Theo nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature Communications ngày 19/8, bằng phương pháp sử dụng kính hiển vi điện tử lạnh (cryo-EM), các chuyên gia xác định cấu trúc cấp độ nguyên tử của điểm dễ tổn thương trên protein virus, thường gọi là epitope. Đây là một phần của protein sinh miễn dịch có thể được hệ thống miễn dịch nhận ra. Họ phát hiện đoạn kháng thể tên V H Ab6, có thể gắn vào vị trí này và vô hiệu hóa từng biến chủng chính.
"nCoV là loại virus có khả năng thích ứng cao, đã phát triển để tránh hầu hết phương pháp điều trị bằng kháng thể hiện có, cũng như phần lớn khả năng sinh miễn dịch do vaccine, nhiễm bệnh tự nhiên. Nghiên cứu mới cho thấy điểm yếu hầu như không thể thay đổi giữa các biến chủng. Nó có thể bị kháng thể trung hòa, tạo tiền đề cho việc thiết kế các phương pháp điều trị tổng thể, giúp đỡ được rất nhiều người", Sriram Subramaniam, giáo sư khoa y của Đại học British Columbia, cho biết.
Các kháng thể được con người sản xuất tự nhiên để chống nhiễm trùng, nhưng cũng được tạo ra trong phòng thí nghiệm và sử dụng như phương pháp điều trị cho các bệnh nhân. Hầu hết liệu pháp kháng thể phát triển dành cho Covid-19 đã giảm hiệu quả khi đối mặt với các biến chủng có nhiều đột biến như Omicron.
"Các kháng thể gắn vào virus theo một cách đặc trưng, giống tra chìa vào ổ khóa. Nhưng khi virus đột biến, chìa khóa không còn phù hợp nữa. Chúng tôi đang tìm kiếm chiếc chìa khóa chính, các kháng thể tiếp tục vô hiệu hóa virus ngay sau khi nó đột biến", giáo sư Subramaniam nói.
Chiếc "chìa khóa chính" được xác định trong nghiên cứu mới là đoạn kháng thể V H Ab6, có hiệu quả chống lại biến chủng Alpha, Beta, Gamma, Delta, Kappa, Epsilon và Omicron. Chúng vô hiệu hóa nCoV bằng cách gắn vào điểm yếu trên các protein đột biến của virus và ngăn virus xâm nhập vào tế bào người.
Ý kiến ()