Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 03/01/2025 07:34 (GMT +7)
Phát huy hiệu quả các nguồn lực đầu tư
Thứ 3, 23/05/2023 | 15:17:55 [GMT +7] A A
Trong bối cảnh nguồn NSNN còn hạn hẹp, bằng quyết sách đúng đắn, Quảng Ninh đã huy động được nguồn lực to lớn từ xã hội để phát triển hạ tầng đồng bộ, hoàn thiện, hiện đại. Giai đoạn 2021-2025, tỉnh xác định tiếp tục kiên định mục tiêu “lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư”. Để thực hiện mục tiêu này, Quảng Ninh đã triển khai đồng bộ các giải pháp tạo ra sự đổi mới căn bản từ việc lập kế hoạch, triển khai, giải ngân vốn đầu tư công đảm bảo đầu tư trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào những công trình có tính động lực cao.
Đổi mới cách làm
Để đáp ứng yêu cầu thực tế tại địa phương, ngoài các quy định cụ thể của Luật Đầu tư công, các nghị định của Chính phủ, quyết định của Thủ tướng Chính phủ và văn bản hướng dẫn của các bộ, ngành Trung ương, tỉnh Quảng Ninh đã chủ động ban hành các nghị quyết, quyết định, thông báo liên quan để triển khai kế hoạch đầu tư công đảm bảo đúng quy định. Trong đó, Tỉnh ủy đã có các văn bản chỉ đạo về kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách cấp tỉnh giai đoạn 2021-2025. Nhằm đáp ứng yêu cầu sự phát triển, phù hợp thực tiễn địa phương, thúc đẩy kinh tế trong từng giai đoạn cụ thể, HĐND tỉnh đã ban hành nhiều nghị quyết về phân cấp nhiệm vụ chi đầu tư phát triển, nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn đầu tư công nguồn ngân sách địa phương giai đoạn 2021-2025, cho ý kiến về kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025, điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 vốn ngân sách cấp tỉnh… Ngoài ra, hằng năm, HĐND tỉnh đã ban hành các nghị quyết về dự toán thu NSNN, chi ngân sách địa phương, phân bổ dự toán chi ngân sách cấp tỉnh…
Căn cứ nghị quyết của HĐND tỉnh, UBND tỉnh đã ban hành các văn bản chỉ đạo, điều hành và triển khai thực hiện nâng cao chất lượng kế hoạch vốn đầu tư công hằng năm trên cơ sở bám sát các mục tiêu, định hướng, quy định, đồng thời, phù hợp với khả năng cân đối ngân sách tỉnh, đảm bảo cân đối chung thu hút nguồn lực đầu tư xã hội; bảo đảm công khai, minh bạch và hài hòa giữa các ngành, lĩnh vực, địa phương. Ngay sau khi được giao kế hoạch đầu tư công, UBND tỉnh đã kịp thời thông báo chi tiết danh mục, mức vốn kế hoạch, thời gian thực hiện đến từng chủ đầu tư để chủ động triển khai các bước tiếp theo. Đặc biệt, ngay từ năm 2021, tỉnh đã thành lập tổ công tác đặc biệt thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn do đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh làm tổ trưởng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và các sở liên quan làm thành viên. Tổ công tác đã kịp thời giám sát, xử lý các vướng mắc nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án; tổ chức giao ban định kỳ hằng tuần, làm việc với chủ đầu tư, kiểm tra trực tiếp hiện trường để rà soát, đôn đốc, tháo gỡ các vướng mắc; yêu cầu các chủ đầu tư có tiến độ tổng thể, chi tiết, ký cam kết về tiến độ giải ngân vốn đầu tư công hằng năm. Đồng thời, tổ chức giao sớm kế hoạch vốn đầu tư công hằng năm ngay từ cuối năm trước kế hoạch, điều chỉnh kế hoạch vốn linh hoạt từ dự án giải ngân chậm sang dự án có nhu cầu vốn và khả năng giải ngân cao. Qua đó, các nguồn vốn không chỉ được đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, giảm dần nợ đọng xây dựng cơ bản, mà còn đóng vai trò then chốt thu hút nguồn lực xã hội, thúc đẩy Quảng Ninh phát triển nhanh và bền vững.
Phát huy hiệu quả nguồn lực đầu tư
Trong giai đoạn 2021-2025, tổng kế hoạch vốn đầu tư công của Quảng Ninh được HĐND tỉnh thông qua tại Nghị quyết số 76/NQ-HĐND ngày 19/12/2021 là 92.155 tỷ đồng. Đến nay, tỉnh đã điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn 2 lần; theo đó sau điều chỉnh tổng kế hoạch vốn đầu tư công giai đoạn 2021-2025 là trên 94.878 tỷ đồng. Từ nguồn, tỉnh đã đầu tư cho các dự án trọng điểm, quan trọng có tính kết nối liên vùng, có tác động lan toả lớn. Nếu như trước kia, nguồn vốn được đầu tư dàn trải và tồn tại cơ chế xin - cho giữa các cấp ngân sách, dẫn đến hệ lụy đầu tư thiếu trọng tâm, trọng điểm, phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản, thì nay, vấn đề này không còn tồn tại. Tổng nguồn vốn chi cho đầu tư phát triển ngày càng chiếm tỷ lệ cao trong chi ngân sách địa phương (khoảng 55%), tỷ lệ giải ngân vốn kế hoạch, vốn ngân sách nhà nước ngày càng được cải thiện (năm 2021, tỷ lệ giải ngân đạt 93,4%, năm 2022 đạt 93,8%). Việc bố trí vốn trọng tâm, trọng điểm, tập trung các công trình có tính động lực cao góp phần đẩy nhanh tiến độ, sớm đưa công trình, dự án vào sử dụng, phát huy hiệu quả. Trong đó, tổng số dự án khởi công mới trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2022 có 82 dự án cấp tỉnh với tổng mức đầu tư trung bình hơn 374 tỷ đồng/dự án, gấp hơn 2 lần so với giai đoạn 2016-2018.
Việc thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 của tỉnh đang mang lại nhiều tác động tích cực trong thu hút đầu tư từ các nguồn vốn khác. Trong đó, tỉnh đã đẩy nhanh các chương trình, dự án trọng điểm có ý nghĩa lớn đối với phát triển KT-XH, nhất là hạ tầng giao thông, đô thị, du lịch, dịch vụ được đầu tư đồng bộ đảm bảo liên thông tạo điều kiện cho việc phát triển kinh tế theo hướng bền vững. Có thể kể đến, tỉnh đã hoàn thành và đưa và khai thác cao tốc Vân Đồn - Móng Cái, đường bao biển Hạ Long - Cẩm Phả, cầu Cửa Lục 1, đường nối KCN Cái Lân qua KCN Việt Hưng đến cao tốc Hạ Long - Vân Đồn, tuyến đường từ Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn đến Khu phức hợp nghỉ dưỡng giải trí cao cấp Vân Đồn, hệ thống công trình đường giao thông kết nối 104 thôn, bản thuộc huyện Bình Liêu... Hiện nay, tỉnh đang thực hiện các dự án giao thông động lực, quan trọng khác như: Cầu Cửa Lục 3; đường ven sông kết nối từ cao tốc Hạ Long - Hải Phòng (Km6+700) đến đường tỉnh 338 (giai đoạn 1), phối hợp với các tỉnh lân cận triển khai đầu tư hoàn thành cầu Triều và đường dẫn nối QL18 với tỉnh lộ 389, cải tạo nâng cấp đường 342 kết nối Lạng Sơn... đưa Quảng Ninh trở thành địa phương có số km cao tốc lớn nhất cả nước hiện nay, tạo bước đột phá mới của nhiệm kỳ 2020-2025 về phát triển kết cấu hạ tầng giao thông chiến lược, thúc đẩy liên kết vùng, nội vùng và hợp tác hội nhập quốc tế, mở ra cơ hội và không gian phát triển mới.
Cùng với việc đầu tư hạ tầng giao thông, tỉnh đã đầu tư đồng bộ hệ thống hạ tầng cơ sở KKT, chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện để phát triển. Cụ thể, dự án đường trục chính Khu đô thị Cái Rồng (giai đoạn 2); mở rộng đường 334 đoạn từ sân golf Ao Tiên đến nút giao giữa đường 334 với đường vào công viên phức hợp KKT Vân Đồn; đường nối cao tốc Vân Đồn - Móng Cái đến cảng Vạn Ninh; đường nối từ cao tốc Hạ Long - Hải Phòng với KCN Nam Tiền Phong (TX Quảng Yên); xây dựng hoàn chỉnh nút giao đầm Nhà Mạc... Ngoài ra, các lĩnh vực nông nghiệp, y tế, giáo dục, thiết chế văn hoá, thể dục thể thao cũng được quan tâm đầu tư, đáp ứng yêu cầu người dân và phát triển KT-XH trên địa bàn tỉnh. Với những cách làm sáng tạo, phát huy hiệu quả nguồn lực đầu tư, từng công trình, dự án được hoàn thành và đưa vào sử dụng không chỉ nâng cao đời sống của nhân dân, mà còn là động lực chính cho mục tiêu tăng trưởng và thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH của tỉnh.
Thu Trang - Cao Quỳnh
Liên kết website
Ý kiến ()