Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 15:46 (GMT +7)
"Đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công"
Thứ 2, 15/05/2023 | 10:28:16 [GMT +7] A A
Giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh những tháng đầu năm chậm, ảnh hưởng đến các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, tăng trưởng kinh tế năm 2023 của tỉnh. Phóng viên Trung tâm Truyền thông tỉnh đã phỏng vấn ông Nguyễn Mạnh Cường, Giám đốc Sở KH&ĐT, về nội dung này.
- Giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh những tháng đầu năm nay chưa đảm bảo kế hoạch, ông cho biết đâu là nguyên nhân?
+ Năm 2023, tổng kế hoạch vốn đầu tư công của tỉnh là 14.233 tỷ đồng (không bao gồm vốn ODA tỉnh đã đề nghị trả Trung ương). UBND tỉnh đã triển khai nhiều kế hoạch, chỉ đạo tăng cường giải ngân vốn đầu tư công từ đầu năm, thực hiện phân khai chi tiết là 13.911 tỷ đồng... Tuy nhiên, tỷ lệ giải ngân còn rất thấp, chậm so với kế hoạch đề ra. Đến ngày 5/5/2023, các đơn vị, địa phương mới giải ngân được 15,2% so với số kế hoạch đã phân khai chi tiết, thấp hơn so với cùng kỳ năm 2022 (18,4%). Tỷ lệ này tương đương bình quân của cả nước.
Nguyên nhân giải ngân chậm do cả yếu tố chủ quan và khách quan. Trong đó thiếu hụt nguồn vật liệu thi công (đất, cát đắp), vị trí đổ thải là một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến các dự án lớn, như nút giao Đầm Nhà Mạc, đường ven sông... có khối lượng đất, cát đắp lớn, cung không đủ cầu. Bên cạnh đó, một số dự án gặp khó khăn trong công tác GPMB, ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ, làm chậm công tác giải ngân.
Một số dự án chuyển tiếp có tổng mức đầu tư lớn đã được tạm ứng hợp đồng từ cuối năm 2022, như: Đường ven sông; cải tạo, nâng cấp đường tỉnh 342; mở rộng Trường CĐ Việt - Hàn...; các nhà thầu đang thi công để hoàn thành khối lượng đã tạm ứng, vì vậy chưa có nhiều khối lượng hoàn thành phát sinh, chưa thể giải ngân.
Công tác lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư, chuẩn bị đầu tư của một số sở, ngành, địa phương và các chủ đầu tư còn chậm, không đáp ứng thời gian, dẫn đến một số công trình chưa kịp đấu thầu để giải ngân vốn. Ngoài ra, việc thu tiền sử dụng đất tại các địa phương chậm đã ảnh hưởng đến công tác giải ngân trong những tháng đầu năm.
- Để đẩy mạnh công tác giải ngân vốn đầu tư công, UBND tỉnh đã thành lập tổ công tác đặc biệt. Vai trò của tổ công tác như thế nào, thưa ông?
+ Nhằm thúc đẩy công tác giải ngân, bên cạnh thực hiện phân khai vốn rất sớm, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 169/QĐ-UBND (ngày 18/1/2023), thành lập Tổ công tác đẩy nhanh thực hiện và giải ngân các chương trình, dự án trọng điểm sử dụng vốn ngân sách tỉnh năm 2023.
Trong đó phân công cụ thể chức năng, nhiệm vụ cho từng thành viên; thực hiện rà soát, tổng hợp khó khăn, vướng mắc; đề xuất, kiến nghị các giải pháp để báo cáo UBND tỉnh chỉ đạo kịp thời nhằm thúc đẩy tiến độ thực hiện và giải ngân, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn. Đồng thời UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương căn cứ tình hình thực tiễn, thành lập Tổ công tác đẩy nhanh thực hiện và giải ngân các chương trình, dự án trọng điểm của địa phương; yêu cầu tất cả các chủ đầu tư ban hành kế hoạch giải ngân cụ thể trong từng quý, phấn đấu đến ngày 30/9/2023 giải ngân 80%, đến ngày 31/12/2023 giải ngân 100% kế hoạch vốn giao đầu năm.
Tuy nhiên, đến nay kết quả thực hiện cũng còn hạn chế, vai trò của Tổ công tác chưa thực sự được phát huy; một số thành viên Tổ công tác chưa chủ động bố trí thời gian đi kiểm tra hiện trường thi công các dự án được phân công theo dõi, chưa nắm bắt kịp thời các khó khăn, vướng mắc của các chủ đầu tư trong triển khai dự án.
Bên cạnh đó xuất hiện tâm lý e ngại, sợ trách nhiệm của một bộ phận CBCC trong thực thi nhiệm vụ; chất lượng cán bộ, năng lực quản lý của một số chủ đầu tư, vai trò người đứng đầu tại một số đơn vị còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu trong quản lý, hiểu biết pháp luật về đất đai, đầu tư, xây dựng, ngân sách..., dẫn đến cần nhiều thời gian để nghiên cứu, xử lý, ảnh hưởng đến việc hoàn thiện thủ tục đầu tư, thi công, triển khai dự án.
- Để đảm bảo kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công năm 2023, thời gian tới cần tập trung những giải pháp gì, thưa ông?
+ Theo tôi trước hết cần tiếp tục đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các đơn vị, địa phương, chủ đầu tư và thành viên Tổ công tác của tỉnh, của địa phương. Người đứng đầu phải trực tiếp chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thực hiện rà soát điều chuyển kế hoạch đầu tư vốn giữa các dự án chậm giải ngân sang dự án có tiến độ giải ngân tốt, chịu trách nhiệm giải trình về kết quả giải ngân cũng như hiệu quả đầu tư.
Để tăng cường vai trò của Tổ công tác, UBND tỉnh đã ban hành Văn bản số 984/UBND-TH4 (ngày 28/4/2023) thực hiện Công điện số 280/CĐ-TTg (ngày 19/4/2023) của Thủ tướng Chính phủ về chấn chỉnh, tăng cường trách nhiệm trong xử lý công việc của các bộ, cơ quan, địa phương.
Yêu cầu các chủ đầu tư, nhà thầu tranh thủ thời tiết thuận lợi, nâng cao năng lực cả về trang thiết bị và nhân lực, đảm bảo tiến độ, khối lượng, chất lượng công trình, đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư công, dự án đầu tư ngoài ngân sách, hoàn thành đưa vào sử dụng các dự án trọng điểm. Các địa phương cần tập trung các giải pháp đảm bảo hoàn thành về thu số ngân sách nhà nước từ đất. Đồng thời tập trung hoàn thiện các hồ sơ thanh toán theo quy định, nhất là các công trình đã hoàn thành, quyết toán; các chủ đầu tư cần khẩn trương nghiệm thu lập hồ sơ thanh toán khi có khối lượng. Trong đó cần kiểm soát chặt chẽ, không để phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản ở từng cấp ngân sách, chỉ triển khai dự án khi đã xác định được nguồn vốn và khả năng cân đối vốn; khẩn trương hoàn thành thủ tục đầu tư đối với các dự án khởi công mới.
Các sở, ngành, địa phương cần tăng cường quản lý hiệu lực, hiệu quả đất đai, nhất là nguồn gốc đất, quy hoạch sử dụng các loại đất…, hạn chế tối đa việc điều chỉnh phương án đền bù, bảo đảm tiến độ thực hiện. Các địa phương chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh về việc tăng đột biến chi phí GPMB đối với các công trình, dự án đã được phê duyệt theo quy định.
Cùng với đó, tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, xử lý nghiêm vi phạm; kiểm soát chặt chẽ mục tiêu, hiệu quả sử dụng vốn, bảo đảm công bằng, công khai, minh bạch, phòng chống tham nhũng, lợi ích nhóm. Đồng thời nâng cao vai trò trách nhiệm người đứng đầu trên phương châm "6 dám" (dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn thử thách) trong thực thi công vụ.
- Trân trọng cảm ơn ông!
Đỗ Phương
Liên kết website
Ý kiến ()