số 11 đến Uông Bí - Đông Triều. Lực lượng vũ trang của ta đã chống trả địch quyết liệt, bảo vệ cho các cơ quan và nhân dân rút lui an toàn. Ngày 28 tháng 2 năm 1947, Đại đội Bạch Đằng, Đại đội Hồ Chí Minh đã chặn đánh địch tại cây số 11 (ngã ba đường 18 nối với đường 10) từ 3 giờ sáng đến tối, làm bị thương và tiêu diệt nhiều tên, bắn cháy 2 xe thiết giáp.
Ngày 19 tháng 3 năm 1947, giặc Pháp lại tiến đánh Đông Triều, Phả Lại, nhưng chúng gặp phải sức kháng cự của nhân dân và lực lượng du kích các xã: Nguyễn Huệ, Yên Đức, Yên Thọ (TX Đông Triều), cùng một số xã khác của huyện Chí Linh. Nhân dân đã phá hơn 40km đường số 18, nhiều cột điện bị đổ, nhiều dây điện bị cắt đứt làm cho giao thông của địch bị ách tắc.
Sau khi giặc Pháp chiếm được hầu hết các địa bàn của Đặc khu Hòn Gai, tháng 3 năm 1947, Trung ương đã quyết định hợp nhất Đặc khu Hòn Gai và tỉnh Quảng Yên thành Liên tỉnh Quảng Hồng.
Khánh Đan (Tổng hợp)
Liên kết website
Ý kiến ()