Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 21:51 (GMT +7)
Phát huy giá trị đất rừng để làm giàu
Thứ 6, 15/04/2022 | 16:11:40 [GMT +7] A A
Ở bản Tài Chi, xã Quảng Sơn, huyện Hải Hà, trong số hơn 100 hộ trong bản, chỉ duy nhất gia đình anh Nguyễn Đức Trưởng là dân tộc Kinh. Bằng uy tín và sự nỗ lực của mình, nhiều năm qua, gia đình anh Trưởng luôn được bà con Tài Chi tin tưởng, học theo, nhất là trong lĩnh vực phát triển kinh tế.
Con đường đến với Tài Chi của anh Trưởng bắt đầu từ 22 năm trước, khi anh hưởng ứng phong trào xây dựng kinh tế mới do xã Nguyên Hòa, huyện Phù Cừ, tỉnh Hưng Yên, nơi anh sinh ra và lớn lên phát động. Mang trong mình khát vọng dựng xây của đảng viên trẻ, một cán bộ đoàn xã năng động, anh Trưởng khi đó đã cùng người vợ trẻ quyết tâm chọn bản biên giới Tài Chi để làm nơi lập nghiệp.
Anh Trưởng kể, thời điểm năm 2000, Tài Chi không có gì là ngoài rừng núi, cả bản có chưa tới 40 nóc nhà, nằm cách xa nhau, đường sá đi lại khó khăn, việc kết nối Tài Chi với bên ngoài cũng vì thế mà hạn chế. Không nản lòng, anh Trưởng tập trung phát huy dư địa lớn nhất của Tài Chi là quỹ đất rừng, lấy canh tác ngắn ngày là chăn nuôi gia súc, trồng lúa khoai để bổ trợ cho việc trồng rừng sản xuất.
Những năm đầu tiên, anh Trưởng tập trung trồng cây keo, rồi cây bạch đàn. Nhờ cây hợp đất, nhờ sự chăm chỉ và phương pháp chăm sóc cây đúng cách của anh Trưởng mà chỉ 5 năm sau, anh đã có những lứa keo, lứa bạch đàn đầu tiên được khai thác. Từ nguồn lực này, anh Trưởng nhân lên diện tích rừng trồng của mình từ 10ha rồi 20ha như hiện nay. Bắt đầu từ năm 2020, anh Trưởng dần giảm diện tích cây keo, bạch đàn để trồng các cây gỗ lớn, cây bản địa, tiến tới trồng xen kẽ các loại cây dược liệu dưới tán rừng.
Gắn bó với đất rừng sản xuất nhiều năm, anh Trưởng cho rằng, keo, bạch đàn tuy không phải là loại cây rừng cho giá trị cao song lại là loại cây dễ sinh trưởng và phát triển, phù hợp với những gia đình điều kiện kinh tế còn khó khăn, cần nguồn thu sớm để tái sản xuất. Riêng loại cây bạch đàn so với cây keo suất đầu tư ban đầu cao hơn một chút nhưng giá trị thu lại lớn hơn, bên cạnh đó còn có thể tận thu cây tái sinh cho vụ sau, giảm đi chi phí đầu tư giống, từ đó lãi suất cao hơn. Còn các cánh rừng gỗ lớn chính là món tài sản tích lũy, càng về sau càng có giá trị, mang lại nguồn thu lớn cho con cháu sau này.
Từ trồng rừng sản xuất, gia đình anh Trưởng dần ổn định cuộc sống, có của ăn của để, xây sửa nhà cửa khang trang, có điều kiện cho con cái học hành đầy đủ. Hiện thu nhập từ rừng của anh Trưởng ước khoảng 1,5 - 2 tỷ đồng/lứa khai thác (5 năm).
Học theo thành công của gia đình anh Trưởng, nhiều hộ dân trong bản Tài Chi đã chú trọng phát triển kinh tế rừng. Không ít hộ dân từ chỗ bỏ đất rừng nay trở lại trồng cây, từ chỗ để cây rừng mọc tự nhiên nay áp dụng phương pháp chăm bón, cắt tỉa khoa học để kích thích cây phát triển. Có hộ còn phát triển đa dạng các loại cây rừng giá trị cao như: thông, quế, trà hoa vàng, cây dược liệu...
Những năm gần đây, nhờ hệ thống hạ tầng giao thông được đầu tư hoàn thiện thông qua các chương trình 135, đề án 196 và chương trình xây dựng NTM của tỉnh, kinh tế rừng của anh Trưởng nói riêng, người dân bản Tài Chi nói chung khởi sắc hơn. Người dân Tài Chi thuận lợi trồng, chăm sóc, khai thác rừng, thương lái đến tận cửa rừng để thu mua lâm sản, mỗi vụ khai thác mang lại giá trị kinh tế cao hơn, đời sống người dân bản Tài Chi ấm no hơn, diện mạo bản đổi mới, giàu mạnh hơn.
Việt Hoa
Liên kết website
Ý kiến ()