Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 09/11/2024 08:32 (GMT +7)
Phát huy giá trị các di tích gắn với khu mỏ
Thứ 4, 24/11/2021 | 07:52:17 [GMT +7] A A
Trên địa bàn tỉnh hiện còn nhiều di tích là chứng tích ghi dấu một giai đoạn hào hùng của lịch sử khu mỏ Quảng Ninh. Đó là những địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cách mạng, bồi đắp tinh thần yêu nước cho thế hệ trẻ, góp phần phát triển ngành Du lịch của địa phương.
Nhằm phát huy giá trị các di tích gắn liền với giai cấp công nhân mỏ, thời gian qua TP Cẩm Phả chú trọng tôn tạo, giữ gìn và bảo tồn các di tích. Điển hình như Dự án cải tạo, bảo tồn khu Thị ủy cũ thành Khu lưu niệm Vùng than Cẩm Phả tại phường Cẩm Tây. Khu vực bảo tồn có diện tích khoảng 4.800m², bao gồm nhà Thị ủy cũ, Bệnh viện Cẩm Phả cũ, lầu vọng cảnh và hệ thống sân vườn, cây xanh cổ thụ. Dự án do thành phối phối hợp Trường CĐ Than - Khoáng sản Việt Nam thực hiện, tổng mức đầu tư khoảng 15 tỷ đồng, thực hiện từ năm 2019-2021.
Nhà Thị ủy cũ thời Pháp thuộc là nhà làm việc của Vavasseur - viên quan đại lý người Pháp có chức vụ cao nhất ở Cẩm Phả khi đó, đồng thời là trụ sở làm việc của các quan Pháp, dinh thự của chủ nhất. Sau khi Vùng mỏ được giải phóng năm 1955, khu nhà này là trụ sở của Thị ủy Cẩm Phả trong một thời gian dài. Hiện Trường CĐ Than - Khoáng sản Việt Nam quản lý.
Khu lưu niệm Vùng than Cẩm Phả hiện trưng bày các tư liệu tranh, ảnh, phù điêu, hiện vật có giá trị lịch sử được chia theo niên biểu, chủ đề và tiêu đề. Tầng 1 là không gian trưng bày điểm nét lịch sử tên gọi tỉnh Quảng Ninh cùng dấu mốc phát triển của tỉnh, thành tựu trên các lĩnh vực. Tầng 2 trưng bày về Vùng than Cẩm Phả với những mốc son lịch sử, gắn với các địa danh: Núi Cốt Mìn, trụ sở Báo Than, Mỏ Đèo Nai, di tích Vũng Đục... Qua đó, phát huy giá trị các công trình kiến trúc xây dựng trên 100 năm trước để làm nơi trưng bày tài liệu, hiện vật về truyền thống giai cấp công nhân Vùng mỏ.
Khu di tích Vũng Đục (phường Cẩm Đông) là nơi tưởng nhớ sự hy sinh anh dũng của những công nhân mỏ ưu tú, đã chịu đựng những đòn tra tấn dã man để bảo vệ tổ chức Đảng, bảo vệ phong trào cách mạng. Thành phố đã xây dựng đài tưởng niệm ngay dưới chân núi Bàn Cờ, bên cạnh nơi mà thực dân Pháp đã dìm các chiến sĩ xuống biển.
Ngay cạnh đài tưởng niệm là ngôi đền được xây dựng khá khang trang, quy mô, diện tích khoảng 3.000m2 trên khuôn viên 11,5ha. Công trình đền thờ các liệt sĩ Vũng Đục là nơi quy tụ linh hồn các liệt sĩ đã ngã xuống cho sự nghiệp giải phóng Vùng mỏ, nơi ghi nhớ công ơn của những chiến sĩ cách mạng, nơi giáo dục lòng yêu nước về tinh thần đấu tranh của cha ông.
Thành phố đang phối hợp với TKV đẩy nhanh tiến độ Dự án mở rộng Quảng trường 12/11. Dự kiến, từ nay đến trước Tết Nguyên đán 2022 cơ bản hoàn thành các hạng mục, đến ngày 25/2/2022 hoàn thành toàn bộ Dự án.
Bằng nhiều nguồn lực, thời gian qua, các di tích trên địa bàn tỉnh đều được quan tâm tôn tạo, gìn giữ và phát huy. Tượng đài đồng chí Vũ Văn Hiếu, Bí thư đầu tiên của Đặc khu ủy Khu mỏ Quảng Ninh, sau nhiều lần tôn tạo, hiện nằm tại khu vực Thư viện tỉnh cũ (TP Hạ Long).
Tượng chân dung đồng chí Vũ Văn Hiếu được đúc bằng đồng đỏ nguyên chất, cao trên 6m, nặng 1,7 tấn. Tượng được đặt trên bệ đá hoa cương nguyên khối, tứ diện chạm khắc họa tiết mô phỏng hình dạng vỉa than, phong cảnh Vịnh Hạ Long.
Cùng với tượng đài, khuôn viên khu vực đặt tượng còn có các hạng mục phụ trợ: Sân hành lễ, cây xanh, hệ thống giao thông, hạ tầng kỹ thuật, điện chiếu sáng... kiến trúc kiểu cách trang trọng, thâm nghiêm, đậm đà nét văn hóa lịch sử. Khu vực tượng đài đồng chí Vũ Văn Hiếu đã trở thành nơi giáo dục truyền thống lịch sử Vùng mỏ, chứng kiến bao lớp đoàn viên, đảng viên mới, lưu giữ giá trị của cách mạng ở Vùng mỏ Quảng Ninh.
Nhiều di tích khác như: Khu di tích lịch sử địa điểm khai thác than đầu tiên của Việt Nam (TX Đông Triều); di tích lịch sử và danh thắng núi Bài Thơ (TP Hạ Long); cầu trục Poóc-tích số 1 Xí nghiệp Bến Cửa Ông (TP Cẩm Phả) cũng được quan tâm tôn tạo. Đến nay phần lớn các di tích gắn với giai cấp công nhân mỏ đã được xếp hạng, qua đó góp phần nâng cao công tác giữ gìn, bảo tồn, phát huy.
Tuy nhiên, các cấp, ngành cần quan tâm liên kết một số di tích để hình thành sản phẩm du lịch khi du khách muốn tìm hiểu về vùng đất, con người Vùng mỏ, vừa là một "cuốn sách" sống động, “địa chỉ đỏ” giáo dục về truyền thống Vùng mỏ cho thế hệ trẻ.
Cao Quỳnh
Liên kết website
Ý kiến ()